Chùa Tây An ở Châu Đốc, An Giang

Chùa Tây An là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, dưới chân núi núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Chùa Tây An hay Tây An Cổ Tự là một ngôi chùa có lối kiến trúc khá độc đáo, mang dáng dấp của những ngôi chùa Ấn Ðộ. Chùa Tây An đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” theo quyết định số: 92/VH.QĐ ngày 10 tháng 07 năm 1980; và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.

Lịch sử chùa Tây An

Năm 1847, Tổng đốc An-Hà (An Giang và Hà Tiên) là Doãn Uẩn (1795-1850) vui mừng vì lập được đại công đánh đuổi được quân Xiêm La, bình định được Chân Lạp, nên đã cho xây dựng một ngôi chùa bằng tường gạch, nền cuốn đá xanh, mái lợp ngói; và đặt tên là Tây An tự với hàm ý trấn yên bời cõi phía Tây.

Năm 1861, Hòa thượng Hoàng Ân (Nguyễn Nhất Thừa) cho trùng tu lại chính điện và hậu tổ. Năm 1958, Hòa thượng Thích Bửu Thọ (1893–1972) đứng ra vận động xây dựng mới ba ngôi cổ lầu, mặt chính và ngôi chính điện, nên chùa có diện mạo như ngày hôm nay.

Chùa Tây An ở Châu Đốc, An Giang

Vị sư trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Nguyễn Văn Giác (1788–1875), pháp hiệu Hải Tịnh, tu theo phái Lâm Tế, nên có người còn gọi chùa Tây An là chùa Lâm Tế.

Cũng trong khoảng thời gian này (tức vào những năm 1850) ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856), người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (1849) đến tu tại chùa, nên chùa càng nổi tiếng.

Các vị sư trụ trì chùa Tây An gồm: Hải Tịnh (thế danh Nguyễn Văn Giác), Hoàng Ân (thế danh Nguyễn Nhất Thừa), Huệ Quang (thế danh Nguyễn Trang Nghiêm), Thuần Hậu (thế danh Huỳnh Văn Đắc), Thiện Pháp (thế danh Ngô Văn Hòa), Thích Bửu Thọ (thế danh Nguyễn Thế Mật), Huệ Châu (thế danh Hồ Thạch Hùng), Định Long (thế danh Phạm Văn Trực), Huệ Kỉnh (thế danh Trần Văn Cung).

Sách Đại Nam nhất thống chí viết về chùa Tây An như sau:

“Chùa ở địa phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, nguyên tổng đốc Doãn Uẩn cho xây dựng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa vào vòm núi, tiếng người vắng lặng, cổ thụ âm u, cũng là một thắng cảnh thiền lâm vậy.”

Kiến trúc chùa Tây An

Chùa Tây An tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng, trong khuôn viên có diện tích 15.000 m2. Phía sau có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh thẫm. Điểm ấn tượng nhất của chùa là mặt chính với ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa.

Chùa Tây An ở Châu Đốc, An Giang

Chùa cất theo lối chữ “tam”, có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc Việt. Chùa được xây dựng với các vật liệu bền chắc như gạch ngói, xi măng. Nơi cổng tam quan là tượng Quan Âm Thị Kính, bên trong cổng là một sân chùa nhỏ có một cột phướn cao 16 m.

Mặt tiền chùa, ở giữa là tháp thờ Phật cao hai tầng. Tầng trên là tượng Phật đứng giữa lầu cao, đặc biệt ở giữa mặt tiền chùa là ngọn tháp được xây theo kiểu Menara Azan của các thánh đường Hồi giáo (Islam) với mái vòm tròn, cao.

Đây có lẽ là nét ảnh hưởng từ các kiểu kiến trúc của các làng Chăm Hồi giáo (Islam) mà cụ thể là thánh đườmg Mubarak, Châu Giang ở phía bên kia sông Hậu cách chùa Tây An không xa. Bốn cột tháp ở tầng dưới có các hộ pháp trấn giữ, phía trước có tượng hai con voi: bạch tượng và hắc tượng.

Chính điện là dãy nhà rộng, hai tầng mái, lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe, nền lát gạch bông. Hai bên là lầu chiêng và lầu trống hình tứ giác, trên đỉnh trang trí các tượng tứ linh (long, lân, qui, phụng) rất mỹ thuật. Đại hồng chung ở lầu chuông được tạo vào năm Tự Đức thứ 32 (1879).

Chùa Tây An ở Châu Đốc, An Giang

Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông v.v…Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ 19. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, màu sắc rực rỡ.

Sau khi Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) rời cốc ông đạo Kiến trên cù lao Ông Chưởng (xưa thuộc làng Long Kiến, nay thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đến tu ở chùa Tây An nơi chân núi Sam.

Nhân dân địa phương đã tự nguyện dựng lên nơi đây một ngôi thờ Tam bảo để ghi nhớ công ơn ông. Về sau, người ta cũng gọi ngôi thờ này là Tây An cổ tự nên mới xảy ra việc trùng tên chùa.

Đức Phật thầy Tây An là ai?

Đoàn Minh Huyên (sinh ngày 14 tháng 11 năm 1807 – mất 10 tháng 9 năm 1856), hay Đoàn Văn Huyên, quý danh là Lê Hướng Thiện, đạo hiệu: Giác Linh, được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Ngoài vai trò là người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương bản địa đầu tiên ở An Giang, ông còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền đã có công khai hoang nhiều vùng đất ở Nam Bộ (Việt Nam).

Chùa Tây An ở Châu Đốc, An Giang

Đoàn Minh Huyên là người ở vùng Cái Tàu Thượng, thuộc làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang; đến thời Pháp thuộc đổi thành làng Tòng Sơn và sau đó là làng Mỹ An Hưng thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Năm 1849, ở Nam Kỳ, xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc.

Trong hoàn cảnh ấy, ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn vào Trà Bư (nay thuộc ấp An Thái, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), rồi đến vùng Kiến Thạnh (xưa thuộc làng Long Kiến; nay thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), cư ngụ ở cốc ông đạo Kiến, trổ tài trị bệnh cho dân.

Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều dạy khuyên của ông.

Năm 1849, ông đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản là “học Phật- tu Nhân”, tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết “Tứ ân (ơn)”, đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại.

Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ đạo này không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ, không cần phải ly gia cắt ái, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,…và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém (bông hoa, nước lã là đủ).

Phật Thầy Tây An là một nhà yêu nước ẩn dưới chiếc áo nhà tu. Ông vừa trị bệnh cứu người, vừa quy tụ nông dân nghèo khai hoang, vừa phổ biến “Tứ ân”, mà trong đó “Ân đất nước” rất được chú trọng.

Điểm đáng lưu ý nữa, đó là những “trại ruộng” mà ông lập ra chỉ là hình thức, thực chất đấy là căn cứ tập hợp nông dân chống lại chính sách cai trị hà khắc của nhà Nguyễn.

Sau này, khi thực dân Pháp đến xâm lược, thì những nơi ấy trở thành những căn cứ chống ngoại xâm, nhiều tín đồ của ông trở thành nghĩa quân (để đền ơn đất nước), mà cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 -1873) do Trần Văn Thành (đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) phát động, là một minh chứng.

Updated: 18/05/2022 — 10:38 sáng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *