Văn hóa tâm linh

Văn hóa dân tộc Phù Lá ở Điện Biên

Dân tộc Phù Lá tại tỉnh Điện Biên là dân tộc thiểu số ít người sinh sống tập trung chủ yếu ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo và xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa.

713

Qua nghiên cứu tìm hiểu và tham khảo một số tài liệu được biết dân tộc Phù Lá chia thành 2 nhóm chính là nhóm Lao Va Xơ và nhóm Pu La. Thông qua trang phục truyền thống, ngôn ngữ và cách giao tiếp cho thấy dân tộc Phù Lá tỉnh Điện Biên thuộc nhóm Lao Va Xơ.

Trong đó, về văn hóa truyền thống bao gồm các nghi lễ liên quan đến chu kỳ vòng đời cùng các tập tục như:

Lễ cưới (lảu xi xi)

Thường được tiến hành theo hai bước

– Bước 1: Dạm ngõ (Mì khem na láu):
Khi đôi trai gái đã có tình cảm sâu nặng với nhau, chàng trai sẽ về thông báo với bố mẹ là mong muốn được kết duyên vợ chồng cùng cô gái… Khi bố mẹ chàng trai thấy đồng ý, sẽ nhờ người mai mối (bắt buộc phải là 2 người vì theo quan niệm của người Phù Lá số chẵn là con số may mắn, đặc biệt trong đám cưới mọi thứ đều được xắp xếp theo từng cặp: hai người mai mối; hai người giúp việc; khi sang đón dâu nếu ở xa hoặc gặp thời tiết không thuận lợi cũng phải ở lại nhà gái hai ngày mới được đưa dâu về…) chọn ngày tốt, cùng chàng trai sang thưa chuyện với gia đình nhà gái. Bố mẹ của cô gái đồng ý thì đi tới thỏa thuận về những lễ vật cần chuẩn bị. Sau khi đã thỏa thuận xong, người làm mối xin phép ra về để thông báo cho gia đình nhà trai biết. Lúc này cô gái đã ưng thuận và đồng ý đi cùng chàng trai và ông mối về nhà chàng trai ở. Gia đình nhà trai phải có bữa cơm tiếp đãi và cảm ơn người mai mối. Khi gia đình nhà trai đã biết rõ về những yêu cầu của nhà gái đưa ra trong khả năng phù hợp, gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật theo yêu cầu trong 3 ngày và tiến hành Cưới lý.

– Bước 2: Cưới lý (già răm to nạ):

Với người Phù Lá, Cưới lý là thủ tục cuối cùng trong tiến trình hôn nhân của đôi trẻ. Trong thủ tục Cưới lý, gia đình nhà trai sẽ nhờ người mai mối (làm nhiệm vụ thưa chuyện với nhà gái), cùng 02 người bạn trai của chàng trai (có nhiệm vụ làm cơm bên nhà gái), cùng 01 cô gái trong họ của chàng trai đi cùng (có nhiệm vụ giúp đỡ cô dâu). Bên nhà gái cũng nhờ một ông mai đại diện cho gia đình nhà gái để tiếp chuyện nhà trai, của hồi môn của cha mẹ cô gái tặng cho con gái về nhà chồng đều được giao cho ông mai. Ông mai bên nhà gái sẽ chịu trách nhiệm bàn giao của hồi môn cho ông mai bên nhà trai, sau khi về nhà trai ông mai sẽ bàn giao lại những lễ vật cho đôi vợ chồng trẻ…

Văn hóa dân tộc Phù Lá ở Điện Biên

Lễ vật mang sang nhà gái: Gà 2 con; lợn 1 con khoảng 50- 60kg (tùy điều kiện của mỗi gia đình); Tiền nhà trai sang nhà gái trước đây bắt buộc phải bằng bạc trắng theo thỏa thuận của hai bên gia đình, ngày naysử dụng tiền giấy để thay thế; gạo, rượu, muối…

Nhà gái tiếp đón gồm: Bố mẹ cô dâu, cô dâu cùng một số anh em, họ hàng trong gia đình nhà gái (tùy điều kiện mà gia đình nhà gái có thể mời nhiều hoặc ít).

Đối với dân tộc Phù Lá trong lễ cưới xin, thủ tục trao và nhận dâu do hai người mai mối của nhà trai và nhà gái đảm nhiệm. Ngày nay, do điều kiện kinh tế của đồng bào Phù Lá còn gặp nhiều khó khăn nên việc tổ chức cưới xin thường được làm đơn giản, mọi nghi lễ vẫn được tiến hành đầy đủ theo phong tục truyền thống nhưng các lễ vật chỉ mang tính tượng trưng, không còn bắt buộc như trước đây. Sau khi Cưới lý, đôi trai gái chính thức thành vợ chồng, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình, sinh con đẻ cái, phát triển kinh tế. Một thời gian sau, khi kinh tế gia đình khá giả hơn, đôi vợ chồng có thể tổ chức cưới lại với đầy đủ lễ vật hơn, quy mô lớn hơn, phạm vi khách mời được mở rộng hơn.

Sinh đẻ và nuôi con (e lem tẹ)

Đối với người Phù Lá trong vấn đề sinh đẻ, trước đây chủ yếu là sinh đẻ ở bên nhà chồng. Ngày nay đồng bào Phù Lá cũng có những thay đổi rõ ràng trong vấn đề sinh đẻ, đã biết đưa sản phụ khi trở dạ đẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để sinh đẻ, vừa an toàn cho cả mẹ và con.

Nghi thức đặt tên cho trẻ sơ sinh sau 3 ngày được gọi là alem ể mo nu với ý nghĩa đặt tên để thông báo với họ hàng anh em là gia đình đã đón thêm một thành viên mới. Mâm cúng (to re to) để thông báo với tổ tiên với đồ cúng như:

+ Mâm cúng (to re to)

+ Cơm (giáng): 02 bát.

+ Rượu (láu xi): 01-02 lít.

+ Gà (rem me): tùy điều kiện gia đình, nhưng tối thiểu phải có một con gà để cúng tổ tiên…

Cúng bệnh

Trước đây, khi ốm đau nặng từ 2-3 ngày mà không rõ nguyên nhân ốm là do đâu, người Phù Lá thường nhờ thầy cúng đến chữa bệnh bằng hình thức xem bói để biết nguyên nhân vì sao lại ốm với nghi thức như sử dụng hai mảnh tre nhỏ hoặc cặp sừng dê để tung quẻ chuẩn đoán bệnh.

Đồ vật cúng gồm: Gà, lợn, dê, rượu, cơm, gạo… tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của người bệnh mà lễ vật có thể nhiều hoặc ít, to hoặc nhỏ.

Ngoài ra còn có một số đồ vật khác như: Hoa tai, vòng cổ, cuộn tóc đỏ, bát gạo, quả trứng gà… là những lễ vật không thể thiếu trong các mâm cúng.

Thời gian cúng: Tùy thuộc vào bệnh nặng hay nhẹ, nghi thức cúng lớn hay cúng nhỏ, thời gian cúng lễ sẽ khác nhau, đối với nghi thức cúng lớn thì thời gian kéo dài nhất là một ngày, một đêm.

Tang ma

Người Phù Lá quan niệm rằng khi trong nhà có người cao tuổi bệnh nặng đang hấp hối, con cháu ngồi túc trực bên cạnh, nếu người chăm sóc người đang hấp hối mà không hợp vía thì người đang hấp hối đó như bị hành hạ, đau đớn và khó lìa trần được và ngược lại nếu hợp vía thì người hấp hối đó sẽ ra đi thanh thản, linh hồn người chết sẽ phù hộ cho người hợp vía đó.

Đối với trường hợp là bậc cha mẹ khi chẳng may qua đời, người con trai cả có trách nhiệm vệ sinh sạch sẽ và thay trang phục mới cho cha hoặc mẹ. Con dâu có trách nhiệm trải chiếu, vải, đệm ở nơi khâm niệm, người Phù Lá sử dụng vải tự dệt trắng của dân tộc Thái phủ lên trên thi hài người quá cố (do không tự dệt được, nên người Phù Lá sử dụng hình thức trao đổi, mua bán để có sản phẩm vải tự dệt của người Thái), trên tấm vải trắng phủ một tấm vải thêu hoa văn truyền thống của người Phù Lá, phủ kín từ trên đầu tới chân người quá cố. Tiếp đến người con trai cả thắp 2 cây nến, một cây nến để phía trên đầu, một cây nến để phía dưới chân và túc trực cho nến không bị tắt (cây nến trên đầu tượng trưng cho mặt trăng, cây nến phía dưới chân tượng trưng cho mặt trời).

Khi đã sắp xếp nơi khâm niệm ổn định gia chủ cử người mổ một con lợn (tùy điều kiện có thể to hoặc nhỏ) để cúng tế, nếu không kịp bắt lợn thì mổ con gà để cúng trước. Đối với công việc làm cơm trong lễ ma chay thì người Phù Lá chọn 2 người phụ nữ khác họ, 2 người chuyên múc nước là chủ sự chính đảm nhiệm cơm nước trong ma chay, những người trong bản cũng cử người giúp…

Để có áo quan cho người chết thì gia đình cử người ngoài họ (có uy tín trong bản) đi lên rừng xin cây để làm áo quan cho người chết, khi lên rừng xin cây, người được cử đi sẽ mang 01 chai rượu, 2 chén nhỏ và dẫn 2 người trong họ đi để lạy xin, khi đến nơi rót rượu ra chén và khấn vài câu.

Nội dung lời khấn xin cây như:

Ơ… me khoặm (đất), me thẻm (trời), xỉm gia mó thở (chặt), xi bẻm ngư ( xẻ gỗ).

Dịch nghĩa:

Ơ…bây giờ trong bản có người ốm đau chết về với tổ tiên, thì chúng tôi lên xin thần núi, thần đất cho chặt cây gỗ về để làm áo quan cho người chết…

Khi khấn xong thì 2 người trong họ đi theo lạy cảm ơn và cử thêm nhiều người để xẻ gỗ giúp, việc xẻ gỗ đã xong mọi người chuyển gỗ đã xẻ đến nơi đào huyệt để đóng thành quan tài (người Phù Lá không đóng quan tài ở nhà).

Theo phong tục Phù Lá, người chết thường được để ở nhà 2-3 ngày, chờ chọn được ngày tốt, giờ tốt mới đem chôn cất. Khi đã chọn được ngày tốt, sáng hôm đó gia đình mổ trâu để cúng cho hồn người chết, để người chết ăn bữa cơm cuối cùng với gia đình. Sau bữa cơm, khoảng đầu giờ chiều tiến hành đưa người chết đi chôn cất (người Phù Lá thường đưa ma vào buổi chiều), nghi thức đưa người chết đi chôn của người Phù Lá khác với các tộc người khác là không phải cho vào áo quan từ nhà đưa đi mà làm giống như chiếc cáng để khiêng người chết ra nghĩa địa cho vào áo quan rồi mới chôn cất.

Những người có trách nhiệm di chuyển người chết ra mộ bắt buộc phải có con trai hoặc cháu trai của gia đình tang chủ (theo quan niệm của người Phù Lá con trai sẽ là người dẫn đường để linh hồn người quá cố đến nơi yên nghỉ cuối cùng). Khi cho người quá cố vào áo quan xong, tiến hành hạ huyệt, những người đến đưa ma nhặt nắm đất thả xuống huyệt cho người quá cố thể hiện sự chia lìa mãi mãi cùng những lời khấn cho người quá cố ra đi thanh thản, những lời cầu nguyện mong linh hồn người quá cố phù hộ cho gia đình và dân bản được an lành. Những người được phân công đào huyệt cho người chết cũng tiến hành lấp đất và đắp mộ cho người chết hoàn thiện. Việc chôn cất đã xong xuôi mọi người ai về nhà đấy để tắm rửa để xua đi những điều không may. Đến bữa tối gia đình tang chủ có làm bữa cơm mời dân bản, các thành viên trong gia đình sẽ lạy tạ cảm ơn sự giúp đỡ của bà con dân bản, 3 ngày sau gia đình tiến hành làm lý gọi hồn người chết về nhập vào bàn thờ tổ tiên.

Lễ tra hạt xuống giống (xảm xéo e mơ chạ)

Thường được làm vào tháng 2-3 và được tổ chức trong phạm vi một gia đình. Lễ được diễn ra tại nương, trong nghi thức cúng thường là cử một người trong gia đình, lễ vật cúng gồm: Ta leo (kha lỵ do va), gậy tra hạt (xám du tìn va),hạt giống (e xu)…

Lễ mừng cơm mới (bở khọ)

Trong các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp của người Phù Lá thì Lễ mừng Cơm mới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, thường được làm vào dịp thu hoạch bông lúa chín đầu tiên.

Tết (chinh da)

Ngày nay người Phù Lá đón tết âm lịch hàng năm, trong những ngày tết họ cũng tổ chức vui chơi hát múa và thăm hỏi chúc tụng nhau. Tết trong mỗi gia đình sẽ được tổ chức riêng có mổ gà cúng tổ tiên và mời tổ tiên về thọ lộc vào thời điểm giao thừa.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm