Đạo Tin lành được truyền vào Việt Nam khoảng thập niên đầu thế kỷ XX. Do nhiều nguyên nhân về tôn giáo, văn hóa, xã hội và chính trị, nên trước năm 1975, mặc dù các nhà truyền giáo rất nỗ lực, nhưng đạo Tin lành phát triển chủ yếu ở khu vực phía Nam với số lượng tín đồ hạn chế.
Từ giữa những năm 1980 đến nay, đạo Tin lành ở Việt Nam phát triển rộng khắp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm về nhận thức và chính sách.
Sự biến đổi về số lượng tín đồ, phạm vi hoạt động và tổ chức của đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay
Sau năm 1975, các tổ chức Tin lành không được Nhà nước Việt Nam công nhận, vì vậy sinh hoạt tôn giáo của tín đồ cũng như hoạt động của chức sắc đạo Tin lành cầm chừng, dè dặt. Trong bối cảnh đó, đạo Tin lành không những không thu hẹp và tan rã như nhiều người quan niệm, mà tôn giáo này vẫn trụ lại, thậm chí phát triển rất nhanh. Số tín đồ đạo Tin lành (đã chịu Lễ Báp tem) năm 1975: 180 nghìn người; năm 1990: 320 nghìn người, năm 1995: 368 nghìn người; năm 2000: 504 nghìn người, năm 2005: 950 nghìn người; năm 2010: 1,05 triệu người, năm 2017: 1,35 triệu người(1) (trong gần 1,5 triệu người theo đạo Tin lành theo khai trình của các tổ chức Tin lành)(2). Như vậy, đến nay, số lượng tín đồ đạo Tin lành (đã chịu Lễ Báp tem) tăng gấp 6 lần, số người theo đạo Tin lành nói chung tăng gấp hơn 8 lần so với năm 1975.
Cùng với sự tăng trưởng tín đồ là sự mở rộng phạm vi hoạt động của đạo Tin lành. Nếu như trước năm 1975, đạo Tin lành chủ yếu hoạt động ở khu vực phía Nam, ở miền Bắc khi ấy chỉ có 10 tỉnh thành có người theo đạo, thì đến nay, tôn giáo này đã mở rộng ra cả nước(3).
Tương ứng với sự tăng trưởng tín đồ và sự mở rộng địa bàn hoạt động là sự gia tăng các chi hội Tin lành (đơn vị cơ sở, còn gọi là Hội thánh cơ sở) và điểm nhóm (địa điểm nhóm lễ). Nếu như trước năm 1975, đạo Tin lành có khoảng 550 chi hội và hội nhánh (trong đó Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam có 530 chi hội và hội nhánh), thì đến nay, cả nước có 606 chi hội và 4.757 điểm nhóm theo cộng đồng dân cư.
Đề cập đến sự tăng trưởng tín đồ đạo Tin lành ở nước ta không thể không nói đến sự truyền nhập tôn giáo này vào đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc (tên gọi chung khu vực miền núi phía Bắc). Đạo Tin lành truyền lên Tây Nguyên năm 1930. Từ năm 1930 đến năm 1975 có khoảng 55 – 60 nghìn tín đồ đạo Tin lành là đồng bào dân tộc thiểu số(4). Sau năm 1975, trong hoàn cảnh ngừng hoạt động vì có quan hệ với tổ chức phản động FULRO, nhưng do nhiều nguyên nhân, đạo Tin lành vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển rất nhanh vào thập niên 90 thế kỷ XX – điều mà trước năm 1975 có sự hỗ trợ trực tiếp về mọi mặt của Hội Truyền giáo CMA vẫn không thể thực hiện được.
Đến năm 2017, ở Tây Nguyên có 615.111 người theo đạo Tin lành (trong đó khoảng 550 nghìn tín đồ là người dân tộc thiểu số) gấp 10 lần so với trước năm 1975, ở 1.863 điểm nhóm của hơn 20 tổ chức và hệ phái Tin lành. Cụ thể, Đắc Lắc: 188.169 người, Gia Lai: 138.033 người, Lâm Đồng: 92.815 người, Bình Phước: 60.458 người, Đắc Nông: 63.830 người, Kon Tum: 16.806 người(5).
Ở Tây Bắc, từ năm 1985, một số đồng bào Mông ở Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu,… sau khi nghe Đài Nguồn sống (The Far East Broadcasting Company- FEBC) phát từ Manila (Philíppin) bằng tiếng Mông đã theo đạo Tin lành dưới tên gọi Vàng Chứ. Cuối những năm 1980, một số người chuyển sang theo Công giáo, nhưng đến đầu những năm 1990 được Đài FEBC và Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) hiệu chỉnh chuyển sang theo đạo Tin lành. Cùng thời gian này, các tổ chức Tin lành đã thu nạp tín đồ người Mông và xây dựng tổ chức. Nếu năm 1996 cả nước có gần 60 nghìn người Mông theo đạo Tin lành, thì đến năm 2005, khi triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg, số người Mông theo Tin lành đã tăng lên 110 nghìn người (chiếm 13% tổng số người Mông toàn quốc). Đến năm 2017, số người Mông theo đạo Tin lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc tăng lên 215 nghìn người (không kể khoảng 34 nghìn người Mông theo đạo Tin lành di cư vào Tây Nguyên). Ngoài người Mông, ở khu vực Tây Bắc giai đoạn này còn có khoảng gần 20 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số khác như Dao, Sán Chỉ, Thái,… theo đạo Tin lành. Số liệu ở từng tỉnh như sau: Điện Biên: 58.041 người, Lai Châu: 42.778 người, Lào Cai: 28.345 người, Cao Bằng: 16.792 người, Hà Giang: 19.730 người, Bắc Cạn: 13.818 người, Sơn La: 12.976 người, Tuyên Quang: 8.317 người, Thái Nguyên: 5.566 người, Thanh Hóa: 5 nghìn người, Lạng Sơn: 2.264 người, Yên Bái: 1.373 người(6).
Như vậy, nếu năm 1975 cả nước có khoảng 55 nghìn tín đồ đạo Tin lành là đồng bào dân tộc thiểu số thì đến năm 2017 tăng lên đến 775 nghìn tín đồ, gấp hơn 14 lần.
Sự hình thành nhiều tổ chức, hệ phái Tin lành là một trong những đặc trưng của biến đổi đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh 10 tổ chức, hệ phái Tin lành được công nhận, thì ở Việt Nam hiện có 78 tổ chức, nhóm phái Tin lành chưa được công nhận, đang hoạt động tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Đa số tổ chức Tin lành chưa được công nhận là những tổ chức, nhóm phái mới phục hồi hoặc mới hình thành, tên gọi và số liệu chưa ổn định, thậm chí một số trường hợp tên gọi trùng nhau và người theo đạo có khi cùng ghi danh ở các tổ chức khác nhau. Có thể thấy, nếu năm 1975 có khoảng 20 tổ chức, hệ phái Tin lành thì năm 2017 có đến 88 tổ chức, nhóm phái Tin lành đang hoạt động ở Việt Nam.
Một số lý giải về sự biến đổi đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay
Để lý giải về sự biến đổi của đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay không thể đơn giản cho rằng những nguyên nhân đồng bào theo đạo chỉ là do vật chất hoặc do bị dụ dỗ; cũng không nên theo lôgíc hình thức nói rằng việc theo đạo là do truyền đạo, trong khi đồng bào không có nhu cầu; càng không thể phiến diện cho rằng việc theo đạo Tin lành chỉ là một phần trong chiến lược “diễn biễn hòa bình” của các thế lực thù địch. Tóm lại, vấn đề đạo Tin lành phát triển nhanh và mạnh ở nước ta thời gian gần đây cần phải được tìm hiểu cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan, cả nguyên nhân kinh tế lẫn nguyên nhân xã hội và cần phải lý giải từ chính những đặc điểm của đạo Tin lành.
Chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhất là quá trình CNH, HĐH đất nước có tác động đến sự biến đổi của Tin lành ở Việt Nam.
Công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước đã tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển của đạo Tin lành – một tôn giáo cải cách thích hợp với tầng lớp thị dân của xã hội công nghiệp. Cùng với quá trình đổi mới, Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, trong đó có những nước có đông người theo đạo Tin lành. Hiện nay, đạo Tin lành có 820 triệu tín đồ, là tôn giáo lớn thứ tư trên thế giới (chỉ đứng sau Islam giáo với 1,45 tỷ tín đồ, Công giáo với trên 1,25 tỷ tín đồ, Ấn Độ giáo với 1,1 tỷ tín đồ). Trong đó, hai quốc gia có đông người theo Tin lành là Mỹ và Hàn Quốc. Mỹ được coi là trung tâm đạo Tin lành thế giới với khoảng 180 triệu tín đồ (chiếm gần 60% tổng dân số) thuộc hàng trăm hệ phái và hàng nghìn tổ chức đạo Tin lành. Trong lịch sử và hiện tại, đạo Tin lành Mỹ là nguồn truyền giáo và hỗ trợ đạo Tin lành ở Việt Nam. Hàn Quốc hiện được coi là một quốc gia Tin lành ở châu Á. Hơn 30 năm trở lại đây, số người theo đạo Tin lành ở Hàn Quốc tăng rất nhanh với khoảng 22 triệu tín đồ, chiếm gần 50% tổng dân số, trở thành đầu mối truyền đạo Tin lành ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Khi quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Mỹ ngày càng phát triển thì tác động của đạo Tin lành Mỹ và đạo Tin lành Hàn Quốc đến đạo Tin lành ở Việt Nam là điều tất yếu.
Cũng cần chú ý đến bối cảnh toàn cầu hóa tạo điều kiện để đạo Tin lành, cũng như nhiều tôn giáo khác, mở rộng truyền giáo ra nhiều khu vực trên thế giới. Cùng với toàn cầu hóa là sự bùng nổ về khoa học kỹ thuật, nhất là sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin. Hiện nay, sự bùng nổ của truyền thông là trợ lực cho việc truyền bá đạo Tin lành, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong lịch sử, các giáo sĩ đạo Tin lành rất chú trọng khai thác các phương tiện truyền thông để phục vụ cho hoạt động truyền giáo. Trường hợp người Mông ở khu vực Tây Bắc nước ta theo đạo Tin lành chủ yếu qua nghe đài FEBC là một ví dụ tiêu biểu.
Lợi thế của đạo Tin lành trong quá trình truyền đạo và theo đạo
Đạo Tin lành tách ra từ Công giáo, là kết quả của phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu thế kỷ XVI. Theo lý thuyết, tôn giáo ra đời sau hoặc là phép cộng, hoặc là phép trừ của tôn giáo trước đó, có thể thấy đạo Tin lành là phép trừ của Công giáo. Đạo Tin lành đã bỏ bớt những gì được gọi là trung gian giữa con người với Thiên Chúa. Những nội dung cải cách về luật lệ, lễ nghi, thờ phụng và tổ chức làm cho đạo Tin lành trở thành tôn giáo đơn giản, gọn nhẹ và dễ theo. Với những nội dung cải cách, đạo Tin lành là tôn giáo thích hợp với hai đối tượng truyền thống là thị dân của xã hội công nghiệp và các dân tộc thiểu số (tộc người), không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, đạo Tin lành chủ trương trở lại với Kinh Thánh, chỉ tin Thiên Chúa và đề cao vai trò cá nhân và đức tin trong sinh hoạt tôn giáo. Những điều này tạo ra sự khác biệt rất căn bản giữa đạo Tin lành với Công giáo, tạo ra sự hấp dẫn của đạo Tin lành so với Công giáo và một số tôn giáo khác trong những hoàn cảnh nhất định. Điều này còn làm cho đạo Tin lành có thể tồn tại và phát triển trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, kể cả khi bị ngăn cản.
Đạo Tin lành còn là một tôn giáo có đường hướng hành đạo và phương thức hoạt động năng động, đổi mới và thích nghi từ hình thức đến nội dung để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Đặc biệt, đạo Tin lành luôn chú trọng đến việc truyền giáo, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực từ thiện nhân đạo, coi đó là phương châm hành đạo và cũng là phương tiện và điều kiện để truyền giáo. Điều này làm cho đạo Tin lành có khả năng tiếp cận với những thể chế chính trị khác nhau, văn hóa các tộc người khác nhau. Những lợi thế vừa nêu giúp đạo Tin lành thu hút dược nhiều tín đồ hơn so với Công giáo và Phật giáo ở Tây Bắc và Tây Nguyên thời gian gần đây.
Về việc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Mông theo đạo Tin lành thời gian vừa qua.
Lý giải vấn đề này cần chú ý đến sự tập hợp các nguyên nhân trong cùng một thời gian. Đó là: (1) sự suy yếu của các thiết chế xã hội truyền thống, sự khủng hoảng của văn hóa truyền thống với những hủ tục tạo ra khoảng trống về tâm linh cần bù đắp; (2) trình độ dân trí thấp của một số cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là vào thập niên 1980 – 1990; (3) hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều yếu kém, sự suy giảm niềm tin vào chính quyền và chế độ sau sự tan rã của Liên Xô và hệ thống XHCN; (4) đạo Tin lành khai thác lợi thế của một tôn giáo cải cách, có những điểm tiến bộ về đạo đức và lối sống gắn với xã hội. Các nguyên nhân này cùng hội tụ trong một thời điểm, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc truyền đạo và theo đạo Tin lành, đây là điều mà ở các giai đoạn trước đó không có hoặc không đủ.
Việc mất uy tín của tín ngưỡng truyền thống vì nhiều hủ tục nặng nề và tốn kém tạo ra khoảng trống về tâm linh thể hiện rõ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành các khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Đối với người Kinh, đạo Tin lành khó phát triển tín đồ, vì đời sống tôn giáo truyền thống của người Kinh thường gắn với hoặc chịu ảnh hưởng mạnh từ tam giáo, nhất là Phật giáo, tạo ra sự ổn định, ít có khoảng trống tâm linh để đạo Tin lành có cơ hội truyền giáo, phát triển tín đồ.
Sự đa dạng tổ chức và hệ phái Tin lành
Sự phân chia đa dạng về tổ chức và hệ phái là một đặc điểm nổi trội của đạo Tin lành. Trên thế giới hiện có khoảng 300 hệ phái và hàng nghìn tổ chức Tin lành khác nhau. Sự đa dạng về tổ chức và hệ phái của đạo Tin lành càng có cơ hội phát triển trong những môi trường xã hội nhất định, theo hướng phân tán để tồn tại, phân tán để mở rộng. Ở Việt Nam, một giai đoạn khá dài sau năm 1975, chính quyền không công nhận về tổ chức của đạo Tin lành, cũng như chậm giải quyết vấn đề đạo Tin lành ở Tây Nguyên và Tây Bắc, dẫn đến việc các tổ chức Tin lành phân tán hoạt động tổ chức để duy trì sinh hoạt tôn giáo. Từ khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, nhất là sau khi ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2005 của Thủ tướng Về một số công tác đối với đạo Tin lành, đánh dấu bước chuyển trong quá trình nhìn nhận sự tồn tại và bình thường hóa hoạt động của đạo Tin lành, thì sự phân tán các tổ chức và điểm nhóm Tin lành giảm rõ rệt.
Mối quan hệ giữa Tin lành với văn hóa
Cũng như các tôn giáo khác, mối quan hệ giữa đạo Tin lành với văn hóa thể hiện qua ba khía cạnh: tự bản thân đạo Tin lành là văn hóa; (2) đạo Tin lành là môi trường lưu giữ văn hóa; (3) đạo Tin lành là môi trường giao lưu, tiếp biến văn hóa.
Với đặc trưng về đức tin, sống đạo, giữ đạo cùng một số tập quán, lối sống nên khi truyền giáo đến Tây Nguyên và Tây Bắc, cũng như những vùng miền khác, đạo Tin lành có những va chạm, thậm chí xung đột với văn hóa truyền thống bản địa. Người theo đạo Tin lành với việc đề cao đức tin, chỉ thờ Thiên Chúa đã phủ nhận việc thờ thần linh, phủ nhận các nghi lễ trong quan hôn, tang tế và các lễ hội truyền thống; làm thay đổi các mối quan hệ truyền thống trong gia đình và xã hội, đã “hạ bệ” các già làng, trưởng bản, trưởng tộc – những người có uy tín trong cộng đồng truyền thống. Những điều này tạo ra sự khác biệt giữa đạo Tin lành và tín ngưỡng truyền thống, gây không ít bất ổn trong quan hệ xã hội.
Những va chạm, xung đột nói trên thường xảy ra ở giai đoạn đầu truyền giáo, cộng thêm tâm lý cực đoan nhất thời khá phổ biến của những người “bỏ cái này theo cái kia”. Cùng với thời gian, các mâu thuẫn, xung đột giảm đi, các mối quan hệ giữa Tin lành với văn hóa truyền thống dần dần trở lại bình thường. Thực ra, đạo Tin lành chỉ khác biệt về đức tin – thờ duy nhất Thiên Chúa so với tín ngưỡng truyền thống – thờ nhiều vị thần linh khác nhau. Sự khác biệt này kéo theo một số phong tục, tập quán liên quan. Do vậy, không nên vì sự khác biệt này mà đẩy đến sự khác biệt toàn bộ về văn hóa để phủ nhận những mặt tích cực về đạo đức, lối sống của đạo Tin lành, tiêu biểu như: khuyến khích tín đồ sống tiết kiệm, chăm chỉ lao động, ham muốn làm giàu, tích cực hoạt động từ thiện xã hội, hoàn thành trách nhiệm công dân, từ bỏ những thói quen xấu.
Cần nói thêm, đạo Tin lành truyền vào nước ta khá muộn, trước đây ít để lại dấu ấn tích cực trong quá trình tồn tại và phát triển. Đến khi đạo Tin lành phát triển mạnh mẽ thì do đặc thù về đức tin và sống đạo đã tạo ra những xung đột về văn hóa, dẫn đến trong một thời gian nhất định, nhận thức của chính quyền về đạo Tin lành chủ yếu là tiêu cực, từ đó ứng xử với đạo Tin lành có những điều chưa tương đồng với các tôn giáo khác.
Mối quan hệ giữa Tin lành với chính trị
Do đặc điểm quá trình ra đời, đạo Tin lành đã phải trả giá trong “cuộc đọ sức đẫm máu” mang tính chất chính trị với giai cấp phong kiến và Giáo triều Roma. Sau này, đạo Tin lành phát triển ở các nước tư sản với nguyên tắc tách rời chính trị và tôn giáo (chính giáo phân ly). Do vậy, hầu hết các tổ chức và hệ phái Tin lành đều tuyên bố không làm chính trị mà tập trung truyền giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người theo đạo Tin lành với tư cách cá nhân liên đới đến chính trị. Ở Việt Nam, sau năm 1975, một số chức sắc đạo Tin lành ở Tây Nguyên nghe theo tổ chức phản động FULRO chống lại chính quyền. Gần đây, vào năm 2001 và năm 2004, một số tín đồ đạo Tin lành, chủ yếu là những người mới theo đạo, đã tham gia các cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên.
Điều đáng ghi nhận là thái độ tích cực của các tổ chức Tin lành trước những vướng mắc nói trên. Khi xảy ra bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tỏ thái độ rõ ràng và dứt khoát đối với tổ chức FULRO. Ngay sau khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã có văn bản do Mục sư Hội trưởng Phạm Xuân Thiều ký ban hành ngày 5-4-2001, trong đó có đoạn: “Trong niềm vui của Giáo hội đang dâng cao, thì Ban Trị sự Tổng Liên hội nhất trí lưu ý toàn thể Hội thánh, đặc biệt là Hội thánh tại khắp vùng Tây Nguyên, phải hết sức cảnh giác và có thái độ từ chối thật dứt khoát với bất cứ người nào, bất cứ tổ chức nào tự xưng là Tin lành Đê Ga. Ban Trị sự Tổng Liên hội khẳng định, trong Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) không hề có một tổ chức nào là Tin lành Ðê Ga cả. Vì vậy, bất cứ ai đến với Hội thánh mà không qua Ban Trị sự Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và nói những điều gì không phù hợp với tổ chức và tín lý của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đều là những người có ý đồ chia rẽ, gây mất đoàn kết và tạo sự rối loạn cho tổ chức giáo hội và sự bình an của xã hội”(7).
Tương tự như Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) cũng bày tỏ thái độ ngay sau khi một bộ phận đồng bào Mông theo đạo Tin lành tập hợp ở Mường Nhé (Điện Biên) tháng 5-2011 để “đón ngày Chúa tái lâm” (mang tính chất xưng vua và đón vua), rằng: “Chúng tôi coi việc một nhóm người đã tổ chức ở xã Mương Tong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên về “ngày Chúa tái lâm” và “ngày Chúa phán xét thế gian” là không hoàn toàn đúng với Kinh Thánh, trái với niềm tin chính thống, đó là tà giáo cần phải được chấn chỉnh kịp thời, để những người theo tà đạo sớm nhận ra sự sai lầm lớn này, mà ăn năn với Chúa”(8).
Thời gian gần đây, khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, các tổ chức Tin lành đều đề ra đường hướng hành đạo dựa trên ba trụ cột: Thiên Chúa – Dân tộc – Pháp luật, đó là điều đáng được trân trọng và khích lệ.
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019
(1) Số liệu tổng hợp từ Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương qua các thời kỳ.
(2) Số liệu khai trình của các tổ chức Tin lành năm 2015, tài liệu lưu trữ tại Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội.
(3), (5), (6) Ban Dân vận Trung ương: Số liệu thống kê Tin lành (tính đến tháng 3 năm 2017) – Phụ lục số 10, Hà Nội, 2017.
(4) Nguyễn Thanh Xuân: Bước đầu tìm hiểu đạo Tin lành trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2002, tr.430.
(7) Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam): Thư gửi toàn thể mục sư, truyền đạo và tín hữu Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), tài liệu lưu trữ tại Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội, 2001.
(8) Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc): Thông báo gửi các Hội nhánh trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), tài liệu lưu trữ tại Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội, 2011.
PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh