Bà là một phụ nữ kiệt xuất trong lịch sử nước ta, đã hai lần nhiếp chính (thay vua cầm quyền trị nước), để lại nhiều công tích, được sử sách đời sau ghi nhận và ca ngợi. Nhân dân còn gọi là bà Tấm và kể lại nhiều chi tiết tiểu sử giống như trong truyện cổ Tấm Cám. Các đền, chùa thờ bà còn được gọi là đền (chùa) Bà Tấm.
Tiểu sử Nguyên phi Ỷ Lan (1044 – 1117)
Theo sử liệu ngày nay còn lưu lại, Nguyên phi Ỷ Lan vốn có xuất thân hèn mọn là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi (còn có tên là làng Sủi, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội), sinh vào khoảng những năm 1044.
Tên thật của bà khá mơ hồ huyền sử, có tài liệu ghi là bà tên Lê Khiết Nương, có thuyết thì bảo là Lê Thị Khiết, cũng có thuyết nói là Lê Thị Yến Loan. Tuy nhiên đều đó chẳng còn quan trọng, bởi sau này người ta chỉ nhắc đến bà với danh xưng Nguyên phi Ỷ Lan.
Con đường trở thành Nguyên Phi
Sử sách cũng có ghi chép về cơ duyên đưa bà một bước lên được vị trí vạn người mơ ước phải nói là khá lãng mạn. Tương truyền vào năm Quý Mão 1063, Vua Lý Thánh Tông và Hoàng hậu Thượng Dương đã bước vào tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có con kế nghiệp, nên vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo, và trong một buổi sáng mùa xuân khi trên đường đi viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành), vua có đi ngang một ngôi làng, tại đây dân làng mở hội nghênh đón rất đông, già trẻ lớn bé đều quỳ hai bên đường để có thể được một lần nhắm nhìn long nhan.
Tuy nhiên, chỉ có riêng một cô thôn nữ là khác biệt, nàng không hề háo hức phấn khởi như những người khác mà chỉ e thẹn đứng tựa mình vào gốc cây lan để chờ đoàn người triều đình đi qua. Vua lấy làm lạ, bèn cho gọi người con gái đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung khí khái nhưng lại toát lên nét thùy mị tới quỳ xuống tâu: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng”.
Vua thấy cô gái tuy ăn mặc quê mùa, trông nghèo nàn, lại ít chữ nghĩa nhưng cử chỉ thì đoan trang dịu dàng, lời nói phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa rành rành. Vua đem lòng quý mến, coi nàng như một món quà nhỏ, sai người đưa theo nàng về cung. Thế là bằng cơ duyên tình cờ, cũng có phần may mắn đó, cô thôn nữ hái dâu nuôi tằm nghèo hèn ngày nào đã trở thành một người con gái cung đình. Ban đầu Vua Lý Thánh Tông phong nàng làm cung nhân, sau đó đổi thành Ỷ Lan phu nhân. Ỷ Lan có nghĩa là tựa vào gốc cây lan, cái tên này dụng ý của vua có nghĩa là muốn kỷ niệm ngày gặp mặt giữa hai người.
Vào năm 1066, Ỷ Lan phu nhân hạ sinh Hoàng tử Lý Càn Đức. Vì Lý Thánh Tông không có con trai kế nghiệp nào khác nên Hoàng tử Lý Càn Đức liền được sắc phong thành Hoàng Thái tử, vị trí sẽ nắm quyền kế vị đầu tiên khi vua cha qua đời. Ỷ Lan vì thế cũng được sắc phong làm Thần phi. Năm 1068, Thần phi sinh thêm con trai nữa và được vua phong làm Nguyên phi, lúc này địa vị của bà trong hậu cung chỉ sau Dương Hoàng hậu.
Tài năng của Nguyên phi Ỷ Lan
Tuy chỉ là phận nữ nhi nhưng kể từ lúc vào cung cho đến khi đạt được đến vị trí Nguyên phi, Ỷ Lan vẫn luôn luôn tỏ ra mình là một người hiếu tri và trí thông minh kỳ lạ. Nàng thích đọc sách và nhiên cứu những phương pháp trị nước để giúp chồng trấn giữ giang sơn.
Đó cũng chính là lý do khiến vua Lý Thánh Tông cảm phục và yêu thương nàng hơn, thậm chí ông còn giao cả việc nhiếp chính cai quản chuyện xã tắc cho Nguyên phi Ỷ Lan khi ông thân chinh đi diệt giặc phương xa. Không chỉ vậy, đất nước trong tay Nguyên phi Ỷ Lan tuy chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đời sống muôn dân được cải thiện rõ rệt khiến vị thế của bà càng lúc càng cao.
Công và tội của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan
Tháng Giêng, năm 1072, vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi băng hà, thọ 48 tuổi, trị vì được 18 năm. Hoàng thái tử Lý Càn Đức lên ngôi kế nghiệp, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Nhân Tông kế nghiệp khi mới 6 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Linh Nhân Thái phi, tôn Dương Hoàng hậu làm Thượng Dương thái hậu. Theo luật xưa, khi hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì Thái hậu sẽ được quyền nhiếp chính. Như vậy, chỉ vì các quy định của triều đình mà Ỷ Lan, vừa là mẹ vua, vừa là một người có tài chính trị nhưng lại mất quyền nhiếp chính vào tay Thượng Dương Thái hậu – người không thể sinh nổi cho vua một mụn con. Điều này khiến bà tức tối và tìm cách chiếm quyền nhiếp chính.
Có giả thuyết cho rằng Ỷ Lan đã bàn mưu tính kế cùng người thân cận, giả ốm để chờ Hoàng thượng nhỏ tuổi tới thăm, nhằm tận dụng hoàn cảnh cũng như mối quan hệ mẹ con để đánh vào tình cảm của Lý Nhân Tông. Đúng như tính toán của bà, khi nghe tin mẹ ốm, Hoàng thượng đã vội vã vào cung thăm hỏi. Ỷ Lan không bỏ lỡ cơ hội khóc lóc, than vãn về sự bất công trong triều đình và khéo léo truyền đạt ý muốn được nhiếp chính của mình đến với nhà vua. Màn kịch hoàn hảo của Ỷ Lan đã khiến Lý Nhân Tông hoàn toàn bị bà chi phối.
Dưới sự dẫn dắt của Ỷ Lan, vị vua trẻ đã quyết định đày Thượng Dương Thái hậu cùng 72 cung nữ thân cận vào lãnh cung, phong mẹ mình trở thành Thái hậu mới. Vậy là với đầu óc mưu lược của mình, Ỷ Lan đã giành lại được địa vị tối cao trong triều đình nhà Lý, thao túng quyền lực đằng sau tấm rèm nhiếp chính mỗi khi lên triều. Chưa dừng lại ở đó, vì sợ Thượng Dương Thái hậu còn sống sẽ làm ảnh hưởng đến vị trí của mình, Ỷ Lan đã tìm cách bức tử cả bà cùng 72 cung nữ.
Và cái kết là cả chủ tớ vị Hoàng hậu cũ đã chết tức tưởi. Thượng Dương Thái hậu đã phải tự sát bằng dải lụa trắng mà vua ban cho, 72 cung nữ phải từ giã cõi đời.
Năm 1076, triều Tống phát đại binh sang xâm chiếm nước Đại Việt. Thái hậu Ỷ Lan đã cùng Lý Thường Kiệt và một số quần thần bày mưu chống địch, kết quả quân đại Tống hùng hổ toan làm cỏ nước Đại Việt đã phải cam chịu thất bại rút quân về nước. Trong chiến thắng này, công lao của Thái hậu Ỷ Lan là vô cùng lớn. Như thế, cô gái hái dâu làng Thổ Lỗi năm nào, sau 13 năm tiến cung, không chỉ trở thành một Nguyên phi bình thường mà còn trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam.
Về già, vốn là một người sùng đạo Phật, Thái hậu Ỷ Lan càng để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo. Tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất 150 chùa, đền. Sử cũ có lời đoán định rằng, hẳn là bà sám hối về việc bức hại Dương Thái hậu và 72 thị nữ nên mới làm như vậy. Đến năm 1117 Thái hậu Ỷ Lan qua đời, kết thúc cuộc đời của một bà Hoàng “lắm tài nhiều tội”, có xuất thân nghèo hèn, đặc biệt bậc nhất trong dòng lịch sử Việt Nam.
Quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan ở đâu?
Cho đến nay, nhiều người đã viết về quê hương sinh thành của bà. Trên đại thể, quê bà nằm ở vùng đất ngày nay gồm các thôn, xã liền một giải: Phú Thị, Yên Bình, Dương Xá (Gia Lâm – Hà Nội), Như Quỳnh (Mỹ Văn – Hải Hưng), nhưng cụ thể ở làng quê nào thì còn những ý kiến khác nhau.
Phản ánh cuộc hội thảo về Nguyên phi Ỷ Lan do xã Dương Xá tổ chức, tác giả Việt Anh (báo Hà Nội Mới, 30-9-1994) cho biết: “Hiện nay, ngoài đền Bà Tấm ở xã Dương Xá, còn rất nhiều nơi thờ phụng Đức Ỷ Lan. Cũng như Dương Xá, không ít nơi tự hào là quê hương của bà với những di tích như Vườn Dâu, Giếng Bống… Về quê hương bản quán của bà, sử cũ chỉ chép bà sinh ở hương Thổ Lỗi, năm 1068 đổi tên là hương Siêu Loại. Có tham luận đọc tại hội thảo cho rằng: hương Thổ Lỗi hay Siêu Loại chính là thuộc địa phận xã Dương Xá ngày nay, đối lập với giả thuyết khác cho địa danh cổ đó thuộc xã Như Quỳnh, Mỹ Văn, Hưng Yên. Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đặt giả thuyết cho rằng hương Thổ Lỗi là một vùng đất khá rộng, bao gồm cả Dương Xá lẫn Như Quỳnh ngày nay. Nếu giả thuyết này đúng, có lẽ cả hai xã đều có quyền tự hào là nơi đã sinh ra người phụ nữ lỗi lạc này”.
Tác giả Lê Định, trong bài báo Ở quê hương bà Ỷ Lan (Hà Nội Mới, 3-4-1995) khẳng định: “Thôn Sóc (Dương Xá – Gia Lâm), cách trung tâm Hà Nội non hai chục cây số theo ngả đường 5, là quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan… Đền thờ bà Ỷ Lan nằm ở địa phận thôn Sóc, xã Dương Xá hiện nay, được xây dựng và hoàn thành vào khoảng tháng 3 năm Ất Mùi (1115). Bà được tôn thờ ở nhiều nơi, nhưng đây là nơi thờ chính nên cũng được gọi là Đền Cả, gần đó là chùa Sùng Phúc, còn gọi là chùa Bà Tấm, là để chỉ Ỷ Lan…
Khác với nhiều ngôi đền ở khắp nơi trong nước, đền Cả được kiến trúc theo lối cung đình đời Lý, có tất cả 72 cửa, được coi là một trong những ngôi đền cổ nhất, đến nay vẫn giữ lại được phong cách kiến trúc ban đầu. Tượng Đức Bà ở hậu cung, hai bên có 6 pho tượng khác đứng trong tư thế chầu. Nhiều người bảo là “Lục bộ”, nhưng cũng có người cho rằng đó chỉ là những người giúp việc cho bà mà thôi… Chùa Tấm xưa là một công trình kiến trúc lớn gồm 100 gian, đã bị hư hại nhiều qua hai cuộc chiến tranh. Hai dãy nhà của chùa hiện nay là do nhân dân cùng chính quyền địa phương tiến hành xây dựng gần đây. Di vật quý giá từ đời Lý còn lại là những cột đá, những con giống bằng đất nung, những hoa văn trang trí. Đặc biệt nhất là thành bậc cửa và bệ đá chạm đầu sư tử. Những hiện vật này cho thấy chùa được làm vào năm 1065 triều Lý Thánh Tông. Bệ tượng chùa Bà Tấm theo lối hai sư tử đội chung một tòa sen. Đầu cao 1m, bề ngang cả hai mặt sư tử rộng 1,35m. Với những nét đục đá điêu luyện, nghệ nhân xưa đã thể hiện hai con sư tử lớn nằm phục trong một tư thế vững vàng, dũng mãnh…”.