Hiện nay, không có nhiều ghi chép nói về sự xuất thân của Cô mà chỉ là qua phỏng đoán. Bởi vậy, cũng có nhiều quan niệm hiểu sai về thân thế của cô.
Sự tích Cô Tư Tây Hồ
Theo những gì còn lưu truyền đến đời nay, không có nhiều thần tích nói về sự xuất hiện cũng như ngày đản tiệc Cô Tư Tây Hồ. Có thể dựa trên danh hiệu Cô, ta ước đoán Cô từng giáng hiện tại vùng Tây Hồ, Hà Nội. Minh chứng đền thờ cô Tư Tây Hồ là tại Phủ Tây Hồ nằm ven bờ Hồ Tây và tại đình Tứ Liên cách Phủ hơn 2km đều có ban thờ Cô Tư.
Ai ơi Tứ Tổng Tây Hồ
Hỏi thăm cho tới đền thờ cô Tư
Phủ Tây Hồ thờ Cô Tư Tứ Phủ
Phủ Tây Hồ nằm tại ven bờ Hồ Tây, địa chỉ 52 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 4km về phía Tây. Phủ Tây Hồ là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và có lầu thờ Cô Tư Tây Hồ. Đây cũng là nơi thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh, Hội đồng các quan, Quan Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế và Tam tòa Thánh Mẫu.
Qua cổng Tam Quan là khuôn viên sân phủ rộng rãi. Tại đây có Phủ chính có quy mô lớn nhất và các công trình kiến trúc như Điện Sơn Trang, lầu Cô, lầu Cậu.
Tại khuôn viên sân, ở phía bên trái là lầu Cậu còn phía bên phải có lầu Cô. Lầu Cậu, lầu Cô tuy nhỏ nhưng thiết kế mang đậm kiến trúc tâm linh. Câu đối đắp nổi ở hai bên thể hiện nhiệm vụ cao cả của Cậu và Cô đối với Thánh Mẫu: Hộ vệ hoàng cung dương hách trạc/ Tùy tòng Mẫu giá hiển uy linh.
Trong lầu Cô thờ bức tượng được sơn vàng theo màu sắc đặc trưng của ngôi đệ Tứ trong Tứ Phủ.
Hát văn giá hầu đồng Cô Tư Tây Hồ
Bản văn Cô Tư Tây Hồ
Ngàn xưa lưu dấu Tiên Rồng
Trời Nam sinh thánh Thăng Long hóa thần
Đinh Lê truyền đến Lý Trần
Bao cơn binh cách bao lần phong ba
Kinh kỳ nức tiếng phồn hoa
Anh linh hiển hách Cô Tư Tây Hồ
Bốn mùa lan,huệ nở đua
Hương sen ngào ngạt lý ngư về chầu
Trăng thanh giãi cỏ bên lầu
Sáng soi khắp hết long lâu thủy đình
Tây Hồ sóng gợn lung linh
Một bầu sơn thủy cảnh thanh dị kỳ
Dấu tiên cổ tích còn ghi
Có cô Tư Thoải đi về sớm khuya
Phong tư đức hạnh khác vời
Mẫu ban coi sóc trong ngoài vào ra
Tây Hồ chính quán quê nhà
Cảnh tiên một thú cầm ca,nhạc thiều
Xuân về quả đón,hoa chào
Tay cô vun xới cho đào nở hoa
Bích đào tiến đến vua cha
Đào bạch cô tiến Tam Tòa Mẫu Vương
Hoa lan, hoa huệ, hải đường
Mẫu đơn, thược dược, đỗ quyên, hoa hồng
Chậu quất cô tiến công đồng
Nhân dân thiện tín mắt trông tỏ tường
Quất xanh hoa trắng tỏa hương
Quất chín sắc thắm ánh vàng lung linh
Quất vàng bán khắp thị thành
Ơn cô giáo hóa dân lành từ xưa
Vườn hoa,cây cảnh cổ đồ
Nuôi tằm dệt lụa tiên cô mở đường
Chuông chùa trầm bổng vang vang
Vẳng nghe cô gọi trâu vàng tới nơi
Dấy rằng chuông trống ba hồi
Mẹ con phải kíp tới nơi Cô truyền
Đêm thanh quỳ trước cửa đền
Nghe lệnh cô truyền nổi gió Nam phong
Mát lòng dân khỏi bức nồng
Qua cơn bĩ cực thoát vòng u mê
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mười ba tháng tám nhớ về phủ đây
Thương người dạ thảo lòng ngay
Tài ba lỗi lạc sớm cày chiều thơ
Thương người rắc đậu trồng ngô
Xót người cùng khổ bốn mùa ăn đong
Giận ai bạc chảy tiền ròng
Công lao một chút, chỉ hòng tạc bia
Lộc bình tán tán xưa kia
Kiệu hoa, võng lọng, nay về nơi đâu?
Hồ còn rộng, nước còn sâu
Cải tà quy chính trước sau mấy là
Giận phường giảo trá điêu ngoa
Thiệt thòi một chút nói ra phũ phàng
Lời cô chỉ nói rõ ràng
Qua cơn ác mộng, lên đường Thuấn Nghiêu
Ngâm vào chèo đò:
Chiều chiều gió thổi hiu hiu
Trùng trùng sóng bạc sáo diều vi vu
Trăng thanh bẻ lái khoan hò
Bạn tiên rẽ sóng chèo đua trước đền
Cây si bóng mát kề bên
Bạn tiên hội họp trước đền hò ca
Người gần cho chí người xa
Rủ nhau lên Phủ tháng ba hội đền
Anh hùng thanh lịch thuyền quyên
Tâm hương phụng sự một niềm không sai
Thương ai hữu đức hữu tài
Ngư phường nông nghiệp đẹp người đẹp duyên
Tiền nhân vị liễu oan khiên
Tham sân tam nghiệp liên miên tháng ngày
Nhỡn quan thế hệ không hay
Minh đồ hoạ lạc tháng ngày nhuộm nhơ
Tâm chung hoả liệt không cờ
Mê mê sảng sảng trói vò chân tay
Chiêm bao mộng hiện đêm ngày
Báo cho mà biết cô rầy không dung
Thỉnh tu lễ sám tội căn
Thỉnh thánh hội đồng Tư Thoải ngự chơi
Thành tâm tiến bản văn mời
Tây Hồ Cô Thoải ngự vui tức thì
Cô Tư Tây Hồ không phải Cô Tư Ỷ La
Trong suy nghĩ của nhiều người cho rằng, Cô Tư trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô là Cô Tư Ỷ La và cái tên Cô Tư Tây Hồ là một danh hiệu khác của cô. Đình Tứ Liên là nơi thờ vọng cô Tư Ỷ La. Tuy nhiên, quan điểm này là không chính xác.
Theo tín ngưỡng Tứ Phủ, vị Thánh Cô thứ tư thuộc Địa Phủ, hầu Mẫu Liễu Hạnh và có trang phục có màu vàng đặc trưng. Tuy nhiên, Cô Tư Ỷ La lại là một trong Thập Nhị Cô Sơn Trang cùng với Cô Cả Núi Dùm, Cô Bơ Thượng Ngàn,… tức là những tiên cô có nhiệm vụ theo hầu Mẫu Thượng Ngàn. Bởi vậy, Cô Tư Ỷ La thuộc Nhạc Phủ chứ không phải Địa Phủ.
Do đó, Cô Tư Tây Hồ thuộc Tứ Phủ Thánh Cô khác với Cô Tư Ỷ La.