Lễ hội chùa Keo ở Duy Nhất – Vũ Thư – Thái Bình

Chùa Keo ở Thái Bình có tên chữ là Thần Quang tự, là một ngôi chùa cổ gần 400 năm. Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Năm 2012, chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2017, lễ hội chùa Keo được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia.

Chùa Keo ở Thái Bình là công trình kiến trúc cổ có lịch sử gần 400 năm lịch sử là biểu tượng văn hóa của mảnh đất Thái Bình và là điểm đến không thể bỏ lỡ của du lịch tâm linh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Nghệ thuật kiến trúc độc đáo chùa Keo – Thái Bình

Xưa và nay, hình ảnh gác chuông chùa Keo đã là biểu tượng cho văn hóa, du lịch Thái Bình. Với 3 tầng, 12 mái, gác chuông như một bông sen khổng lồ, bề thế và mang tính thẩm mỹ cao. Ngoài hình ảnh gác chuông đã trở thành biểu tượng, hệ thống tượng pháp, quân rối cạn và nhiều cổ vật quý hiếm đã tạo nên cho chùa Keo nét riêng có trong rất nhiều ngôi chùa thờ Phật danh tiếng tại Việt Nam. Du khách trong và ngoài nước khi về với miền quê lúa đều không thể bỏ lỡ cơ hội một lần đến với chùa Keo – ngôi chùa có kiến trúc cổ và quy mô hoành tráng nhất. Trải qua biến thiên của lịch sử, đến nay chùa Keo với 17 công trình, 128 gian, lưu giữ khá nguyên vẹn kiến trúc của người xưa.

Lễ hội chùa Keo ở Duy Nhất – Vũ Thư – Thái Bình

Theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nếu tính tam quan ngoại là điểm đầu và gác chuông là điểm cuối thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng. Đây cũng là trung điểm tạo nên sự đối xứng trong kiến trúc của chùa Keo. Nhìn tổng thể, chùa Keo được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc” và “tiền Phật hậu Thánh”. Nhưng điểm độc đáo của chùa Keo là các tòa nhà được thiết kế theo mô hình hai chữ Công lồng trong chữ Quốc mà ít chùa có được. Nguyên tắc kiến trúc này tạo cho chùa Keo sự đăng đối, trang nghiêm và bề thế nhưng không khô cứng. Bước chân vào chùa, đi qua tam quan nội, du khách không thể bỏ lỡ bộ cánh cửa gian giữa tam quan nội khi đóng lại tạo thành một tác phẩm khắc gỗ độc đáo. Bức phù điêu khắc họa “Lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt” với những nét chạm hình rồng và đao mác tua tủa vút lên, không chỉ tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng mà còn phần nào tái hiện lịch sử đất nước lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, bằng sự sáng tạo tuyệt vời, những người thợ xây dựng chùa Keo mà không cần dùng tới một chiếc đinh nào bởi các công trình, chi tiết được liên kết với nhau bằng hệ thống mộng, kèo vô cùng chuẩn xác.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Lan, cả công trình chùa Keo tạo thành trên 300 khối mối liên kết. Vì thế, mưa bão cũng không liên lụy, bom đạn cũng không thể làm xê dịch.

Ông Vũ Ngọc Trung, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo chia sẻ: Những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật và ưu tiên hàng đầu là gìn giữ yếu tố gốc của chùa Keo nên các công trình của chùa Keo cho đến nay vẫn bảo tồn yếu tố gốc.

Lễ hội chùa Keo ở Duy Nhất – Vũ Thư – Thái Bình

Chính bởi vậy, chùa Keo xưa và nay vẫn luôn là một danh thắng độc đáo, kỳ vĩ. Và lễ hội chùa Keo với tục thờ Thiền sư Không Lộ theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Chẳng thế mà đến nay còn lưu truyền câu ca: Dù cho cha đánh mẹ treo/Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

Lễ hội chùa Keo – Thái Bình diễn ra khi nào?

Lễ hội chùa Keo mùa xuân diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, ngoài các nghi thức lễ Phật, lễ Thánh còn bao gồm những cuộc đua tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, nổi bật là thi bắt vịt, nấu cơm. Trò thi nấu cơm trong hội chùa Keo là hấp dẫn, sôi nổi nhất với sự tham gia hào hứng của cả làng để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, bình an tài lộc. Mỗi đội tham gia hội thi với 8 thành viên phối hợp nhịp nhàng trong từng công đoạn: Người chạy giải lấy nước, người kéo lửa, người nấu cơm. Sau thời gian đã định, mâm cơm của đội nào đáp ứng tốt nhất tiêu chí: Cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ thì mới được dâng lên lễ Thánh.

Lễ hội chùa Keo ở Duy Nhất – Vũ Thư – Thái Bình

Nếu như lễ hội chùa Keo mùa xuân diễn ra trong ngày thì lễ hội chùa Keo mùa thu diễn ra từ ngày 10 – 15/9 âm lịch. Lễ thức trong các ngày hội tháng 9 vừa mang tính hội lễ nông nghiệp, thi tài vừa mang tính chất của hội lịch sử mà xâu chuỗi các hoạt động hội là một diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Không Lộ, trong đó những sinh hoạt dân gian được hòa quyện vào nghi thức tôn giáo. Nổi bật ở phần lễ là nghi lễ rước kiệu Đức Thánh được tổ chức kỳ công, hoành tráng 3 năm 1 lần nhằm tái hiện cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài. Trải qua bao thăng trầm, đến nay một số lễ thức trong lễ hội chùa Keo đã giản lược hơn song các nghi thức trong đám rước vẫn được giữ nguyên, điệu múa ếch vồ và múa chải cạn độc đáo vẫn được duy trì nghiêm cẩn. Ngoài ra, trong lễ hội mùa thu còn diễn ra các trò chơi dân gian theo tục lệ cổ xưa phản ánh lối sống của dân cư nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng.

Trải qua gần 400 năm, chùa Keo, đặc biệt là những ngày lễ hội là điểm đến văn hóa tâm linh trên miền quê lúa Thái Bình. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngôi chùa cổ không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần mà đang góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Updated: 08/08/2023 — 3:23 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *