Ý nghĩa tên gọi Quần Liêu
Thôn Quần Liêu được thành lập từ đời vua Lê Hiền Tôn còn gọi là Lê Trung Hưng. Khoảng năm 1663 đến 1667, các cụ Trần Đình Huy, Vũ Khắc Nhượng, Nguyễn Xuân Dương, Bùi Sĩ Lương đã đưa con cháu đến nơi đây đắp đê, khai hoang lập ấp, là cửa biển nên các cụ đã đặt tên cho vùng đất mới là Cồn Liêu. Cồn là cồn cát, nơi các vị tổ về khai hoang lấn biển, tạo lập làng xã. Thời gian sau, người dân ở đây đã đông dần, nên đổi tên đất Cồn Liêu thành Quần Liêu, nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết quần tụ vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống.
Lịch sử Giáo xứ Quần Liêu
Năm 1763, cha Hoàng Thập (Trung) và cha Matinho (Nhật), thuộc giáo xứ Bùi Chu đến Quần Liêu để truyền giáo, sau một thời gian ổn định đã xây dựng được ngôi Nhà thờ với vách bằng gỗ, mái bổi.
Trước kia, Quần Liêu là họ lẻ thuộc xứ Tân Lác do Cha Luật coi sóc. Năm 1868, Đức cha Khang phân họ Quần Liêu và các họ bên tây sông Lác về xứ Lạc Đạo, Năm 1882 Đức cha Hòa tách Quần Liêu khỏi xứ Tân Lác và thành lập Giáo xứ Quần Liêu, và hai giáo họ Ngòi voi và Tiền Lạc, dưới sự coi sóc của cha già Tuấn, cha già Oanh, cha già Thông, cha già Duyệt.
Năm 1880 dưới sự hướng dẫn của cha Trần Đức Tuấn, giáo dân xứ Quần Liêu đã cùng nhau xây dựng ngôi Nhà thờ mới với vật liệu hoàn toàn bằng gỗ lim.
Nhà thờ có kích thước : dài 57,3m, rộng 12,2m, cao 11,7m.
Trên cung Thánh có ba tòa vàng, bên trong Nhà thờ có 40 cột lim, hai hàng cột giữa được gối lên chân đá tảng thắt cổ bồng cao, các vì được chạm bằng hoa văn nổi bật cổ kính, theo kiểu Á Đông. Năm 1884 công trình Nhà thờ được hoàn thành.
Năm 1915 cha Vũ Đức Thông xây dựng hai tháp chuông với chiều cao 26m, kiến trúc rất cổ kính, cân xứng với ngôi Thánh đường.
Năm 1951, cha Giuse Hoàng Sinh Huy về làm cha xứ và đã xây dựng ngôi nhà xứ hiện nay. Năm 1996, đại trùng tu Thánh đường theo kiến trúc mái thượng, mái hạ như ngày nay.
Nhà thờ Quần Liêu là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh và đây cũng là Nhà thờ duy nhất của Giáo phận Bùi Chu được công nhận di tích lịch sử – văn hóa.