Sự tích Cô Đôi Thượng Ngàn

Bài viết này nói về Cô Đôi Thượng Ngàn, một thánh cô nổi tiếng trong Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Tứ Phủ Đạo Mẫu của người Việt.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Cô Đôi Thượng Ngàn là ai? Có vai trò gì trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Câu trả lời có ngay dưới đây.

Sự Tích Cô Đôi Thượng Ngàn

Có hai sự tích được lưu truyền như sau:

Sự tích thứ nhất:

Cô Đôi Thượng Ngàn vốn là Sơn Tinh Công Chúa con Vua Đế Thích trên Thiên Cung. Sau cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái một quan lang họ Hà, chúa đất người Mường ở vùng rừng núi Nho Quan. Khi hạ sinh, Cô Đôi rất xinh đẹp: da trắng, tóc xanh mượt mà, mặt tròn, lưng ong thon thả. Sau này cô được Mẫu Thượng Ngàn cho học đạo phép để giúp dân. Rồi khi về thiên, cô được Mẫu Thượng Ngàn truyền cho vạn phép, giao cho cô dạy người rừng biết thống nhất về ngôn ngữ. Lúc thanh nhàn cô về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà, trong ba gian đền mát, cô cùng các bạn tiên nữ ca hát vui thú trên dốc Sườn Bò (nay thuộc xã Văn Phương, huyện Nho Quan). Có khi cô biến hiện ra người thiếu nữ xinh đẹp, luận đàm văn thơ cùng các bậc danh sĩ, tương truyền cô cũng rất giỏi văn thơ, làm biết bao kẻ phải mến phục. Cô Đôi cũng là tiên cô cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang, người trần gian ai nhất tâm thì thường được Cô Đôi ban thưởng, nhược bằng có nợ mà không mau trả lễ cô lại bắt đền nặng hơn”.

Sự tích Cô Đôi Thượng Ngàn

Cung thờ Cô Đôi Thượng Ngàn

Sự tích thứ hai:

Khi ấy tỉnh Ninh Bình có một vị quan lang họ Hà người Mường, ông nổi tiếng khắp vùng về nhân đức, phát tâm thiện nguyện, cứu giúp dân nghèo. Hai ông bà đã vào chạc ngũ tuần, nhưng vẫn chưa có một mụn con cho vui cửa vui nhà. Hai ông bà bèn lập đàn tế trời, cầu khẩn. Ngọc Hoàng trên thiên giới cảm cách mà nghe được những lời này mới sai cô xuống hạ giới, đầu thai làm con ông bà để thưởng cho cái đức độ, tiết tháo của ông. Mười hai tháng sau bà bẩm thụ thiên khí mà có thai, sinh ra cô. Khi cô sinh hạ có một đôi chim khách đến đậu trước cửa nhà cô mà hót mãi không thôi, như mừng đấng tiên nữ giáng sinh phàm trần. Năm cô lên bốn tuổi, gia định vị quan lang chuyển tới làm quan ở Huyện Cao Phong, châu Mai Đà, tỉnh Hưng Hóa. Ở trên vùng cao, nước sinh hoạt thiếu thốn, dưới chân núi Đầu Rồng lại có con suối nước thần, nước trong mát quanh năm, người dân ở đó thường ra suối gánh nước về dùng, cô cũng thường ra đó gánh nước về giúp đỡ ông bà.

Thời gian thấm thoát đã trôi qua, năm đó cô mười hai tuổi mà đã xinh đẹp tuyệt trần da trắng, tóc mượt, mặt tròn, lưng ong thon thả. Đức Mẫu Thượng Ngàn muốn thử lòng người trần gian, độ cho người có tâm, bèn hóa thành một bà lão đói khát, bệnh tật nằm lả ở gốc cây đa dưới chân núi Rồng. Bà nằm đó kêu rên từng tiếng khó nhọc, cầu mong sự giúp đỡ của mọi người qua lại, thế nhưng chẳng ai chịu ra tay cứu giúp bà. Đúng vừa lúc cô ra suối gánh nước thấy bà lão đáng thương, cô động lòng thương cảm bèn quỳ xuống vực bà ngồi dậy, cho bà uống nước. Bất chợt tự nhiên trời đất tối xầm, mây đen kéo tới, gió bụi cuốn lên mù mịt bà lão hiện thành Tiên Chúa Thượng Ngàn và nói với cô: “Ta là đức Diệu Tín Thiền Sư Lê Mại Đại Vương (tức Mẫu Thượng), thấy con là người ngoan ngoãn, hiền lành, đức độ. Kiếp trước con là tiên nữ trên tiên giới, nghe lệnh Ngọc Hoàng mà hạ phàm báo ân cha mẹ. Nay ta độ cho con thành tiên trở về bên hầu cận bên cạnh ta, để cứu giúp nhân gian”. Đoạn Thánh Mẫu rút cây gậy khắc đầu rồng bên mình ra trao cho cô. Cô nhận cây gậy rồi trở về nhà, bốn ngày sau thì hóa.

Đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn

Cô Đôi Thượng Ngàn nổi tiếng anh linh dạy khắp bốn phương, trải từ Đông Cuông, Tuần Quán tới phủ Nho Quan tỉnh Ninh Bình về tới huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đều có đền thờ Cô.

Nổi lên trên cả là hai ngôi đền thờ cô thuộc địa phận Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) gắn với truyền thuyết sinh hóa của Cô. Đền Bồng Lai (còn gọi là đền Bồng Lai Hạ) ở Nho Quan, Ninh Bình là nơi Cô được giáng sinh và Đền Bồng Lai Thượng ở Cao Phong, Hòa Bình là nơi Cô hóa.

Sự tích Cô Đôi Thượng Ngàn

Đền Cô Đôi Thượng Ngàn ở Nho Quan, Ninh Bình

Ngôi đền Bồng Lai Hòa Bình nằm trong khu du lịch tâm linh núi đầu Rồng – Thị Trấn Cao Phong – Hòa Bình và là nơi thờ Cô Đôi Thượng Ngàn. Đền còn gọi là : Đền Thượng Bồng Lai, hay Bồng Lai Linh Từ. Quả thực, nếu ai đã từng đến đây, đều phải công nhận đúng là chốn ” Bông Lai tiên cảnh”. Đây là một ngôi đền khang trang, tố hảo đẹp bậc nhất Việt nam.

Sự tích Cô Đôi Thượng Ngàn

Đền Cô Đôi Thượng Ngàn ở Cao Phong, Hòa Bình

Cô Đôi Thượng Ngàn còn được thờ tại Đền Cô cách đền Mẫu Đông Cuông khoảng 500m. Ngôi đền này được xây dựng với quan niệm rằng cô là tỳ nữ bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn. Khu du lịch Hàn Sơn – Thanh Hóa cũng có một ngôi Đền Cô Đôi Thượng Ngàn. Ngoài ra, Cô Đôi Thượng Ngàn chủ yếu được phối thờ tại các cung Tứ Phủ Thánh Cô hoặc một ban riêng ở các đền phủ.

Bản văn Cô Đôi Thượng Ngàn

Bản văn Cô Đôi Thượng Ngàn số 1

Nhang thơm thành kính một lòng
Thỉnh Cô Đôi Thượng giáng đồng ngự chơi
Vẻ thanh nguyệt thẹn huê cười
Môi son má phấn gót hài bồ câu
Khăn xanh cô chít trên đầu
Áo chàm Cô mặc tươi màu lá cây
Cô về phán bảo cho hay
Trần gian đừng thấy đắng cay mà buồn
Trời mưa nước chảy về nguồn
Cùng dòng sữa mẹ cùng con một nhà
Cớ kêu ca sao mà vất vả
Bởi căn phần số cả mệnh cao
Kiếp xưa chẳng chịu tu nào
Kiếp này tu để được vào động tiên
Thương đồng Cô chẳng có quên
Bao lời khấn nguyện (Cô) chép biên rõ ràng
Độ cho cây đức vững vàng
Tốt tươi quả phúc thọ khang điều thì
Thương đồng Cô chẳng kể chi
Giàu thì một bó khó thì một cây
Sơn lâm phúc lộc tràn đầy
Xin cô bá thí cho người trần gian
Ai mà biết phép Cô Ngàn
Độ cho buôn bán lộc vàng đầy kho
Tâm thành khấn nguyện Cô cho
Nhớ mà tạ lễ chớ vờ mà quên
Muốn quên Cô để cho quên
Một lần không chả (Cô) bắt đền thành ba
Tiên Cô linh ứng hay là
Trần gian thất ý Cô đà trêu chơi
Giận ai Cô chẳng trả nhời
Hành cho đau ốm đứng ngồi không yên
Hành cho dở dại dở điên
Chẳng ăn chẳng uống ngày đêm thẫn thờ
Tội vì chẳng biết phép Cô
Phải mau sám hối phụng thờ thành tâm
Ba mươi mồng một tư rằm
Thanh bông huê quả thì thầm khấn Cô
Về đồng phán bảo căn do
Có căn có số phải lo trình đồng
Làm tôi mộ đạo tâm trung
Giàu thì voi ngựa thuyền rồng kính dâng
Nghèo thì chí cốt thành tâm
Trước sau Cô độ mười phần tốt tươi
Văn ca kính chúc mấy lời
Xin Cô giáng xuống độ cho an lành
Cô về trắc giáng điện đình
Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường

Bản văn Cô Đôi Thượng Ngàn số 2

Bồng Lai là cảnh thiên thai
Tấu Cô Đôi Thượng đại tài hái hoa
Xuân sang Cô hái đào hoa
Dâng Chầu Đệ Nhất Chầu Bà ban khen
Hạ về Cô hái hoa sen
Dâng Chầu Đệ Nhị Đông Cuông Thượng Ngàn
Thu sang hái hoa ngọc lan
Dâng Chầu Ba Thoải Đền Hàn thủy cung
Đông sang hái đóa phù dung
Dâng Chầu Đệ Tứ tùy tòng khâm sai
Lên non Cô hái hoa nhài
Dâng Chầu Năm Thượng quản cai ngũ hành
Mẫu đơn cô hái trên cành
Cô dâng Chầu Lục quyền hành sơn trang
Thủy tiên cánh trắng nhụy vàng
Cô dâng Chầu Bảy Thượng Ngàn anh linh
Núi rừng nước biếc non xanh
Cô dâng Chầu Bát một nhành phong lan
Sòng Sơn đã nức tiếng vang
Cô dâng Chầu Cửu cúc vàng đẹp tươi
Hải đường hương sắc tốt vời
Tiên Cô dâng tiến Chầu Mười Mỏ Ba
Phong lan tươi thắm mặn mà
Cô dâng Chầu Bé trước tòa sơn trang
Trăm hoa đua nở trên ngàn
Hoa mai hoa mận đầy ngàn hoa mơ
Trăm hoa đua nở bốn mùa
Mùa xuân mùa hạ mùa thu rợp ngàn
Dã quỳ nở lúc đông sang
Hoa lan hoa huệ lại càng phô tươi
Nụ hoa e thẹn tươi cười
Cô về hoa nở khắp trời ngát hương
Cô về ngự đất Đông Cuông
Muôn hoa nhung nhớ chúng con chạnh lòng
Cô về giáng phúc cho đồng
Đuốc thiêng soi sáng tấc lòng bốn phương
Hôm nay dâng tiến đèn hương
Thỉnh Cô Đôi Thượng Đông Cuông giáng trần
Chữ rằng Thánh giáng lưu ân
Tiên Cô lưu lộc thiên xuân thọ trường.

Hầu đồng Cô Đôi Thượng Ngàn – nghệ sĩ Xuân Hinh

Updated: 20/09/2022 — 10:35 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *