Lễ hội Yên Tử Quảng Ninh là một trong những lễ hội lớn nhất tại miền Bắc Việt Nam.
Ca dao có câu:
“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”.
Lễ hội Yên Tử vào ngày nào
Hằng năm, mỗi dịp xuân về, du khách thập phương lại nô nức rủ nhau chiêm bái chùa Yên Tử. Đến đây, chắc chắn du khách không thể bỏ qua dịp lễ hội đầu xuân Yên Tử. Đây là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất, thu hút đông đảo du khách nhất ở Quảng Ninh. Du khách tới đây để lễ Phật, cầu may, mong cho năm mới thuận hòa, ấm no.
Lễ hội diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm tại núi Yên Tử – xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh.
Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh công đức của Phật Hoàng Trần Nhân Tông – người đã sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm.
Nguồn gốc lễ hội Yên Tử
Không ai biết lễ hội Yên Tử Quảng Ninh hình thành từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ thế kỷ XVII-XVIII, trên đỉnh Yên Tử đã hiện diện một ngôi chùa (Thiên Trúc Tự) có mái ngói đồng, trong chùa có 2 tượng đồng, bên cạnh chùa là Bàn cờ Tiên cùng một chữ Phật khối lớn được khắc vào vách đá,…
Linh sơn Yên Tử không chỉ là nơi có cảnh quan kỳ vĩ mà còn là chốn non thiêng hội tụ nhiều giá trị tinh thần của tổ tiên. Ý nghĩa lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh là tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, văn minh thời Lý, Trần,… lưu truyền đến các thế hệ mai sau. Bởi vậy, mỗi dịp xuân về, người dân lại nô nức ghé thăm địa điểm này trong hành trình hành hương về cõi Phật để quên đi những muộn phiền trần ai.
Hoạt động lễ hội Yên Tử Quảng Ninh
Lễ hội bắt đầu bằng các nghi lễ được tổ chức long trọng ở chân núi Yên Tử. Sau đó là cuộc hành hương lên ngôi chùa nằm chót vót trên đỉnh núi – chùa Đồng.
Tham gia lễ hội, bạn sẽ có vô vàn trải nghiệm thú vị trên hành trình tìm về đất Phật:
– Tham quan chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m so với mặt nước biển, tạo cho du khách cảm giác như đang đi trên mây;
– Chiêm ngưỡng ngọn tháp bằng đá cao 3 tầng được xây dựng từ năm 1758;
– Ghé suối Giải Oan nghe câu chuyện về lòng trung thành của hàng trăm cung nữ;
– Vãn cảnh Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái,…
Một số lưu ý khi đi lễ hội Yên Tử
Để có một hành trình du xuân trọn vẹn tại núi Yên Tử, du khách có thể chú ý một số điều sau:
– Chọn trang phục kín đáo và nhã nhặn vì Yên Tử vốn là đất Phật linh thiêng. Bạn cũng không nên chọn trang phục bó sát hoặc đồ jeans vì sẽ khó di chuyển;
– Du khách cần leo tới hơn 6km bậc thang đá dốc đứng nên cần ưu tiên đi giày thể thao để di chuyển dễ dàng hơn;
– Chuẩn bị sẵn nước uống và gậy chống để đủ sức vượt qua hành trình lên tới chùa Đồng;
– Mang theo máy ảnh và điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc thật đẹp trên đỉnh núi;
– Nếu ngại vấn đề sức khỏe không thể leo thang bộ, bạn có thể lựa chọn đi cáp treo để chiêm ngưỡng danh thắng Yên Tử từ trên cao.