Sứ đồ Phao-lô cảnh báo rằng, “Tất cả những người muốn sống cuộc đời tin kính trong Đấng Christ Jêsus đều sẽ bị bắt bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12). Chúa Giê-xu nói rằng nếu người ta bắt bớ Ngài, thì họ cũng sẽ bắt bớ những người theo Ngài (Giăng 15:20). Chúa Giê-xu cũng khẳng định rõ rằng thế gian sẽ ghen ghét Cơ Đốc nhân bởi vì thế gian ghen ghét Chúa Giê-xu. Nếu người Cơ Đốc cũng giống như thế gian — sáo rỗng, trần tục, xác thịt, sống chỉ để thoả mãn ham muốn, giàu có — thì thế gian sẽ không chống lại chúng ta. Nhưng Cơ đốc nhân không thuộc về thế giới, đó là lý do tại sao thế gian muốn đàn áp người Cơ Đốc (xem Giăng 15:18-19). Cơ Đốc nhân chịu ảnh hưởng bởi những nguyên tắc khác nhau từ những người thế gian. Trong khi thế gian bị tình yêu tội lỗi lèo lái, thì Cơ Đốc nhân được tình yêu của Đức Chúa Trời và sự thánh khiết hướng dẫn. Chính việc chúng ta quyết định sống khác biệt, không học đòi theo thế gian đã khơi dậy sự thù địch của thế gian đối với chúng ta (1 Phi-e-rơ 4:3-4).
Cơ Đốc nhân phải học cách nhận ra giá trị của sự bắt bớ và thậm chí nên vui mừng trong đó, không phải theo cách phô trương mà lặng lẽ và khiêm nhường vì sự bắt bớ có giá trị thuộc linh rất lớn. Đầu tiên, sự bắt bớ cho phép Cơ Đốc nhân dự phần trong mối thông công đặc biệt với Chúa. Phao-lô đã phác thảo một số điều mà ông đã đầu phục vì cớ Đấng Christ. Tuy nhiên, ông xem những mất mát đó như “rác rưởi” (Phi-líp 3:8) để ông có thể “được chia sẻ sự thương khó của Ngài [Đấng Christ]” (Phi-líp 3:10). Vị Sứ đồ đáng kính còn xem những xiềng xích ông chịu là ân điển mà Chúa đã ban cho mình (Phi-líp 1:7).
Thứ hai, sự bắt bớ thực sự là điều ích lợi cho Cơ Đốc nhân. Gia-cơ lập luận rằng những thách thức thử nghiệm đức tin của người Cơ Đốc, gia tăng khả năng chịu đựng của người đó trong cuộc sống và giúp người đó được trưởng thành (Gia-cơ 1:2-4). Giống như thép được luyện trong lò, thì thử thách, bắt bớ đóng vai trò củng cố nhân cách của tín đồ. Một người Cơ Đốc đối diện với cơn bắt bớ bằng thái độ thuận phục, khoan dung thể hiện rằng phẩm chất người đó cao hơn so với những kẻ thù mình (xem Hê-bơ-rơ 11:38). Trong những hoàn cảnh như vậy, dễ lắm người ta sẽ mang thái độ thù ghét, nhưng con cái Chúa, người giống Chúa sẽ bày tỏ sự nhân từ, phước hạnh khi đối mặt với sự chống cự của kẻ dữ. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng: “Khi bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại; lúc chịu đau khổ, Ngài không hề hăm dọa, nhưng phó thác chính mình cho Đấng phán xét công minh” (1 Phi-e-rơ 2:23).
Thứ ba, sự bắt bớ giúp Cơ Đốc nhân biết quý trọng hơn sự giúp đỡ của những người bạn thật sự. Xung đột có thể đem những người con cái trung tín của Chúa đến với nhau trong sự khích lệ, cưu mang mà nếu không có những điều đó thì có lẽ họ đã không nhận ra. Khó khăn có thể khuyến khích dân sự Chúa hướng đến quyết tâm cao hơn để yêu thương và an ủi nhau, nâng đỡ nhau trước ngôi ân điển trong sự cầu nguyện. Không có điều gì quý giá cho bằng một sự cố không mấy vui vẻ lại giúp chúng ta đạt đến một mức độ thân thiết bền chặt hơn trong tình yêu thương của anh chị em cùng niềm tin.
Ngay cả khi đối mặt với sự bắt bớ, Cơ Đốc nhân vẫn có thể tiếp tục trong hành trình của mình, biết rằng sự bắt bớ đem chúng ta phần thưởng rất lớn ở Thiên Đàng (Ma-thi-ơ 5:10-12; Lu-ca 6:22; Công vụ 5:41; Rô-ma 5:3; Hê-bơ-rơ 10:34) Chúng ta có thể cảm tạ Đức Chúa Trời vì ân điển và sự nhẫn nại mà Ngài đối với chúng ta. Chúng ta có thể bày tỏ thái độ biết ơn với những ai chúng ta yêu thương trong Chúa và những ai đứng chung với chúng ta trong những lúc đau khổ. Và chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho những ai kết tội, lạm dụng, và ngược đãi chúng ta (2 Cô-rinh-tô 11:24; Rô-ma 10:1).