Chùa Hà
Chùa Hà toạ lạc tại phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhắc đến những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng linh thiêng tại Hà Nội thì không thể bỏ qua chùa Hà bởi từ lâu chùa Hà đã là một ngôi chùa được các bạn trẻ gặp nhiều trắc trở, lận đận trong đường tình duyên tìm đến.
Những người đang yêu khi ghé chùa Hà luôn mong muốn tình yêu của mình sẽ tốt đẹp, bền chặt theo thời gian, còn những người cô đơn lại đến đây để cầu mong sớm gặp được một nửa còn thiếu của cuộc đời mình.
Không chỉ nổi tiếng về cầu duyên, chùa Hà còn là nơi cầu sức khỏe, cầu bình an cho các gia đình. Cũng bởi vậy vào những ngày Rằm, mùng Một hay đầu năm mới, chùa Hà lúc nào cũng đông người ghé thăm.
Chùa Quán Sứ
Nằm ở ngay trung tâm thành phố tại số 73 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vào những ngày rằm, mùng một và đầu năm mới, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận lại về chùa Quán Sứ để cầu một năm mới hanh thông, may mắn đến với bản thân gia đình. Đối với các bạn trẻ khi ghé đến ngôi chùa này lại cầu mong con đường tình duyên trở nên suôn sẻ hơn.
Chùa Quán Sứ là nơi thờ các vị Tam thế, Phật A-di-đà, Quan Thế Âm, Đại Thế chí, Phật Thích ca và vị quốc sư nổi tiếng dưới triều Lý: Nguyễn Minh Không.
Phủ Tây Hồ
Nằm ngay trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh toạ lạc tại số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tương truyền rằng bà là một người phụ nữ tài hoa, giỏi cầm ca, thơ phú và đức độ. Bà cũng chính là một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) trong tín ngưỡng của người Việt. Cũng chính vì vậy, khi đến Phủ Tây Hồ ngoài cầu bình an, may mắn, phước lộc thì rất nhiều bạn trẻ còn đến Phủ Tây Hồ để cầu duyên.
Am Mỵ Nương
Am Mỵ Nương nằm ngay trong chùa Cổ Loa ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong am thờ một bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng. Những người dân sinh sống tại thành Cổ Loa cho biết, bức tượng này chính là thờ công chúa Mỵ Châu – người đã bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa.
Và cũng bởi câu chuyện giữa nàng Mỵ Nương và Trọng Thủy đã khiến người dân nơi đây tin tưởng rằng, Am Mỵ Nương là nơi rất linh ứng để cầu duyên.
Chùa Phúc Khánh
Được xây dựng vào thời Hậu Lê, chùa Phúc Khánh hay còn được gọi là Chùa Sở. Hiện nay, Chùa Phúc Khánh toạ lạc tại số 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Phúc Khánh nổi tiếng với các khóa lễ cầu an và cầu duyên trong dịp đầu năm mới.
Ghé thăm chùa Phúc Khánh vào bất kỳ ngày nào trong năm dù là sáng sớm hay chiều muộn, ngày rằm, mùng một hay lễ tết, ngôi chùa này vẫn rất đông khách. Đặc biệt các bạn trẻ tìm đến chùa để cầu duyên, cầu bình an cũng như tìm về cảm giác bình yên trong không gian tĩnh lặng, cổ kính của ngôi chùa này.