Lễ hội chính là hình ảnh thu nhỏ của bộ mặt làng xã người Việt nói chung và mỗi xóm, làng nói riêng.
Hội làng
Lễ hội mùa xuân ở các làng quê thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày, nội dung chủ yếu được chia thành hai phần rõ rệt: Phần lễ và phần hội.
Trong phần nghi lễ có rước (còn gọi là rước kiệu) thì đó là nghi lễ có quy mô và hoành tráng nhất trong lễ hội. Lễ rước thường có: rước thần, rước thành hoàng, rước văn hay rước nước. Lễ rước thần hay rước thành hoàng thường cử hành trước khi vào lễ khai hội và kết thúc hội. Nội dung, ý nghĩa của lễ rước ở mỗi lễ hội đều có sự khác biệt về đối tượng rước, cách thức tiến hành, trình tự đoàn rước, thành phần người tham gia…
Trong số các lễ rước thì rước thần và rước nước phổ biến hơn cả.
Để di chuyển tượng thần hoặc thần vị từ nơi thờ tự về nơi mở hội (thường là từ miếu về đình) được thực hiện qua lễ rước. Nhưng cũng có làng không lập miếu thờ riêng mà có mở hội (thường là hội đền) thì lễ rước thường chỉ rước bát nhang, sắc phong, mâm ngũ quả từ thần điện ra ngoài quanh một vòng trong nội hạt với ý nghĩa “thánh đi thăm thú làng quê” (nơi bảo hộ) hay đi “du xuân” sau lại trở về. Vì vậy, theo nhu cầu lễ rước, số lượng cỗ kiệu tương ứng với số các vị thần được tôn thờ tại nơi thờ tự.
Đặc biệt có nơi, trong dịp lễ hội ngày nào cũng có rước, lễ rước này không phải rước thần mà là rước sớ (rước văn), tức bài văn cúng thần. Mỗi ngày người ta cúng thần bằng một bài sớ riêng. Trong đám rước văn, bài sớ cũng được được đặt lên kiệu rước, gọi là kiệu văn.
Kiệu bát cống và giá trị lịch sử văn hóa
Trong lễ rước công cụ để tiến hành chính là Cỗ kiệu. Cỗ kiệu có các loại: 4 người khiêng, 8 người khiêng (bát cống), 16 người khiêng (thập lục cống)… Những cỗ kiệu này cho đến ngày nay, chắc hẳn ở làng quê nào cũng có số lượng ít nhất 2, 3 chiếc hoặc nhiều hơn. Nhưng những cỗ kiệu có niên đại từ 300, 400 năm thì số lượng còn lại không nhiều và được lưu giữ, bảo quản theo phương pháp dân gian tại các đình, đền… Như ở xã Hùng Lô còn lưu giữ được những chiếc kiệu bát cống, kiệu văn có tuổi đời gần 400 năm (1697). Và bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ 1 cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII).
Kiệu 8 người khiêng hay còn gọi là kiệu bát cống, nguyên là một từ Hán Việt. Loại kiệu này dùng để rước tượng thánh hoặc thần vị nên được gọi chung là kiệu thần. Một loại cỗ kiệu có phổ biến ở hầu hết các làng quê Việt. Vì thế, ở làng nào có cỗ kiệu thần thì ở đó có nhu cầu tổ chức lễ rước trong dịp mở lễ hội làng.
Nhìn tổng thể thì chiếc kiệu lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có cấu trúc như những kiệu bát cống cùng loại khác với các thành phần cấu kiện bao gồm:
Bành kiệu:
Được làm từ một chiếc ghế đặc biệt đặt trên cùng các đòn kiệu, có lưng tựa và tay vịn, trang trí hình đầu rồng giống như chiếc long ỷ (ghế rồng) nhưng thấp. Phần hậu bành (bành sau) cao hơn thân bành, được chạm nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt” (hai con rồng chầu mặt trăng) hoặc hình “lý ngư hóa long” (cá chép hóa rồng) cùng các cành lá rong rêu thủy sinh.
Bành kiệu là nơi đặt bài vị thần khi tiến hành nghi thức rước. Trước bài vị thần đặt các vật lễ là bát hương, cây sáp, hoa quả.
Đòn kiệu:
Kiệu bát cống có 3 loại đòn: đòn dọc, đòn ngang và đòn khiêng.
Đòn dọc: Gồm 2 thanh, phần đầu tạo hình đầu rồng phần cuối tạo hình đuôi rồng. Kiệu khi chồng lên, đặt song song làm tầng đòn trên cùng, tạo thành mặt phẳng thứ nhất đội bành kiệu.
Đòn ngang: Gồm 2 thanh, mỗi thanh tạo thành 2 đầu rồng đặt vuông góc phần đầu và phần cuối của 2 thanh đòn dọc, tạo thành mặt phẳng thứ 2 đội 2 thanh đòn dọc.
Đòn khiêng: Gồm 4 thanh đặt dưới đầu của 2 thanh đòn ngang tạo thành mặt phẳng thứ 3 với 8 hình đầu rồng. Ở mỗi đầu để đặt lên vai người khiêng kiệu gọi là “chân kiệu”, “hàng hóa” hoặc “hùng đô”, “giai đô”… tùy theo cách gọi mỗi làng. Bốn thanh đòn khiêng được đặt cùng chiều với 2 thanh đòn dọc.
Với kết cấu như trên cỗ kiệu chính là một công cụ để tiến hành lễ rước.
Lễ rước kiệu ở hội làng
Lễ rước kiệu thần là nghi lễ phổ biến ở hầu hết các hội làng (xã) nước ta.
Mỗi năm làng mở hội, thường gọi là “làng vào đám”, thì nhất thiết có đủ 3 nghi thức thứ tự cùng tiến hành: lễ đại tế, lễ rước, mở hội với các trò diễn dân gian.
Lễ rước thường được tổ chức công phu, tốn kém và hoành tráng nhất trong dịp làng vào đám, đồng thời lại mang ý nghĩa thiêng liêng nhất chính vì khi rước là khi thần thánh “xuất cung” đi duyệt thị và thăm thú làng quê là nơi khu vực vị thần bảo hộ, dân làng được “chiêm ngưỡng tôn nhan” bởi rất ít khi người trong làng có dịp được vào trong thần điện. Mỗi làng có nội dung vào đám khác nhau nên lễ đại tế được tiến hành trước hoặc sau khi rước về.
Để chuẩn bị cho một kỳ lễ rước bao gồm những công việc sau:
Chọn người rước kiệu:
Đây là việc làm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tập luyện. Chân kiệu hay những người rước kiệu thần được tuyển chọn kỹ theo tiêu chí và tục lệ của làng xã. Hầu hết là các thanh thiếu niên nam hoặc nữ (nếu vị thần là nữ giới như lễ hội Phủ Dày, lễ hội Hạ Lôi) chưa có vợ, chưa có chồng, là con nhà tử tế ở trong làng, không có khuyết tật thì được tuyển chọn trong đội ngũ này. Nhiều làng còn ghi thành văn bản trong hương ước của làng xã về việc tuyển chọn này và thành lệ làng.
Vào ngày rước, các chân kiệu phải tập dượt trước một thời gian.
Bao sái (vảy nước và lau chùi):
Trước ngày lễ vài ngày, kiệu được lấy từ trong hòm ra. Các quan viên tri lễ làm lễ cúng thần, tiếp theo vảy nước, lau chùi cho thật sạch bóng. Sau đó, xem xét các bộ phận, nếu có chỗ nào lệch lạc thì gia cố lại cho vững chắc.
Tiến trình vào lễ rước:
Chồng kiệu:
Vào buổi chiều của ngày lễ kính cáo, các quan viên tri lễ tiến hành chồng kiệu, tức là lắp các bộ phận của kiệu theo đúng cấu trúc. Tiếp đó trên bành kiệu bày đặt các đồ tự khí như bát hương, lọ hoa, nến, đẳng rượu và mâm ngũ quả. Nếu như rước bát hương thì chỉ rước một kiệu, còn nếu có nhu cầu rước bài vị các thần thì chồng đủ kiệu để tiến hành các phần tiếp theo.
Lễ tế Phụng nghinh:
Tế trình để bước vào lễ rước kiệu. Hầu như ở mỗi kỳ vào đình đám, khi vào lễ rước đều phải có lễ tế phụng nghinh. Có làng chỉ tế một tuần rượu sau lễ thượng hương.
Nghi thức diến ra có: Thượng hương (dâng hương), chước tửu (dâng rượu), đọc chúc. Tiếp theo là chuyển thần tượng hoặc thần vị xuống kiệu để tiến hành nghinh rước.
Lễ tế yên vị:
Tiến hành lễ rước xong, thần tượng hoặc thần vị hoàn cung, trở về nội điện. Sau đó, làng vào làm lễ tế yên vị.
Một số lễ rước kiệu điển hình ở làng quê miền Bắc nước ta như lễ rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng – Phú Thọ, lễ rước kiệu ở Phủ Dày – Nam Định, Lễ rước kiệu ở Hạ Lôi – Mê Linh – Hà Nội…
Ngày nay, cứ đến mùa lễ hội, khách thập phương cũng như người dân trong các làng, xã đều mong muốn tham gia hội làng để được hiểu hơn về ý nghĩa ngày hội làng, di tích hoặc đình, đền, chùa tại địa phương mình thờ phụng ai, hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp người đó, họ có công thế nào với dân, với nước… Qua đó, khơi dậy niềm tự hào của chúng ta đối với quê hương, làm tăng thêm sự uy nghiêm, trang trọng của ngày lễ hội, đồng thời cũng ý thức cho lớp con cháu hôm nay phải bảo vệ, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa cũng như truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ ngàn xưa để lại.