Văn hóa tâm linh

Tục cưới xin của người Dao Quần Chẹt – huyện Tủa Chùa, Điện Biên

Tục cưới xin của người Dao Quần Chẹt ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có những quy định khác với người Dao Đỏ, Dao Đen ở Nậm Pồ.

550

Đám cưới của người Dao Quần Chẹt ở Điện Biên diễn ra gồm có 3 bước cơ bản:

Bước 1: Bố mẹ nhà chồng cùng một người có uy tín trong thôn sang nhà gái chơi và hỏi thăm sức khỏe bên nhà gái (khi đi gói 2 điếu thuốc lào, 2 đồng bạc trắng mang sang), và trình chuyện hai người con yêu nhau, nếu nhà gái không phản đối gì thì nhà gái giữ nhà trai ở lại dùng cơm.

Bước 2: Sau một đến hai tháng bố mẹ nhà chồng cùng một người có uy tín trong thôn (phải là đàn ông) chính thức sang nhà gái hỏi cưới cô gái, khi đi mang theo một 1 đồng tiền bạc tương đương với 1 triệu hiện nay, có nơi mang 1,7 đồng bạc tương đương 1 triệu 700 nghìn; 1 tờ giấy gió ghi đủ 24 chữ số (chữ viết riêng của người Dạo). Sau đó nhà gái sẽ dán tờ giấy gió lên cửa chính ra vào để thông báo cho mọi người biết. Rồi nhà gái mời cơm nhà trai, họ vừa ăn uống vui vẻ vừa định ngày sang đón dâu.

Bước 3: Đến ngày đã định, nhà trai chính thức sang đón dâu, tám người không thể thiếu khi đi đón dâu: một người có uy tín đại diện nhà trai, một chủ hôn (đàn ông đã có vợ), một bà mối (phải là người đã có chồng, khoảng 30 tuổi) và hai cô gái (chưa có chồng) để hát, hai cậu con trai dẫn đường chừng 13 – 14 tuổi chưa lập gia đình, một người thanh niên đi phụ việc và không có chú rể đi cùng.

Khi đã chuẩn bị xong, tám người bên nhà trai sẽ lên đường đón dâu, gần đến nhà gái thì nhà trai sẽ nghỉ lại ở một nhà dân bên cạnh nhà gái chứ không được vào nhà gái ngay lúc đó để nhà gái có thời gian chuẩn bị tiếp đón nhà trai, họ ăn cơm và ngủ lại nhà đó. Trong khi đó, nhà gái mời 3 ông thầy cúng (1 người chính, 2 người phụ), nhà gái chuẩn bị sính lễ bày trên bàn thờ tổ tiên và thức ăn làm cơm. Sáng hôm sau nhà gái sẽ cho một người sang mời nhà trai sang nhà. Lúc này 3 ông thầy cúng nhà gái làm lý cúng báo cáo tổ tiên, nhờ tổ tiên phù hộ cho cặp vợ chồng mới cưới và các thành viên trong nhà. Cúng xong, nhà gái tiến hành trang điểm cho cô dâu.

Tục cưới xin của người Dao Quần Chẹt - huyện Tủa Chùa, Điện Biên

Trong đám cưới thanh niên nam nữ nhà trai và nhà gái hát đối đáp với nhau. Khi nhà trai đến cửa chính thì hai cô gái bên đoàn nhà trai sẽ thay nhau hát để chào nhà gái, hát xong thì hai người thanh niên là nam giới của nhà gái cũng hát đáp lại, cảm ơn nhà trai. Hát xong, nhà gái sẽ giót 12 chén rượu và 2 bát con rượu cho nhà trai, khi nào nhà trai uống xong mới được vào nhà gái. Vào nhà gái, hai nami thanh niên bên nhà gái tiếp tục hát mời cơm nhà trai và hai cô gái bên nhà trai cũng hát đáp lại để cảm ơn nhà gái. Hát xong, đoàn nhà trai xin về nghỉ ngơi. Sáng hôm sau bà mối và hai cô gái hát mới sang đón cô dâu về. Bà mối đi vào buồng đón dâu; bà phủ khăn, đội nón bạc cho cô dâu, tay trái bà cầm chiếc quạt. Nhà gái cử một bà đưa cô dâu đến đầu ngõ thì tháo hết đồ trang điểm của cô dâu, gồm nón bạc và khăn phủ đầu đồng thời trang điểm lại cho cô dâu (không có người nhà gái đi đưa dâu). Nhà trai làm cỗ xong sẽ đón dâu nhập cửa, khi cô dâu sắp đến cửa, chú rể là người ra đón, đi cùng chú rể là một người con trai còn cô dâu được bà mối dẫn vào. Cô dâu chú rể vào phòng ngủ làm lễ. Ông chủ hôn thắp hương khấn cầu vợ chồng hạnh phúc và sớm sinh con. Cúng xong, ông chủ hôn cho cô dâu và chú rể mỗi người 1 xu tiền bạc và mỗi người uống 01 chén rượu. Tiền bạc đó cô dâu và chú rể cất đi làm kỷ niệm, hai vợ chồng ăn cơm tại phòng ngủ (nếu đói) cho tới khi họ hàng đến thăm, gọi cô dâu ra bái đường trước bàn thờ tổ tiên, cúi lạy mọi người trong họ. Nhà trai tìm một ông già có uy tín căn dặn hai vợ chồng sống hòa thuận, hạnh phúc. Sau đó, cả nhà cùng ăn uống chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Cưới xong, hai vợ chồng chọn ngày lành sang nhà bố mẹ vợ lại mặt. Họ mang theo một đôi gà và có một đôi nam nữ chưa có gia đình đi cùng sang làm cơm mời bố mẹ vợ.

Đám cưới kết thúc trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình. Việc tổ chức các nghi lễ trong đám cưới là sự đánh dấu quá trình thực hiện các quy định truyền thống của tộc người. Nói cách khác, đó là một di sản văn hóa đang được thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm