“Dù ai đi ngược về xuôi
Tháng sáu âm lịch chèo bơi thì về”
Cứ đến tháng 6 âm lịch hàng năm, người ta sẽ lại nghe kháo tai nhau rằng: “Về Quan Lạn để dự hội làng…” – đó chính là lễ hội Quan Lạn, được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 6 âm lịch tại xã đảo Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh.
Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam nhằm tưởng nhớ chiến công của Trần Khánh Dư đã oai hùng đánh thắng giặc Nguyên – Mông năm 1288 tại luồng Sông Mang (địa danh xưa), đồng thời cũng là lễ cầu được mùa của các cư dân xã đảo nơi đây.
Địa phận Quan Lạn, xưa là một hòn đảo trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn, nay thuộc Bến Đình, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội Quan Lạn là một lễ hội lớn trong năm, tạo nên sự háo hức mong chờ cho không chỉ có bà con dân đảo, mà còn cho cả nhiều du khách trong và ngoài nước tụ hội về để tham gia.
Phần chính của hội diễn ra vào ngày 18 âm lịch. Vào ngày hội chính này, du khách lẫn người dân địa phương đều đồng loạt chờ mong cuộc đua thuyền giữa hai đội Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ (lấy từ tên hai giáp xưa của làng đảo) – một sự kiện văn hóa thể thao mang đậm nét truyền thống dân tộc. Đây là một cuộc thi bơi chải (hay người địa phương còn gọi là chèo bơi) giữa hai giáp, nhằm tái hiện và tưởng nhớ đến chiến công xưa.
Cuộc thi diễn ra vào buổi chiều (tầm 3 – 4 giờ sẽ bắt đầu vì đây là thời điểm nước triều lên đến sát bến đình) trên nền chiêng trống và tiếng reo hò đầy lực khí; trước là múa đao gặp mặt ở ngoài sân đình, rồi hai vị tướng (của hai giáp) sẽ vào tế, sau đó mới bắt đầu cuộc đua.
Theo tục xưa, ngày 10 Âm lịch là ngày “khóa làng” – nghĩa là người dân làng không được rời đi xa, ở lại làng và đón khách thập phương về để dự hội. Tiếp đến ngày 16 sẽ tiến hành dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình.
Ngày 18 sẽ là ngày hội chính. Đến Quan Lạn vào thời điểm này, bạn sẽ ngập trong không khí lễ hội nô nức, hân hoan; và rợp sắc của màu cờ hoa xưa.