Đình Trà Cổ được xây dựng từ thể kỷ 15, đã trải qua nhiều lần trùng tu và vẫn giữ được nét cổ kính đặc trưng của thời hậu Lê với các hình chạm rồng, mây xoắn, hoa lá… nổi bật của kiến trúc thời bấy giờ.
Lễ hội Đình Trà Cổ sẽ diễn ra từ ngày 30/5 (nếu tháng thiếu là ngày 29/5) đến hết ngày 6/6 Âm lịch, kéo dài suốt 7 ngày với rất nhiều nghi thức và lễ tế. Lễ hội Đình Trà Cổ thu hút đông đảo du khách và dân cư địa phương đến tham dự.
Lễ hội Đình Trà Cổ mang đậm bản sắc văn hóa biển, tái hiện và phổ quát rõ nét đời sống cộng đồng, tâm linh và bản tính tương thân tương ái của dân tộc Việt. Lễ hội chính là dịp để tưởng nhớ các thành hoàng, đồng thời thể hiện ý chí vững chắc trong việc duy trì bản sắc dân tộc và bảo vệ từng tấc đất Việt Nam.
Lễ hội Đình Trà Cổ có rất nhiều hoạt động:
Ngày đầu tiên, nghi thức rước từ đình Trà Cổ về quê tổ Ðồ Sơn sẽ được diễn ra, sau đó từ Ðồ Sơn quay về Trà Cổ.
Ngày 1/6 âm lịch sẽ có hội rước Vua ra bể (hay còn gọi là rước vua ra Miếu) với đội hộ tống gồm một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm.
Ngày 6/6 âm lịch là ngày kết thúc sẽ có lễ múa bông nhằm cầu nguyện thần linh phù trợ cho chuyến khơi được nhiều tôm cá, cây trồng tốt tươi và đời sống luôn no ấm.
Qua thời gian thăng trầm, nhiều nghi thức cổ xưa trong lễ hội này đã được lược bỏ (điển hình là lễ rước bài vị tiên công bằng đoàn thuyền); tuy nhiên, hai nghi thức đặc sắc và cốt lõi nhất thì vẫn được lưu giữ và truyền lại cho đến ngày nay, chính là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông Voi”.
Ngày 1/6 (âm lịch) được gọi là ngày chính hội, ngày này sẽ diễn ra đám rước thần. Đoàn rước gồm nhiều thanh niên khỏe mạnh khiêng kiệu, có cờ lọng ở hai bên cùng dàn trống hội, bát âm, bát biểu… xuất phát từ Đình ra miếu Đôi, thực hiện các nghi lễ truyền thống rồi mới quay trở lại Đình Trà Cổ.
Hội thi “Ông Voi” chính là cuộc thi giữa 12 chú lợn đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa – chính là lưu truyền từ lệ xưa: làng Trà Cổ sẽ chọn ra 12 người theo các tiêu chí riêng, mỗi người nuôi 1 con lợn (được gọi là “Ông Voi”) từ đầu năm, chờ đến ngày hội lễ. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ tiến hành chấm giải, “Ông Voi” nào có vòng cổ to nhất, đẹp nhất và nặng cân nhất thì sẽ thắng.
Ngoài ra trong các ngày diễn ra lễ hội, ở đây còn có các hoạt động vui chơi sôi nổi, hầu hết là các trò chơi dân gian rất quen thuộc: đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố…