Lễ hội mừng năm mới – Chôl Chnam Thmây của dân tộc Khmer Nam Bộ

Chôl Chnăm Thmây là ngày Tết cổ truyền, lễ hội mừng năm mới của người Khmer Nam Bộ, được tổ chức từ ngày 12 đến 15/4 dương lịch hàng năm.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Từ xa xưa, Chôl Chnăm Thmây đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer gắn liền với đạo Phật. Lễ hội này không những chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều nước châu Á khác có đông người theo đạo Phật như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.

Chuẩn bị lễ hội Chôl Chnăm Thmây

Cũng như ngày Tết Nguyên đán, người Khmer vào dịp này thường mua sắm quần áo mới cho ông bà, con cái; quét dọn, làm sạch đẹp nhà cửa, chùa chiền, phun sóc và chuẩn bị thức ăn cho mấy ngày Tết như gạo, rau, cá, thịt và bánh trái. Vào ngày tết này, mọi công việc ruộng rẫy đều dừng lại, kể cả người giúp việc cũng được nghỉ ngơi để đi thăm bố mẹ, bạn bè. Trâu bò cũng được thả tự do.

Lễ hội mừng năm mới – Chôl Chnam Thmây của dân tộc Khmer Nam Bộ

Điều quan trọng nữa để chuẩn bị cho ngày Chôl Chnăm Thmây là người dân tu chỉnh bàn thờ Têvađa (Ông Thiên) ngay trước sân nhà và chuẩn bị các lễ vật như hoa, nến, cây nhang, cốm và nhiều loại trái cây thơm ngọt. Trước giờ đón năm mới, ông bà, cha mẹ tập hợp con cháu lại trước bàn thờ tổ tiên có đốt nhang và nến, chắp tay vái lên trời cầu xin Ông Thiên mới ban phúc lành và tụng niệm lạy Phật. Cùng với việc chuẩn bị bàn thờ, người Khmer cũng chuẩn bị dầu thơm, ống trúc để làm ống nước tắm Phật.

Đêm giao thừa của người Khmer

Ngày đầu Chôl Chnăm Thmây, tức đêm giao thừa, người Khmer đến chùa mời các sư tụng kinh để tiễn đưa Ông Thiên năm cũ, đón mừng Ông Thiên năm mới. Sáng hôm sau và các ngày kế tiếp, từ sáng đến trưa, tại chùa có lễ cúng dường cho các vị sư và làm lễ cầu siêu cho những người đã khuất vì dân, vì nước và vì sự phát triển nòi giống tổ tiên.

Các hoạt động diễn ra ngày Chôl Chnăm Thmây

Hấp dẫn và sôi nổi hơn là lễ đắp một ngàn mô hình tháp bằng đất cát hoặc bằng lúa. Sau đó là lễ bốc thăm thính cầu vị sư thuyết pháp cho đến 17 giờ. Ngày thứ ba là ngày Lơn Sắc, sau khi các vị sư dùng cơm Ngọ (không quá 12 giờ trong ngày) bắt đầu lễ tắm Phật tại chính điện (nước tắm Phật được pha nước thơm và có rắc hoa sen). Hai giờ chiều là tục cầu tại nơi chân tháp. Riêng gia đình nào còn lưu giữ hài cốt của người thân đã khuất thì tiếp tục mời các vị sư về nhà cầu siêu. Cùng thời điểm này là lễ tắm cho ông bà, cha mẹ, những người có công dạy bảo, gọi là lễ tạ ơn, xin được thứ lỗi và xin nhận những lời khuyên bảo tốt lành, có nhiều của cải và dồi dào sức khoẻ.

Lễ hội mừng năm mới – Chôl Chnam Thmây của dân tộc Khmer Nam Bộ

Bắt đầu từ ngày Chôl Chnăm Thmây, ban ngày, thanh niên nam nữ tổ chức các trò chơi truyền thống của dân tộc như ném còn, kéo co, đấu vật, đánh võ, đẩy cây, chạy đua, bơi lội. Vào ban đêm, có tổ chức múa hát diễn Rôbam (một loại kịch múa dân tộc, trong đó nữ đội mũ và nam cũng đội mũ nhưng có thêm bịt mặt) hoặc Dukê (một loại kịch hát dân tộc, tương tự như cải lương) ở tại chùa.

Ngày nay, ngoài những tục lệ trên, trước ngày Chôl Chnăm Thmây người Khmer còn có băng cờ, khẩu hiệu đón mừng năm mới. Báo chí, đài phát thanh và truyền hình tiếng Khmer có chương trình đặc biệt đón mừng năm mới hấp dẫn. Các lãnh đạo địa phương có thư chúc mừng Chôl Chnăm Thmây và tổ chức họp mặt nhân dân và sư sãi Khmer để ôn lại truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết giữa những người có đạo và những người không theo đạo trong một năm qua. Sau đó, nhiều đoàn lãnh đạo địa phương đã đi thăm viếng chùa và những gia đình thuộc diện chính sách là người Khmer.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *