Lịch sử làng Nguyên Xá
Nguyên Xá là làng lớn nhất trong bốn làng (Nguyên Xá, Ngoạ Long, Đình Quán, Văn Trì) hợp thành xã Phúc Diễn, trước Cách mạng Tháng Tám. Làng có 300 suất đinh trong tổng số gần 800 suất đinh của xã. Vì thế, làng được suy tôn là “trưởng xã”. Do đó trước đây, cổng làng Nguyên Xá có đề ba chữ Hán “Nguyên giả trưởng” nhưng tới ngày nay không còn.
Ngày nay, làng Nguyên Xá thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Nguyên Xá có một số dòng họ lớn như Nguyễn Trọng (chiếm hai phần ba dân số trong làng), Nguyễn Đức, Nguyễn Đăng, Vương. Xưa kia làng có 268 mẫu ruộng, song bị các làng khác xâm canh đến một phần ba. Dân làng có nghề làm bánh kẹo, gia công cho các chủ hiệu ở phố Hàng Ngang, Hàng Đường.
Đình làng Nguyên Xá
Nguyên Xá xưa có ngôi đình lớn và đẹp nhất vùng. Đình gồm hai nếp theo kiểu cung điện nhà vua, có “hoàng cùn” và “sập ngự”. Đình do hai hiệp thợ, một hiệp chạm vẽ nổi, một hiệp chạn khắc chìm.
Điều đáng lưu ý, đình không phải là nơi thờ thần, mà chỉ là nơi gặp mặt của dân làng, mỗi năm hai lần “Xuân – Thu nhị kỳ”. Toàn thể nam giới trong làng, từ các cụ già xuống trẻ nhỏ biết đi đều được dự bàn việc làng, bàn việc xong ăn bữa “cơm trứng” với nhau. Mỗi mâm có bốn người, một nồi cơm tẻ, hai quả trứng, đĩa nộm uống rượu với nhau. Mỗi năm có một người của mâm phải sắm bữa cơm trứng này. Đây là tục đẹp, thể hiện sự đoàn kết, cộng cảm của dân làng.
Ngoài ra tại làng Nguyên Xá có một di tích quan trọng là ngôi miếu thờ thần Đồng Cổ (trống đồng). Như ta đã biết, miếu Đồng Cổ thờ trống đồng – một biểu tượng của văn minh Đông Sơn của người Việt cổ có ở phường Hồ Khẩu (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ), Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng Tư, quan quân triều đình về đây tế và làm lễ ăn thề sự trung hiếu. Còn miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá gắn với truyền thuyết: một lần Vua Lý từ Thăng Long đi kinh lý ra phía Tây, đến làng Nguyễn Xá, voi của vua bỗng dưng vị ngã, ngà cắm xuống đất. Vua sai các quan vào miếu làm lễ cầu, mới biết miếu thờ thần Đồng Cổ rất thiêng, bèn lệnh từ năm sau, ngay sau khi tế và làm lễ ăn thề ở miếu Đồng Cổ (phường Hồ Khẩu), vua và triều thần lên miếu Nguyên Xá làm lễ. Như vậy, miếu Nguyên Xá có tầm quan trọng quốc gia. Miếu nằm trên khu đất cao, có nhiều cây cổ thụ, phía trước có hồ bán nguyệt, bộ phận chính của miếu gồm dãy nhà năm gian, nối với hai giải vũ, phương đình và hậu cung. Trong miếu còn lưu bản thần phả về thần Đồng Cổ, 8 đạo sắc của các triều vua ban cho thần (trước đây có đến 62 đạo).
Phía bên phải miếu hiện còn tấm bia dựng năm Vĩnh Trị thứ hai (1677), nội dung nói về bà Vương Thị Nhượng – người làng, là vợ của quan Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm Y vệ, đã bỏ tiền giúp làng trùng tu đình, miếu và hiến 5 mẫu ruộng cho làng.
Làng Nguyên Xá còn chùa Thanh Lâm nằm ở ngoài đồng. Chùa có kiến trúc chữ “Đinh”, điêu khắc và các pho tượng mang đậm phong cách thời Lê. Trong chùa còn một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ bảy (1799). Bài Minh trên chuông do Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống (1787) soạn ca ngợi cảnh đẹp của chùa và của làng Nguyên Xá.