Công giáo

Những câu chuyện về Mẹ Maria

Đức Mẹ Maria là Đấng quan trọng sau Chúa Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Cứu Chuộc. Mẹ là Đấng đã thực sự rõ ràng cộng tác vào việc Cứu Chuộc của Chúa Giêsu.

2052
Nội dung bài viết

1. NHẸ NHƯ BÔNG

Năm 1240 quân Mông cổ hung hãn tiến quân chiếm phá biên giới nước Nga, đối phá nhà thờ và làng mạc không tiếc tay. Nhà Dòng thánh Giacintô đang ở cũng bị uy hiếp nặng nề. Các thầy giục cha thánh Giacintô trốn thoát ngay kẻo nguy cho tính mạng. Thánh nhân bình tĩnh vào nhà nguyện lấy bình đựng Mình Thánh đem đi theo mình, khi ngang qua tượng Đức Mẹ, ngài thầm nghĩ: “Nếu để Mẹ ở lại thì thế nào quân giặc cũng xúc phạm tới, mà đem đi thì. . . nặng ơi là nặng, tượng Đức Mẹ bằng xi-măng to lớn, vì lòng mến yêu Đức Mẹ ngài nhất định đem tượng Mẹ đi theo và đến tận nơi giơ tay ôm choàng lấy tượng Mẹ ôm đi.

Ôi, quyền phép Mẹ vô song. Mẹ đã làm cho tượng trở nên nhẹ nhàng ôm đi như ôm một bó bông vậy. Thế là một bay bế Chúa một tay ẵm Đức Mẹ, Thánh Giacintô đã tiến qua quân giặc vô sự. Ra tới bờ sông, thuyền bè không có mà cứ tin vào Mẹ, thánh nhân bước trên mặt nước tiến về nhà dòng tại Cracôvie. Bấy giờ đặt tượng Mẹ xuống, pho tượng lại trở nên nặng như cũ.

2. VÌ DANH MẸ

Trong truyện Gemma Glagali chết ngày 11.4.1903, đã được phong Á Thánh năm 1933, cha Schlegel có kể phép lạ này đã được tòa thánh công nhận.

Một hôm, Gemma ngất trí, cầu nguyện to tiếng cho một người được thiên hạ coi là đạo đức sốt sắng lắm:

– Lạy Chúa, người ấy là con cái Chúa, là anh con đây, xin Chúa thương cứu chữa kẻ khốn nạn đó.

Thấy Chúa ra như nhất định bỏ không nghe, cô lại kêu xin:

– Lạy Chúa, sao hôm nay Chúa không muốn nghe lời con, xin Chúa đừng nói: “Bỏ mặc kệ nó”. Chúa là Ðấng rất nhân từ hiền hậu. Câu nói đó làm con run sợ. Xưa Chúa không đếm xỉa gì đến Máu thánh đã đổ chan hòa cho tội nhân, sao ngày nay Chúa lại đắn do, đếm xỉa đến một số tội của chúng con.

Chúa không chấp nhận, Ngài tỏ cho cô những tội vừa nhiều vừa nặng của người đó, cả thì giờ và nơi người đó phạm. Cô đọc lại rõ ràng các lời chúa phán với cô, cha linh hồn cũng nghe rõ. Cô Gemma rụng rời kinh hãi, hai tay để rơi xuống như thể thất vọng. Song một lúc sau, cô lại bắt đầu nài nỉ:

– Lạy Chúa con biết rằng, người ấy đã phạm đến Chúa rất nặng, mà phần con cũng chẳng đáng được Chúa nhận lời, nhưng con xin dâng cho Chúa Ðấng cầu bầu kẻ tội lỗi là Ðức Maria Mẹ rất thanh sạch và hay thương xót của Chúa. Con tin chắc với Ðức Mẹ, Chúa không thể từ chối. Lần này Chúa đã nhận lời và cho cô biết Ngài sẽ ban cho người ấy ơn đặc biệt để ăn năn trở lại.

Sung sướng quá, Gemma kêu lên:

– Người đó đã được khỏi, chính Chúa đã tuyên bố như thế.

Cha giải tội trở về nhà liền gặp một người đón xin xưng tội, người đó chính là kẻ mà cô Gemma cầu nguyện cho. Chàng đã xưng thú mọi tội lỗi, những tội mà cha đã nghe chính Gemma nói ra. Song vô tình chàng quên một tội cha phải nhắc cho chàng nhớ. Rồi cha kể lại cho chàng nghe tất cả câu chuyện. Chàng vui mừng cám ơn cô Gemma, và cha. Rồi để tỏ lòng khiêm nhượng và biết ơn Chúa nhân lành và Ðức Mẹ đầy tình thương xót, chàng xin cha công bố chuyện này cho mọi người biết.

3. MỘT HỌA SĨ VẼ QUỈ

Xưa ở Pháp có một họa sĩ tài ba, hễ bao giờ vẽ ảnh Ðức Mẹ thì cũng vẽ một thằng quỷ nằm dưới chân, mà hình ảnh Mẹ đẹp bao nhiêu thì hình thằng quỳ lại xấu xa bấy nhiêu, vì thế quỷ giận lắm. Ðêm kia, họa sĩ nằm mơ thấy quỷ mắng trách: sao vẽ hắn xấu xí quá vậy? Còn vẽ Ðức Mẹ đẹp như thế? Hắn đe nếu không chừa thói thiên tư đó, sẽ bị quật chết tươi. Họa sĩ đã đối lại với quỉ; Mày chẳng bao giờ khuyên bảo người ta được một lời lành, mà toàn là điều xấu dữ, vì thế hình mày xấu xa quả là xứng đáng.

Những câu chuyện về Mẹ Maria


Thức dậy, họa sĩ lại quyết vẽ ảnh Ðức Mẹ đẹp hơn và hình quỷ xấu xa hơn. Một lần, cha sở thuê họa sĩ vẽ ảnh Mẹ trên cửa nhà thờ rất cao, phải bác ráo mới vẽ nổi. Quỷ lợi dụng dịp may để báo thù, liền làm cơn gió lốc thổi mạnh giật sập ráo họa sĩ đang đứng vẽ, làm ông té nhào xuống. Trong lúc nguy nan đó ông ngước mắt lên, trông ảnh Ðức Mẹ mình đang vẽ trên nóc của nhà thờ và kêu : “Lạy Ðức Mẹ, xin cứu giúp con.” Ðức Mẹ không thể bỏ rơi kẻ trông cậy Người, liền nâng đỡ họa sĩ không bị hề hấn gì, dù một chút xây xất cũng không. Ông đã quỳ gối xuống tạ ơn Ðức Mẹ.

4. KIÊN TÂM CẦU NGUYỆN

Tại Pháp, có gia đình sĩ quan M.X. đạo đức, sùng kính Đức Mẹ thật tình, gia đình có bốn người con và thuê hai người giúp việc. Một chị trong hai người giúp lại mắc chứng động kinh, nhà lại nghèo. Bà vợ sĩ quan chỉ muốn thải chị ta về quê không mượn nữa, vì sợ con mình có ngày chết oan vĩ chị ta. Nhưng ông chồng đạo đức, đầy lòng bác ái không chịu, chỉ muốn lưu lại nhà để nâng đỡ một gia đình nghèo túng. Nhân dịp tháng Mẹ về, ông sĩ quan đặt hết niềm tin ở Mẹ, rồi bào với vợ cùng làm tuần chín ngày khấn xin với Đức Mẹ cho chị khỏi bệnh. Bà vợ động lòng ưng thuận. Qua tuần chín, chị ở chưa khởi bệnh, bà vợ lại nghi nan và xin thải chị ta về. Ông chồng nhất định lưu lại và cùng với vợ làm thêm tuần chính thứ hai, rồi tiếp tuần chín thứ ba. Ông thường lấy câu Phúc Âm Chúa phán mà giục vợ tin cậy cho vững: “Ai tin sẽ được, ai gõ sẽ mở cho . . .”Sắp mãn tuần chín lần thứ ba. Sau khi dự thánh lễ và hiệp lễ, ông về nhà ở trong phòng riêng, sấp mình trước ảnh Mẹ, thiết tha van nài: “Lạy Mẹ con đã đặt hết niềm tin ở Mẹ, đã đặt hết niền tin tưởng dâng cả gia đình con cho Mẹ, chẳng lẽ Mẹ bỏ lời con xin? Chẳng lẽ lời thánh Bênađô quả quyết: ‘Xưa nay chưa từng nghe nói ai chạy đến cùng Mẹ mà Mẹ từ chối’ Xin Mẹ thương chị ở gia đình con”. Đức Mẹ đã nhận lời, hôm sau chị ở đã khỏi bệnh, cả nhà vui vẻ mua hoa nến đến nhà thờ xin lễ tạ ơn Mẹ.

5. TÁC GIẢ GƯƠNG PHÚC

Hồi còn là học sinh, Thomas a Kempis, tác giả cuốn Gương Chúa Giêsu chuyên chăm học khoa đời đến nỗi quên lãng cả việc đạo đức thường nhật, nhất là các việc quen làm mọi ngày để tôn kính Ðức Mẹ theo lời mẹ cậu dạy từ thu ở mới khôn. Dần dà đã quên hẳn thói lành đó. Dầu vậy, cậu Thomas vẫn còn giữ được tâm hồn gây thơ trong trắng.

Ðức Mẹ muốn cảnh tỉnh Thomas đã cho cậu mơ trong một giấc ngủ, thấy mình đang ở trong lớp học với các bạn, bỗng được Ðức Mẹ hiện đến sáng láng đẹp đẽ vô cùng. Ðức Mẹ vòng quanh lớp học âu yếm an ủi từng học sinh. Thomas hồi hộp chờ đợi Ðức Mẹ đến an ủi mình, nhưng cậu đã thất vọng vì khi đến gần mình, Ðức Mẹ không tỏ dấu yêu thương âu yếm mà trái lại bằng cặp mắt nghiêm nghị, Ðức Mẹ trách Thomas: “Con đừng mong cho Mẹ âu yếm, vì con không trung thành với Mẹ. Dầu những việc lành con đã làm, những kinh con đã quen đọc xưa để tôn kính Mẹ. Sao con chóng thay đổi thế?”

Quở trách xong, Ðức Mẹ biến đi. Thomas thấy mình xấu hổ lo sợ quá, giật mình thức giấc, quyết chí sửa mình lại, và cố gắng sống đời thánh thiện hơn trước.

6. GIỜ CHẾT

Năm 1313, một tu sĩ dòng Bruno có lòng yêu mến Ðức Mẹ lắm, một hôm ngã bệnh rất nặng, quỉ liền hiện đến, trao cho một cuốn sách lớn ghi chép hết mọi tội lỗi thầy đã phạm từ nhỏ tới nay, rồi bảo thầy: “Các tội của mày đã bị ghi chép rõ ràng rồi đó, Ðức Chúa Trời chẳng tha cho mày đâu.” Thầy quá sợ hãi, run sợ vì biết mình thế nào cũng phải sa hỏa ngục.

Ðang lúc thầy buồn rầu hầu như thất vọng, bỗng thấy Ðức Mẹ ẵm Chúa Giêsu hiện đến phán bảo thầy: “Con đừng sợ, Mẹ chẳng bao giờ bỏ kẻ trông cậy Mẹ trong giờ họ gặp nguy hiểm như con đây. Ðây là Chúa Giêsu Con Mẹ, Người đã tha thứ hết mọi tội của con.” Bệnh nhân nghe lời Mẹ, tâm hồn bình an trở lại.

Linh mục đến xức dầu cho Thầy, ban của ăn đàng và phép lành sau hết. Khi linh mục đọc đến câu: “Các thánh nam và các thánh nữ xin cầu cho linh hồn Phêrô,” thì thầy kêu to: “Lạy các thánh nam nữ tôi đang được xem thấy, xin cầu cho tôi.” Rồi nhắm mắt thở hơi cuối cùng trong tay Ðức Mẹ.

7. ÐỨC MẸ HAY CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN Ở LUYỆN NGỤC

Xưa Ðức Mẹ bảo bà thánh Birgitta rằng: “Mẹ là Mẹ các linh hồn ở luyện ngục, Mẹ hằng giúp đỡ, giảm bớt những hình khổ cho chúng”. Mẹ thế gian thấy con mình sa lửa thì tìm cách cứu nó ngay. Ðức Mẹ là Mẹ nhân từ, thấy con cái mình bị sa lửa luyện ngục lẽ nào không thương xót cứu giúp.

Người soi lòng những kẻ còn sống dâng lời cầu nguyện, dâng việc lành phúc đức cho các linh hồn ấy, hoặc Người xin Chúa cho các linh hồn ấy được về thế gian xin người còn sống cứu giúp mình như xưa Người đã xin cho Ðức Giáo Hoàng Inôxentê hiện về xin bà thánh Lutharde cầu nguyện cho mình.

Có khi Ðức Mẹ xuống nơi những linh hồn ấy để giảm bớt hình khổ cho họ. Ðức Mẹ hằng làm việc lành chỉ cho các linh hồn ấy. Những lời Người cầu nguyện, những việc lành Người làm như sương sa, như nước lạnh dập tắt những ngọn lửa nóng rát thiêu đốt các linh hồn.

Ðức Mẹ giảm bớt những đau khổ cho các linh hồn, lại được quyền rút vắn thời hạn giam phạt các linh hồn ấy. Cũng như Hoàng hậu xin vua ân xá phóng thích cho tù nhân, Ðức Mẹ xin Chúa cũng giảm bớt thời hạn giam phạt hay phóng thích ngay cho các linh hồn. Nhất là những linh hồn mồ côi, được Ðức Mẹ thương giúp cách riêng.

Các thánh dạy: Ðức Mẹ về trời mang theo các linh hồn ở luyện ngục. Ông Gerson nói rằng: Ngày hôm ấy, ngục tối đã ra vắng vẻ, vì mọi linh hồn đã được theo chân Mẹ về trời.

Nhiều đấng thánh nói: những ngày lễ kính Ðức Mẹ, Ðức Mẹ xuống luyện ngục an ủi các linh hồn, có linh hồn được Ðức Mẹ giảm bớt hình khổ, có linh hồn được Ðức Mẹ đưa về trời ngay.

Xưa Ðức Mẹ hiện ra phán cùng Ðức Giáo Hoàng Gioan rằng: “Những ai mặc áo ?Ðức Bà và tôn sùng Mẹ khi còn sống, thì lúc chết mà còn bị giam trong luyện ngục, Mẹ sẽ xuống cứu và đưa kẻ ấy về thiên đàng ngày thứ bảy sau khi kẻ ấy qua đời”.

Ta hãy bắt chước Ðức Mẹ thương giúp các linh hồn ở luyện ngục, nhất là những linh hồn mồ côi, linh hồn cha mẹ, họ hàng thân thích những kẻ làm ơn cho ta. Ta hãy đọc kinh lần hạt, làm phúc bố thí, xưng tội chịu lễ, dâng cho các linh hồn ấy chóng được về nơi mát mẻ.

Một lần kia, thánh Gioan Kim Ngôn, thấy một thiên thần cầm chén nước đựng Máu Thánh Chúa Giêsu đổ xuống lửa luyện ngục. Nhờ đó nhiều linh hồn trở nên sáng láng ra khỏi luyện ngục mà lên thiên đàng.

8. MỘT EM BÉ

Ðời Ðức Mauritio làm giám mục thành Constantinopoli có thói lành: sau khi linh mục cho giáo dân rước Chúa, nếu còn sót lại các mụn Bánh Thánh, thì đưa cho các em nhỏ chưa có trí khôn chịu lấy, lý do vì các em có tâm hồn trong sạch.

Trong thành Constantinopoli có 1 gia đình Do Thái làm nghề nấu thủy tinh, cũng cho con cái đi học trường Công giáo. Một hôm em bé Do Thái theo chúng bạn vào nhà thờ dự thánh lễ, rồi cùng lên rước mụn Bánh Thánh còn dư. Lúc về nhà em kể cho ba. Ba của em là người Do Thái sẵn óc ghét Công giáo, nghe con nói liền nổi xùng lên, túm lấy hai chân em bé ném vào lò lửa đốt sẵn để nấu thủy tinh. Bà vợ vắng nhà, khi về, không thấy con đâu, hỏi chồng, ông làm thinh không nói. Bà đi khắp nơi hỏi han tìm kiếm ba ngày mà vẫn biệt vô tín.

Tới ngày thứ bốn, bà ngồi ở nhà khóc ròng, thì nghe tiếng con gọi, giật mình, bà nín khóc lắng tai nghe. Biết rõ tiếng kêu phát ra từ lò thủy tinh, bà xấn xổ chạy tới, nhìn vào trong thấy con mình đang ngồi giữa lửa. Sợ hãi kinh khiếp, bà kêu thất thanh xin cầu cứu.. Hàng xóm láng giềng tuôn đến vây quanh.

Ôi lạ lùng, em bé chẳng bị cháy, không bị bỏng, ngồi bằng yên vô sự, mặt mày vui vẻ. Người ta đưa em ra khỏi lò lửa, đưa em vào nhà, được em kể lại: Em đi dự lễ với các em Công giáo và lên rước mụn Bánh Thánh, lúc về nhà khoe với ba, ba tức giận ném vào lò lửa. Nhưng khi đó có một Bà đẹp, giống như Bà đứng trong tòa ở nhà thờ Công giáo, Bà giữ gìn em cho khỏi lửa cháy và cho em ăn.

Mọi người tin thật đây là Ðức Maria đã cứu em khỏi chết cháy. Vua nghe tin đã truyền chém đầu tên bố, còn em bé và mẹ em đã trở về Công Giáo, sống đạo rất tốt lành.

9. NGƯỜI RỐI ĐẠO

Ở nước Tây Ban Nha, có một người phạm tội như uống nước lã! Không kể tội rối đạo, tội nào cũng là môn sở trường của ông. Tệ hơn cả, ông lại thích phạm những tội mà ông biết rõ là làm đau lòng Chúa nhất!

Ðến tuổi già lụ khụ, ông lâm trọng bệnh, nhưng tuyệt nhiên không hề có một ý nghĩ nào trở lại cùng Chúa….

Trong một đêm thức trắng, ông thấy Ðức Nữ Vương trên trời hiện ra gần giường ông, nhìn ông bằng đôi mắt thùy mị, nhân từ và thương xót, rồi biến đi mà không nói nửa lời.

Lúc đó, bệnh nhân mới nhớ cuộc đời đầy tội lỗi của mình. Nhìn về dĩ vãng đen tối, ông phiền sầu lo lắng nước mắt trào ra, nếu không vì yếu liệt, ông đã hối hả chạy đi gặp linh mục để xưng tội.

Sáng hôm sau, ông vội cho người đi mời linh mục. Chính cha Nieremberg, linh mục Dòng Tên, là tác giả chuyện này, đã được cử đến giúp ông. Tội nhân đã xưng thú một cách rõ ràng tỉ mỉ hết mọi tội lâu tới 3 giờ. Cha giải tội phải sửng sốt vì linh hồn ông được ơn soi sáng và lòng thống hối tuyệt vời như vậy.

Xưng tội xong, ông khấn hứa với Chúa trước mặt cha:

– Nếu Chúa cho con bình phục, con sẽ đi tu dòng để đền tội.

Nhưng ông lại thêm: “Nếu Chúa muốn cho con ra khỏi đời này, thì xin cha cầu nguyện cho con được làm trọn ý Chúa.”

Thánh ý Chúa đã được thực hiện. Năm ngày sau đó, đầy tâm tình thống hối và yêu mến, ông đã từ trần giữa những thương tiếc cũng như hoan hỉ của mọi người chứng kiến.

Trước khi chết cha Nieremberg có hỏi ông:

– Ông có quen làm việc để tôn kính Ðức Mẹ không?

Ông trả lời:

– Thưa cha con chỉ làm một việc rất nhỏ: hằng ngày đọc một kinh Kính Mừng. Hôm nay, con xin cha một điều là, để làm vinh danh Mẹ Thiên Chúa, xin cha hãy rao giảng mọi nơi về tình thương đặc biệt Ðức Mẹ đã đoái thương đến một kẻ rất tội lỗi, khốn nạn là con đây.

10. MẸ TRẢ TIỀN KHẤN

Ở thành Chieti miền Naple, có một người làm nghề đặt nợ ăn lãi. Y chẳng biết ai, chỉ biết có tiền. Với hạng khổ rách áo ôm y cũng chẳng thông cảm mà còn bóc lột tận xương tủy, chẳng tha. Chúa đã phạt y phải bệnh phong hủi từ đầu đến chân. Bao nhiêu tiền của đổ ra để uống thuốc cũng đều vô ích, tiền mất tật mang. Không còn trông được người thế gian cứu chữa, Y chạy đến Ðức Mẹ Loretta và vẫn tha thiết xin Mẹ cứu chữa rồi sai người bỏ vào hòm tiền khấn nơi bàn thờ Ðức Mẹ một trăm đồng vàng.

Ðược Ðức Mẹ chữa khỏi bệnh, mọi người hoan hỉ chia vui với Y. Lợi dụng dịp tốt, một người bạn lấy tình anh em khuyên y từ nay bỏ nghề vơ vét của phi nghĩa; hãy lợi dụng số tiền còn lại có thể sống đàng hoàng không lo chết đói, không nên kiếm bằng những phương pháp bất chính nữa. Nhưng y nhích mép cười cách mai mỉa mà nói: ?Nếu lấy lãi nặng là trọng tội, thì Ðức Mẹ đã chẳng phạm tội ấy với tôi rồi ư? Ngài đã lấy của tôi những trăm đồng vàng mới chữa cho tôi khỏi bệnh”.

Người bạn khiếp sợ vỉ lời nói phạm thượng đó, bỏ đi. Ðêm sau y kêu la rên rỉ:

-Ôi! Tôi chết mất! Tôi chết mất!

Người nhà chạy vội đến hỏi, y trả lời:

-Bệnh hủi lại tái phát! Tôi đau đớn lắm ! Ở cạnh sườn tôi có hòn than nóng bỏng đang nung đốt tôi khốn nạn lắm.

Một đầy tớ thò tay vào cạnh sườn y sờ thấy cái túi chứa một trăm đồng vàng và đưa cho y. Khi nhìn thấy số vàng đó và lời phạm thượng y đã thốt ra, y thất vọng, lo sợ rồi kêu lên:

-Tôi hỏng mất rồi! Tôi mất linh hồn rồi! Than ôi! Ðức Mẹ không cứu tôi nữa!

Nói xong y tắt thở.

5 ( 1 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm