Tuần Bát nhật Phục sinh là gì?
Tuần Bát nhật Phục sinh chính là một trong những cử hành phụng vụ ít được biết tới trong Giáo hội Công giáo. Nó bao gồm ngày Chủ Nhật Phục sinh và 7 ngày tiếp theo đó, đỉnh điểm là cử hành Chúa nhật lòng Chúa thương xót (hay còn được gọi là Chúa nhật thứ Hai Phục sinh).
Tuần Bát nhật Phục sinh năm 2022
Năm 2022, ngày lễ Phục sinh diễn ra vào ngày Chủ Nhật 17/4/2022 Dương lịch, chính vì thế Tuần Bát nhật Phục sinh sẽ bắt đầu từ ngày Phục sinh và 7 ngày tiếp theo tức từ ngày 17/4/2022 đến 24/4/2022 Dương lịch.
Nguồn gốc của Tuần Bát nhật Phục sinh
Tuần Bát nhật Phục sinh đã bắt đầu ít nhất từ thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 khi mà những người Kitô hữu bắt đầu muốn kéo dài những ngày lễ theo sau ngày lễ chính. Điều này có nghĩa là những ngày lễ cử hành hân hoan của Chúa nhật Phục sinh được kéo dài thêm 7 ngày sau đó.
Người Kitô hữu coi mỗi ngày trong Tuần Bát nhật giống như Chúa nhật Phục sinh. Truyền thống này được duy trì trong nghi lễ Roma cũng như nhiều nghi lễ Đông Phương khác.
Theo phụng vụ của Giáo hội, Tuần Bát nhật là thời gian tám ngày mừng lễ hay kính nhớ mầu nhiệm nào đó.
Trước đây, Giáo hội mừng kính nhiều Tuần Bát nhật, như Tuần Bát nhật đặc biệt hoặc Bát nhật thường. Từ năm 1955, Giáo hội chỉ mừng kính ba Bát nhật bao gồm Bát nhật Giáng sinh, Bát nhật Phục Sinh và Bát nhật Hiện xuống.
Hiện nay, trong lịch phụng vụ của Giáo hội chỉ còn ghi hai Bát nhật là Bát nhật Phục sinh và Giáng sinh. Hai Bát nhật mà Giáo hội mừng kính cũng kết thúc bằng hai lễ long trọng. Bát nhật của Giáng sinh kết thúc vào ngày 1 tháng 1, lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; ngày thứ tám của lễ Phục sinh là ngày ngày lễ Chúa Nhật Áo trắng. Bát nhật Phục sinh mà truyền thống Roma quen gọi là Tuần lễ áo trắng, ra đời từ thế kỷ IV vì lúc đó Giáo hội quan tâm làm sao để các tân tòng có một huấn giáo hậu phép rửa về các mầu nhiệm mà họ đã lãnh nhận, tuy nhiên, huấn giáo này cũng dành cho toàn thể dân chúng nữa.
Ý nghĩa của Tuần Bát nhật Phục sinh
Bát nhật Phục sinh có mối liên hệ với việc rửa tội của người lớn. Hội Thánh thời cổ chú tâm tới mối liên hệ giữa lễ Vượt Qua của Đức Kitô với phép rửa.
Theo Thánh Phaolo, nhờ phép rửa mà người Kitô hữu được dìm trong cái chết của Đức Kitô, được an táng cùng người để rồi được tham dự vào đời sống mới của Đấng Phục sinh. Chính vì thế, Giáo hội ưu tiên để việc cử hành phép rửa diễn ra vào ngày Chúa nhật.
Khi Kitô giáo ngày càng lan rộng, đêm Vượt Qua đã trở thành đêm trọng đại của năm để thực hiện phép rửa.
Nghi thức làm phép rửa trong đêm sẽ bao gồm:
– Đến giếng nước rửa tội
– Cầu nguyện thánh hiến nước
– Cởi bỏ y phục của các ứng viên xin chịu phép rửa
– Ba lần dìm xuống nước kèm theo ba lời tuyên xưng đức tin
– Xức dầu Thánh và trao áo trắng – y phục của những người được tái sinh.
– Cuối cùng, Giám mục làm phép Thêm Sức và trở lại cung Thánh để tiếp tục cử hành Thánh Thể cùng với sự tham gia của các tân tòng vào bữa tiệc Vượt Qua của các tín hữu.
Buổi canh thức Vượt Qua có ý nghĩa diễn tả đức tin của hết mọi tín hữu trong một cộng đoàn, một khu vực nhất định, và Tuần Bát nhật này cũng mang đặc tính của phép rửa.