Văn hóa tâm linh

Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh

Trong tâm thức dân gian hiện nay hay ở tầng hữu thức của dân chúng, Bà Chúa Kho là một nhân vật lịch sử. Bà có tên tuổi (Lý An Quốc, Trần Thị Ngọc...).

1510

Sự tích bà Chúa Kho Bắc Ninh

Tương truyền bà Chúa Kho là người phụ nữ vừa xinh đẹp vừa khéo léo. Trong chiến thắng Như Nguyệt (1076) do Lý Thường Kiệt lãnh đạo, bà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia. Bà còn là người có công lớn trong việc chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất đai vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Ðồng. Sau này, khi trở thành hoàng hậu dưới triều Lý, bà tiếp tục giúp sức nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Tuy một đời vì nước vì dân như vậy nhưng bà lại bị giặc sát hại trong lúc đang phát lương cứu đói dân làng. Cảm kích công lao và tấm lòng của bà, nhà vua đã phong bà là Phúc Thần. Dân làng Cổ Mễ vô cùng thương tiếc và nhớ ơn bà nên đã lập nên đền Bà Chúa Kho tại vị trí kho lương cũ trên Núi Kho.

Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh

Vậy thì Bà Chúa Kho được lịch sử hoá từ khi nào? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Có người cho việc phụng thờ Bà vào Thời Lý vì chiến tích của Bà gắn với cuộc kháng chiến chống Tống trên bờ sông Như Nguyệt. Điều đó cũng chưa phải là bằng cớ chắc chắn, bởi vì vị trí đền thờ Bà trên bờ sông Cầu, hơn nữa đó là vùng đất phát tích Nhà Lý thì việc quy Bà với Nhà Lý và cuộc kháng chiến chống Tống là điều dễ hiểu. Hơn thế nữa, mô típ Bà Chúa Kho không chỉ ở Bắc Ninh, mà còn ở Hà Nội và một số nơi khác nữa, và nghe đâu mỗi nơi lại gắn Bà với một thời kỳ lịch sử khác nhau, chống quân Nguyên Thời Trần, chống quân Minh Thời Lê…

Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.

Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh

Ngay sau đền thờ Bà Chúa vẫn còn một đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, chỗ cao nhất của đường hầm là gần 2m, đào xuyên qua lòng núi Kho để đi ra phía sông Cầu (sông Như Nguyệt), cửa hầm phía này rất khó bị phát hiện. Các bô lão nhiều đời đều nói đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng.

Lễ hội Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh

Theo tục truyền hàng năm, người dân nơi đây lấy ngày 14 tháng Giêng là ngày Lễ hội Đền Bà Chúa Kho nhằm tưởng nhớ đến những công lao to lớn của bà. Vào những ngày này người dân trên khắp cả nước nô nức kéo nhau đến Đền Bà Chúa Kho để cầu an, cầu lộc, Mỗi năm Đền đón tiếp hàng ngàn lượt khách tới cúng tế. Những mâm lễ được khách hành hương mua sắm tùy tâm, có thể đơn giản là thẻ hương, bông hoa với vài ba tập tiền âm phủ. Cầu kỳ hơn thì con gà đĩa xôi, hay một mâm ngũ quả đủ đầy dâng lên Bà Chúa Kho. Tất cả thể hiện sự thành tâm cầu khấn mong một năm mới đủ đầy, an khang thịnh vượng. Và trong số đó có không ít người đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho.

Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh

Nghi thức “vay vốn” tại đây vô cùng thú vị. Mọi người thường chuẩn bị sớ, lễ để dâng hương. Trong đó, trong sớ sẽ phải ghi rõ là vay bao nhiêu, sử dụng làm gì, và bao lâu sẽ trả y như khi vay vốn thật vậy. Thậm chí còn có nhiều trường hợp hứa rằng vay 1 trả 5, trả 10… với niềm tin Bà Chúa Kho sẽ phù hộ độ trì cho mình làm ăn phát đạt tấn tới. Và với tín ngưỡng tâm linh đã vay thì phải trả nên dù có làm ăn tốt hay không thì người ta vẫn giữ đúng lời hứa tạ lễ cuối năm rất lớn ở đền Bà Chúa Kho mong cho năm sau vốn liếng dồi dào, làm ăn tốt hơn… Nghi thức “vay vốn” này bắt nguồn từ những huyền tích tín ngưỡng xa xưa các cụ truyền lại, và được củng cố thêm trong thời kì chiến tranh dù trải qua nhiều trận chiến ác liệt thì ngôi đền này vẫn vững vàng trước phong ba bão táp.

Bà Chúa Kho trong tâm linh người Việt

Như vậy, trong quan niệm hữu thức của nhân dân, Bà Chúa Kho là một nhân vật lịch sử, gắn với thể chế nhà nước phong kiến, được các triều đại phong thần, được nhân dân dựng đền thờ phụng, gọi là Chủ Khố Linh Từ. Lớp biểu tượng này rõ ràng là lớp văn hoá muộn, thuộc thời kỳ phong kiến tự chủ của nước ta.

Về phương diện thờ cúng, nhân vật “nửa huyền thoại, nửa lịch sử“ này đã hoàn toàn hội nhập vào hệ thống thờ mẫu Tam Phủ. Trong ngôi đền, tuy Bà Chúa Kho được thờ phụng như một vị thần chủ, gọi là Bà Chúa hay Điện Bà, nhưng lại được khuôn vào hệ thống điện thần chung của Mẫu Tam Phủ với các ban thờ Tam Toà Thánh Mẫu, Ban Ông Hoàng, Ban Chầu Bà, Đức Ông, Sơn Trang, Ban Cô, Ban Cậu, Ngũ Hổ, Ban Công Đồng … Hiện tượng hội nhập theo hình thức “Mẫu hoá” này không phải là hiện tượng cá biệt ở đền Bà Chúa Kho, mà phổ biến ở nhiều nơi, nhất là với các nữ thần hiển linh, được tôn xưng là Mẫu (Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu).

Trong hệ thống điện thần mang tính phổ quát của Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, chúng ta không thấy có Bà Chúa Kho. Như vậy, ở đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, hệ thống điện thần Đạo Mẫu Tam Phủ được sử dụng như là cái “nền”, cái “phông” cho việc thờ cúng Bà Chúa Kho. Điều này, trong tâm thức dân gian, càng làm tăng thêm vẻ “chính thống” và linh thiêng cho vị thần chủ được thờ.

Văn khấn tại đền Bà Chúa Kho

Hương tử con lễ bạc tâm thành, cúi đầu thành tâm kính lễ Chúa Kho Thánh mẫu, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

– Con xin kính lạy Tam giới Thiên chúa cập nhất thiết Thánh chúng.

– Con xin kính lạy Tam phủ công đồng. Tứ phủ vạn linh.

– Con xin kính lạy Thiên tiên Thánh mẫu, Địa thiên Thánh mẫu, Thủy tiên thánh mẫu.

– Con xin kính lạy Đức Chúa kho Thánh mẫu hiển hoá anh linh.

– Con xin kính lạy Đương niên hành khiển chí đức Tôn thần.

– Con xin kính lạy Đường cảnh Thành Hoàng Bản Thổ đại vương.

– Con xin kính lạy Ngũ hổ thần tướng, Thanh bạch xà Thần linh

Hương tử con là:…………………………………………………………………….

Ngụ tại:…………………………………………………………………………………

Ngày hôm nay là ngày……………………………………………………………..

Con sắm sửa kim ngân, hương hoa, lễ vật chí thiết một lòng thành tâm dâng lễ, sám hối cầu xin phù hộ cho hương tử con được: gia quyến bình an, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, bách sự cầu được như ý.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, cúi đầu thành tâm kính lễ Chúa Kho Thánh mẫu, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm