Vị trí chùa Báo Quốc cố đô Huế
Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long (trên đất làng Thụy Lôi xưa, gần xóm Lịch Đợi), nay nằm ở đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ Chùa nhìn xuống hướng đông là đường Điện Biên Phủ (con đường dẫn lên đàn Nam Giao) và nhìn về hướng bắc là ga xe lửa.
Lịch sử chùa Báo Quốc ở Huế
Chùa Báo Quốc – Huế thời chúa Nguyễn
Chùa Báo Quốc do hòa thượng Giác Phong, người Quảng Đông, Trung Quốc, khai sơn vào cuối thế kỷ XVII dưới đời Chúa Nguyễn Phúc Tần và đặt tên là Hàm Long Tự. Sau đó vào năm 1747 Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban tấm biển sắc tứ “Báo Quốc Tự” có ghi dòng chữ “Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề”. Hiện vẫn còn tấm biển vàng thếp vàng và những bức liễu từ thời ấy.
Chùa Báo Quốc – Huế thời Tây Sơn
Vào thời Tây Sơn, chùa Báo Quốc đã bị chiếm đóng và trưng dụng làm kho chứa diêm tiêu. Sau đó vào năm 1808, để báo hiếu mẹ là Hiếu Khương Hoàng Thái Hậu, vua Gia Long trùng tu chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung, bảo khánh và đổi tên là chùa Hàm Long Thiên Thọ tự và mời thiền sư Phổ Tịnh làm trụ trì.
Chùa Báo Quốc – Huế thời Nhà Nguyễn
Sau này, vì lăng Gia Long cũng gọi là Thiên Thọ lăng nên vua Minh Mạng đổi lại tên như cũ, sắc tứ tên ”Báo Quốc tự” và trùng tu chùa vào năm 1824. Vua Tự Đức và Hoàng Thái Hậu Từ Dũ góp phần tôn tạo, trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác vào năm 1858.
Chùa Báo Quốc – Huế từ năm 1948 đến nay
Năm 1948 An Nam Phật Học Hội dời Sơn Môn Phật Học Đường từ chùa Linh Quang đến đây do Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, sau này trở thành Tăng Thống Giáo hội, làm Giám Đốc và Báo Quốc đã trở thành một trung tâm đào tạo tăng tài.
Người tiếp nối sự nghiệp giáo dục tăng ni và làm trụ trì chùa Báo Quốc là Hòa Thượng Thích Trí Phủ. Vào năm 1952, ngài cũng là người lập ra trường Bồ Đề ở thành nội, về sau phát triển thành một hệ thống trường Bồ Đề khắp các tỉnh ở miền trung và miền Nam trước năm 1975.
Ngày nay, chùa Báo Quốc là nơi đặt trường Trung cấp Phật Học Huế.
Kiến trúc Chùa Báo Quốc – Huế
Cổng Tam quan
Chùa Báo Quốc được xây dựng trên khuôn viên rộng rãi tới 2 ha. Kiến trúc chùa Báo Quốc mang nhiều nét đặc sắc và riêng biệt. Trước chùa có khoảng 15 bậc cấp xây bằng đá đế thô sơ, đến một khoản đất nện bằng phẳng rộng khoảng 5 mét, rồi tiếp tục lên khoảng 10 bậc cấp nữa để cuối cùng bước qua một cánh cổng được kiến trúc hoành tráng với ba lối vào, được gọi là cổng Tam quan.
Cổng Tam quan chùa Báo Quốc đầu tiên được xây vào năm 1808, đến năm 1873 được tái thiết lại, đáng để ta dừng chân thưởng ngoạn. Cổng có những khắc họa Hán tự được ghép bằng những mảnh sứ màu xanh mà thời gian đã tàn phá, rất khó đọc trọn ý nghĩa.
Chính điện
Bên trong cổng Tam quan là sân vườn trồng nhiều cây cối, tạo cảnh quan tươi mát và yên tĩnh cho chùa. Khu vực chính điện của chùa được xây dựng thành 3 gian 2 chái nằm ở cuối sân, mang những nét trang trí công phu và độc đáo. Vách tường, trụ cột có hoa văn tạo nên từ những mảnh sành hoặc hình rồng uy nghi. Ở bên trong chính điện là nơi thờ cúng trang nghiêm, thanh tịnh.
Trên trần tường gian chính điện có treo bức hoành tuyệt đẹp hình chữ nhật, nền xanh lục ghi chữ thếp vàng, bút tích do chính Võ Vương ngự đề vào năm 1747 mà hàng chữ nhỏ cũng như dấu ấn trên đó đã xác nhận:
Hàng chữ lớn chính diện, “Sắc tứ Báo Quốc tự”
Hàng chữ nhỏ bên phải, “Ngày lành, tháng thứ 2 mùa hạ, năm Cảnh Hưng thứ 18”
Hàng chữ nhỏ bên trái, “bút tự của Quốc vương Từ Tế Đạo nhân”
Mộ tháp
Bên phải là những kiến trúc lăng tẩm xây theo mô thức riêng mà ta biết là những mộ tháp (stūpa) Phật giáo, nơi an nghỉ cuối cùng của những vị cao tăng. Đó quả thật là một thánh địa của chư vị tiền bối.
Tất cả gồm 19 mộ tháp được tạo lập để tưởng niệm chư vị Hòa thượng đường đầu và các vị trú trì quá cố của ngôi chùa. Những kiến trúc này đều theo hình tháp bát giác có nhiều tầng chồng lên nhau, trên cùng là hình một hoa sen, biểu trưng của Phật giáo.
Được xây dựng bằng vôi gạch, những ngôi tháp này có chiều cao khác nhau trong khoảng từ 2 đến 5 mét, và được bao quanh, cách khoảng một mét, bằng một bức tường rất thấp với cửa ra vào ở trước mặt tháp. Về hướng đông của mỗi tháp là bia ghi các danh xưng và đạo vị của người quá cố.
- Tháp số 1: mộ tháp hòa thượng Tế Nhân, tự Lưu Quang, hiệu Viên Giác, Lâm Tế chánh tông đời thứ 36.
- Tháp số 2: hòa thượng Thái Chí, tự Quảng Thông, Lâm Tế chánh tông đời thứ 37.
- Tháp số 3: chữ đã phai mờ.
- Tháp số 4: đệ tử phụng lập, vào ngày đại cát tháng 2 năm Tự Đức thứ 31 (3/1878), hòa thượng Hải Khang Diên Miên, Trú trì chùa Linh Hữu, Lâm Tế chánh tông đời thứ 40.
- Tháp số 5: hòa thượng Thanh Tịnh, tự Ấn Lạc, tự Tâm Tuệ, sắc phong Trú trì chùa Từ Ân.
- Tháp số 6: hòa thượng Hoàng Pháp Lữ, pháp hiệu Hải Trường, trú trì chùa Diệu Đế, phụng lập tháng 3 năm Quý sửu (4/1853), năm Tự Đức thứ 6, bởi dân làng Trúc Khê, tỉnh Quảng Trị.
- Tháp số 7: Cao hơn các tháp kể trên rất nhiều với kích thước đồ sộ, đo được 4m70 chiều cao, gồm sáu tầng, để thờ xá lợi của hòa thượng Bùi Công, tự Viên Giác, người đã trùng tu chùa Báo Quốc. Tháp do các hòa thượng và môn đồ của ngài tạo lập năm Cảnh Hưng thứ 14 (năm 1753).
- Tháp số 8: là ngôi tháp cổ nhất, được xây dựng cách nay hơn hai trăm năm, vào năm 1714, để tưởng nhớ công lao người sáng lập chùa. Những dòng chữ còn trên bia ghi rằng: “Do các cao đệ của Hòa thượng, tỳ kheo Giác…, phụng lập, ngày 22 tháng chạp năm Vĩnh Thạnh thứ 10 (27/1/1715)”. Tháp cao 3m30.
- Các tháp số 9, 10, 11, 12, 13: Một cụm gồm 5 tháp trong cùng một tường thành. Đây là hài cốt cải táng của năm vị sưtrước đây được chôn cất ở nơi khác phải dời vào vì việc xây dựng một con đường băng qua nghĩa trang nơi an táng họ. Việc cải táng đã được thực hiện vào năm Thành Thái thứ 10 (năm 1897). Trong đó ngôi tháp ở chính giữa cao 4m10, gồm bốn tầng. Bốn tháp xung quanh nhỏ hơn.
- Tháp số 14: thuộc loại tháp lớn, chiều cao 5 mét, tầng nền mỗi cạnh dài một mét. Tháp có vẻ mới và ta nhận thấy nó vẫn được đặc biệt chăm sóc. Đây là nơi yên nghỉ của vị trụ trì tiền nhiệm cuối cùng, thầy của vị trụ trì hiện tại (vào thời điểm ấy, là hòa thượng Tâm Khoan. ND.) Lăng mộ này cao bốn tầng, mỗi cạnh đều được trang trí bằng những đặc trưng Phật giáo màu xanh nổi trên nền vàng; các cạnh của tầng nền đều được khảm bằng mảnh sứ xanh. Ta đọc được trên bia mộ bằng đá: “Do các cao đệ của Hòa thượng Phạm Minh, tự Tuệ Vân, tự Tâm Truyền, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41; trú trì chùa Báo Quốc và Tăng cang chùa Diệu Đế, phụng lập tháng 2 năm Mậu thân, Tự Đức năm thứ 2 (1908)”. Đây là nơi giác linh về quy ẩn, nơi giác linh thường trụ.
- Tháp số 15: Ta đọc được dòng chữ: “Hòa thượng húy thượng Trí, hạ Hải, hiệu Hàn Chất, Lâm Tế chánh tông; do các cao đệ và Đạo túc phụng lập ngày 8 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 27 (11.9.1766)”.
- Tháp số 16: Các chữ đã phai mờ không đọc được. Mộ tháp thuộc loại nhỏ.
- Tháp số 17: Nơi yên nghỉ ni cô Nguyễn Thị Hải, pháp danh Thanh Gian, tự Hòa Gia, thọ Da-di giới. Mộ tháp được tạo lập vào năm Thành Thái thứ 8 (năm 1896), chiều cao 2m80. Kế bên tháp là một ngôi mộ nhỏ xây theo hình bầu dục, an táng thân mẫu của vị ni cô.
- Tháp số 18: Cao 2m90, có dòng chữ: “Trụ trì chùa Báo Quốc, húy thượng Thanh, hạ Gian, hiệu Tâm Quảng, Lâm Tế chánh tông đời 41, do môn đồ phụng lập vào ngày húy kỵ, 30 tháng Giêng năm Thành Thái thứ 8 (13.3.1896)”.
- Tháp số 19: Dáng dấp đồ sộ, cao 4m50, sáu tầng, được xây dựng dưới triều Tự Đức (không ghi năm tháng) để tưởng niệm hòa thượng Quang Huy.
Di sản chùa Báo Quốc tại cố đô Huế
Trong chính điện, bên phải lối vào, dưới mái hiên bên trong, có một đại hồng chung. Chữ khắc trên quả hồng chung này cho ta biết chuông được đúc trong mười hai ngày, vào năm Gia Long thứ 7 (năm 1808) theo lệnh của Hoàng thái hậu. Chuông cao 3m5, đường kính đáy 2m8, nặng 826kg. Chuông được treo trên giá, bên cạnh là cây chùy gỗ để gióng chuông, được treo một cách rất kỹ thuật bằng sợi dây thừng buộc theo hình thang. Trên chuông ngoài những ký tự ghi nhớ sự bảo trợ của bà Hoàng thái hậu, là những giáo luật của nhà Phật, những lời cầu chúc và những mô – típ trang trí khác để tạo hình dáng thanh nhã của đại hồng chung. Phía trên cùng là những chữ triện lớn khắc tên bốn mùa trong năm, phía dưới, viền quanh chuông là những đường gạch huyền bí theo hình Bát quái.
Cũng trong tiền sảnh này có một mẩu gỗ, đã khô, hoặc là rễ cây hoặc gỗ Nu, có dáng kỳ lạ như hình bộ xương người. Chính vì sự giống nhau thô thiển này mà khúc gỗ đã được đưa vào chùa và trở thành vật được thờ cúng. Tương truyền một cư dân địa phương sở hữu mẫu gỗ này mà không mấy quan tâm, cho đến khi ông nằm mộng thấy có người đến khuyên ông nên đem khúc gỗ đến ngôi chùa nào gần nhất để tránh tai họa. Ông liền vội vã nghe lời. Chuyện này dường như đã xảy ra cách đây 35 năm, và từ đó nhà chùa không ngừng lo hương khói cho mẩu gỗ có dáng người này.
Ở giữa điện là một bàn thờ lớn, trên cùng là bệ thờ Tam thế Phật nguyên thủy của Ấn độ, có tóc quăn. Thấp hơn một chút cũng là ba vị Phật này nhưng khuôn khổ nhỏ hơn. Cạnh ngôi vị này là bức tượng nhỏ thếp vàng của Phật Thích ca trong tư thế độc đáo lúc mới đản sanh, hai ngón tay trái chỉ lên trời, hai ngón tay phải chỉ xuống đất. Trên cùng cấp bậc người ta đặt rải rác những tượng thần cỡ nhỏ bằng đá cẩm thạch Quảng nam, bằng đất nung hoặc bằng đồng. Có cả tượng Phật Di Lặc vui tươi với cái bụng to và nụ cười mở rộng nhắc tín đồ rằng dưới tấm y áo kia ngài đã chôn vùi những phiền não của thế gian. Có cả đức Quan thế Âm, vị Bồ tát cứu khổ, và đức Địa Tạng, vị Bồ tát bảo hộ các linh hồn quá vãng và tượng Thị Kính người chăm sóc bảo bọc hài nhi cùng nhiều hình tượng khác ít được biết hơn.
Dưới thấp, trên hàng tiền cảnh, ở chỗ trang trọng là một bài vị bằng gỗ sơn son được phủ lụa vàng, dành cho Hoàng đế đương tại vị. Xung quanh là những bức họa màu đóng khung tái hiện Bồ tát Quan thế Âm, vị cứu khổ hộ trì những người đang sống và Bồ tát Địa Tạng, hộ trì những người đã chết. Thỉnh thoảng những bức họa này được đưa đến nhà những tín đồ thuần thành khi họ thỉnh mời các vị sư đến làm lễ. Khi cầu an chư tăng sẽ cung thỉnh tượng Bồ tát Quan thế Âm, khi cầu siêu họ sẽ đưa đến tượng Bồ tát Địa Tạng. Trên điện thờ này có một bát hương bằng sứ màu xanh cũ kỹ, xứng đáng thu hút sự chú ý của người hiểu biết. Trên bát hương được trang trí bốn chữ Phạn lớn A-DI-ĐÀ-PHẬT và bốn vị sư đang tụng kinh, chứng tỏ nó đã được đặc biệt chế tác cho nhà chùa sử dụng. Màu men xanh, hình dáng chữ, những vị sư có ánh hào quang bao quanh, tất cả chừng như cho thấy đó là một cổ vật khá xưa. Trên bậc thứ nhì ở gian giữa là chỗ thờ Ngọc Hoàng, vị Thượng đế của các tầng trời trong đạo Lão. Ngài đội mũ vuông, được vây quanh bởi các vị thần: Hộ pháp, lo xua đuổi các điều bất thiện; Hộ Phật, lo cứu vớt các cô hồn; Bắc đẩu và Nam tào. Có hai bài vị bằng giấy cung thỉnh chư thần nhập tự, một cái gồm những vị thần quen thuộc như Thổ công, thần đất; Ông Táo, thần bếp núc; Thành hoàng, thần bảo vệ làng xã; Thần Nông, hộ trì nông nghiệp; Tỉnh tuyền và Long vương, thần giếng nước và sông suối. Bài vị kia dành cho chư thần các vì tinh tú.
Các pháp khí đáng chú ý khác là cái mõ, được làm bằng gỗ mít, mô tả hình tượng hai cái đầu nhăn nheo của những con cá hóa rồng và một cái chuông gia trì đặt cạnh bên để giữ nhịp khi chư tăng tụng niệm. Trong cùng gian chính điện, ở hai bên tả hữu là những bàn thờ nhỏ đặt sát tường.
Phía sau chính điện là hậu điện, một phần là bàn thờ của chư tổ và một phần dành để thờ Hiếu Khương Hoàng hậu, mẹ của vua Gia Long.
“Giếng cấm”, tức giếng Hàm Long. Giếng Hàm Long sâu khoảng 5 đến 6m, nước ngọt và tinh thiết vô cùng. Giếng nằm phía Bắc ngôi chùa, ngay dưới chân đồi Hàm Long, xuất hiện từ thời khai sơn khoảng năm 1674. Ở giếng có một mạch nước phun ra tựa như vòi rồng. Sau này, nước giếng Hàm Long dùng để tiến dâng lên các Chúa, người dân không ai phép sử dụng. Do đó, giếng Hàm Long trở thành một giếng cấm, giếng thiêng trong truyền thuyết.
Chùa Báo Quốc ở Huế là một trung tâm đào tạo tăng tài của Phật giáo Việt Nam.