Văn hóa tâm linh

Phong tục tập quán của người Dao ở Tuyên Quang

Dân tộc Dao là một trong 54 dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam. Dân tộc Dao theo nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, với chữ viết riêng là nôm Dao.

675

Hiện nay, người Dao ước tính có hơn 750.000 người, sống ở vùng lưng chừng núi hầu hết các tỉnh miền núi miền Bắc nước ta.

Dân tộc Dao ở Tuyên Quang

Với gần 100.000 người Dao cư trú trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang là địa phương duy nhất của cả nước quy tụ đầy đủ chín ngành Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.

Về hoạt động sản xuất, người Dao phổ biến là làm nương, thổ canh trên hốc đá và canh tác ruộng. Cây lương thực chính của họ là lúa, ngô và các loại rau màu như bầu, bí, khoai… Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao và họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Hầu hết các xóm tộc người Dao đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Người Dao cũng có nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức…

Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần, y phục thêu rất sặc sỡ. Bộ y phục của người phụ nữ Dao là chiếc áo được thiết kế dài đến gần đầu gối. Cổ áo được thiết kế theo hình chữ V có thêu hoa văn, lưng áo cũng thêu hoa văn. Theo quan niệm của đồng bào Dao, nhìn vào cách thêu hoa văn ở phần đuôi áo của người phụ nữ sẽ biết được người phụ nữ khéo hay không, có đảm đang hay không. Còn đàn ông Dao, trước đây để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn.

Phong tục tập quán của người Dao ở Tuyên Quang

Mặc dù sống ở khu vực núi và địa bàn riêng biệt, nhưng phương tiện vận chuyển của đồng bào Dao vẫn có nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác về chủng loại, cách thức chế tác và chức năng sử dụng. Để chuyển hàng họ thường dùng địu, quẩy tấu (một loại sọt) hay lù cở (giống gùi) có hai quai đeo phía sau, để lên rừng hái quả hoặc thu hoạch nông sản. Ở những vùng thấp hơn, người Dao thường dùng đôi dậu để gánh lúa, ngô và những vật dụng khác.

Dù sinh sống ở nhiều vùng miền, nhưng sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao vẫn mang tính chất khép kín, thể hiện qua phong tục tập quán, qua hôn nhân. Khi dựng vợ gả chồng cho con cái, đồng bào Dao chỉ mong gả trong cộng đồng dân tộc mình.

Phong tục tập quán người Dao ở Tuyên Quang

Có thể nói, đồng bào Dao ở Tuyên Quang có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc. Theo ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, “văn hóa dân tộc Dao rất sống động và đa dạng, các nhánh Dao cũng tương đối phong phú, mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt, tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh đa sắc, nhiều giá trị độc đáo của dân tộc này”.

Tục thờ cúng của người Dao

Đối với người Dao, việc thờ cúng đặc biệt được chú trọng, vì vậy các nghi lễ liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì, thể hiện với những nghi lễ độc đáo, đặc sắc. Nghi lễ thờ cúng nói chung của người Dao mang đậm tính nhân văn, hướng con người nhớ đến nguồn cội, xua đuổi cái ác và là sợi dây liên kết cộng đồng sâu sắc. Trong nghi lễ thờ cúng, người Dao sử dụng nhiều tranh cúng và mỗi dịp lễ, Tết, lại có những loại tranh cúng riêng; trong đó phổ biến là bộ tranh Tam Tượng (hay còn gọi là Tam Thanh) và bộ Đại Đường Quân. Tranh thờ không chỉ là tín ngưỡng mà còn thể hiện niềm tin của người Dao với cuộc sống. Đồng bào quan niệm, các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc và sẵn sàng phạt người nào định làm điều ác. Chỉ cần nhìn ngắm bức tranh có các vị thần được khắc họa oai nghiêm là những ai có ý định làm việc xấu sẽ phải dừng lại.

Lễ cấp sắc của dân tộc Dao

Lễ cấp sắc  là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao. Theo quan niệm của đồng bào, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, với rất nhiều nghi lễ đa dạng và độc đáo của các ngành đồng bào Dao. Mỗi ngành Dao đều có không gian hành lễ, mang đặc trưng riêng. Với những giá trị đặc sắc, nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát Páo Dung của dân tộc Dao

Hát Páo Dung được coi là như một trong những báu vật văn hóa của dân tộc Dao. Hát Páo Dung thể hiện những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Ở mỗi ngành Dao, Páo Dung lại được biểu diễn khác nhau, có vùng thì với âm điệu trầm kéo dài, có vùng âm điệu lại cao, bay bổng. Tuy có sự khác nhau về cách thể hiện giữa các ngành Dao, nhưng những làn điệu Páo Dung của đồng bào Dao ở Tuyên Quang đều có nét chung là đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo. Với những nét độc đáo, nghệ thuật hát Páo Dung cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm