Văn hóa tâm linh

Tháp Báo Thiên tại Sùng Khánh Báo Thiên Tự (chùa Báo Thiên) – Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tháp Báo Thiên tên đầy đủ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp, được xây năm 1057 ở Chùa Báo Thiên, nay là khu đất mé tây hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

677

Tháp Báo Thiên có tất cả 12 tầng, cao đến 20 trượng. Tầng trên cùng làm bằng đồng, những tầng dưới làm bằng đá và gạch.

Tháp được xếp vào một trong An Nam tứ đại khí, bốn vật báu của đất nước, mà ba vật quý giá khác là tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Vạc Phổ Minh và Chuông Quy Điền.

Lịch sử tháp Báo Thiên

Tháp Báo Thiên có tên là Đại Thắng Tư Thiên bảo tháp, mang ý nghĩa là đài chiến thắng báo công lớn với Trời, dựng năm Đinh Dậu niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình 4 (1057) đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072).

Năm 1406 đời Hồ, đỉnh tháp bị gãy rơi xuống. An phủ sứ Đông Đô là Lê Khải không báo tin ấy cho triều đình biết nên bị biếm đi một thời gian. Thời quân Minh xâm lược nước ta, năm 1427 nghĩa quân của Lê Lợi bao vây Đông Đô, Vương Thông sai phá tháp để lấy đồng chế súng bắn đá làm kế giữ thành. Chỗ tháp bị phá sau đó được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng. Đến thời Tây Sơn, năm Giáp Dần (1794) dân địa phương đào gò đất lấy gạch đá để tu sửa thành Thăng Long. Tháp được dựng trong khu vực chùa Sùng Khánh Báo Thiên ở phường Báo Thiên, thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long thời Lý (do đó thường gọi là tháp Báo Thiên) nay thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tháp cao vài mươi trượng, xây theo kiểu tháp 12 tầng (sách Việt sử lược ghi tháp cao 30 tầng), tầng trên cùng có chóp làm bằng đồng, tương truyền do Thiền sư Không Lộ vẽ kiểu và trông coi việc đúc. Trong tháp có tượng đá chạm hình người tiên, chim muông cùng chén báu, sứ cổ, những viên gạch hoa khắc chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình niên tứ tạo”. Do quy mô và giá trị nghệ thuật, kiến trúc của nó, tháp Báo Thiên cùng với chuông Quy Điền, vạc chùa Phổ Minh và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm được xem là một trong Tứ đại khí của nước ta bấy giờ.

Vì tháp được dựng trong khuôn viên chùa Sùng Khánh Báo Thiên nên về sau người dân quen gọi là tháp Báo Thiên, cũng như khi phân chia các khu vực hành chính của Thăng Long thì khu vực này cũng được gọi là khu vực phường Báo Thiên.

Theo Tang thương ngẫu lục, tháp Báo Thiên được miêu tả như sau: “Cây Tháp Đại Thắng Tư Thiên tại chùa Báo Thiên được dựng từ đời vua Lý Thái Tông (1054 – 1072). Tháp xây 12 tầng, cao mấy chục trượng … Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái tổ Hoàng đế tiên triều (Lê Lợi – BTV) tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành sơn hầu Vương Thông phá huỷ cây tháp lấy đồng chế ra súng đồng để giữ thành. Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên… Năm Giáp Dần (1791) lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành luỹ Thăng Long. khi phá nền tháp thì thấy có tám pho tượng Kim Cương chia ra đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, đến cả những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá. Những hòn gạch hoa, hòn nào cũng thấy khắc những chữ “Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (Đúc trong năm thứ tư niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình, đời vua thứ 3 triều Lý)”.

Kiến trúc tháp Báo Thiên

Theo Việt sử lược thì tháp cao 30 tầng, thế nhưng, các tài liệu như Đại Việt sử kí toàn thư, Tang thương ngẫu lục và nhiều tài liệu khác thì tháp cao 12 tầng.

Tháp Báo Thiên – Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp
Tháp Báo Thiên – Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp

Tháp được xây dựng trên một gò đất cao. Nền tháp xây đá và gạch. Theo các tài liệu hiện nay còn lưu lại thì chóp tháp bằng đồng, tương truyền là do nhà sư Không Lộ đời Lý vẽ kiểu và đúc. Do xây đỉnh tháp bằng đồng nên tháp thường bị sét đánh sạt đổ phần trên.

Theo các tài liệu sử còn lưu lại thì tháng 8 năm Mậu Ngọ 1258, đời vua Trần Thái Tông, mưa bão lớn nên ngọn tháp bị cuồng phong quật đổ.

Tháng ba năm Nhâm Tuất 1322, đời Trần Minh Tông, sét đánh tháp Báo Thiên sút mất hai tầng góc phía Đông.

Tháng 6 năm Bính Tuất 1406, triều Hồ Hán Thương, đỉnh tháp lại bị rơi đổ.

Như vậy có thể nói ban đầu, tháp được xây khá cao nên thường bị mưa bão hoặc sét đánh rơi đổ các tầng trên đỉnh nên các lần trùng tu sau thì chiều cao tháp được hạ xuống còn 12 tầng.

Điểm đặc biệt là ở tầng thứ 3, cửa tháp có khắc 4 chữ “Thiên tử vạn tuế”. Đỉnh tháp có hàng chữ “Đao Ly Thiên”, có nghĩa là ngọn giáo cao liền trời.

Thơ văn về tháp Báo Thiên

Chùa Sùng Khánh và tháp Báo Thiên là một danh thắng của thành Thăng Long xưa. Vì thế, chùa và tháp được nhiều danh sĩ làm thơ ngâm vịnh. Thiền sư Minh Không thời Lý, trên đường về Kinh đô bằng cách đi thuyền ngược sông Nhị Hà, từ xa đã nhìn thấy tháp và cảm khái bằng câu thơ mang đầy vẻ tự hào: “Tằng tằng bảo sái nhập vân yên (Tầng tầng bảo tháp quyện khói mây)”.

Nhà thơ Phạm Sư Mạnh đời Trần cũng có bài thơ vịnh Đề Báo Thiên tháp thể hiện sự tự hào của mình cũng như vẽ nên quy mô to lớn, hùng vĩ của tháp:

Trấn áp Đông Tây củng đế kì

Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy

Sơn hà bất động kình thiên trụ

Kim cổ nan ma lập địa chuỳ

Phong bãi chung linh thời ứng đáp

Tinh di đăng chúc dạ quang huy

Ngã lai dục thù đề danh bút

Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì.

Dịch thơ:

Trấn áp Đông Tây giữ đế đô

Hiên ngang ngọn tháp đứng trơ trơ

Non sông vững chãi tay trời chống

Kim cổ khôn mòn đỉnh tháp nhô

Thỉnh thoảng gió lay chuông ứng đáp

Đêm đêm sao xế đuốc khôn mờ

Tới đây những muốn dầm ngòi bút

Chiếm cả dòng sông mài mực thơ.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm