Ðiều này cho thấy giáo lý đạo Chúa không đi ngược với những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa, mà hơn thế, giúp củng cố đạo hiếu dân gian. Chúa Giêsu xác quyết : “Ðừng tưởng ta đến phá hủy lề luật và các tiên tri. Ta đến không phải để phá hủy mà để làm cho trọn” (Mt 26.61). Thánh Augustinô cùng quan điểm khi phát biểu : “Ân sủng không phá đổ tự nhiên”. Các nhân đức tự nhiên của con người được Chúa dùng ân sủng siêu nhiên làm cho hoàn hảo. Cha ông ta từ ngàn xưa đã dạy con cháu phải “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, thì Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (TM), và thánh Phaolô thì viết trong thư Êphêsô : “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ” (Bđ II). Như thế, lòng tôn kính ông bà tổ tiên không nguyên là huấn lệnh của đạo làm con người, mà còn là một giới luật nền tảng của đạo làm con Chúa.
Ði vào cụ thể, thế nào là hiếu kính tổ tiên ông bà cha mẹ theo đạo làm con người? Sách Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi đã dạy cách đối xử với ông bà cha mẹ như sau :
– Cha mẹ đôi bên đều đáng tôn kính, không được bên trọng bên khinh : Dù nội, ngoại hai bề cũng vậy / Ðừng trành hanh bên ấy, bên này.
– Con cái phải ghi nhớ công ơn trời biển của cha mẹ : Cù lao đội đức cao dày / Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.
– Cha mẹ muốn ta nên người nên mới sửa dạy, ta không được khinh thường : Bởi thương đến mới năng mắng quở / Muốn cho ta sáng sủa hơn người / Ân cần kẽ tóc, chân tơ… / Ðừng nặng nhẹ, tiếng chì tiếng bấc / Ðừng vùng vằng mặt vực, mặt lưng / Hoặc khi lầm lỗi điều nào / Ðánh đằng cửa trước, chạy vào cửa sau.
– Con cái phải phụng dưỡng cha mẹ, cơm bưng nước rót đàng hoàng : Có thì sớm tiến trưa dâng / Cơm ngon canh ngọt cho bằng chị em / Dù chẳng có thì yên một phận / Người trên ta há giận ta sao!
– Khi cha mẹ đau yếu, phải lo thuốc thang : Khi ấm lạnh ta hầu coi sóc / Xem cháo cơm, thang thuốc mọi bề / Ra vào thăm hỏi từng khi / Người đà vô sự, ta thì an tâm.
Ðạo làm con Chúa cũng dạy như thế và hơn thế, ở chỗ không chỉ tôn kính phụng dưỡng khi các ngài còn sống, mà cả khi các ngài đã qua đời. Các bài đọc khuyên nhủ cả cha mẹ lẫn con cái :
– Cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Bđ II).
– Cha mẹ cần nêu gương đạo đức, nhờ đó con cháu được thừa hưởng phúc ấm : “Các vị là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng… Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ” (Bđ I).
– Con cái có bổn phận chăm sóc cha mẹ. Chúa Giêsu chỉ trích người lấy cớ phụng thờ Chúa mà bỏ qua nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ: “Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng, những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (TM).
– Khi cha mẹ đã qua đời, con cháu nhớ ơn bằng cách cầu nguyện, xin lễ, noi gương sáng đạo đức của các ngài, giữ gìn lễ nghĩa gia phong… Ðó là đạo hiếu theo Kitô giáo.
Nhìn vào thực trạng gia đình tại Việt Nam hôm nay, phải nhìn nhận rằng cách chung, con cái vẫn giữ tốt đẹp lòng thảo kính cha mẹ, nhưng đạo hiếu này đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Thật vậy, qua báo chí người ta biết những tin tức thật khủng khiếp: con cái bạc đãi bỏ rơi cha mẹ, thiếu lòng tôn kính mến yêu, có kẻ đành đoạn giết cha giết mẹ khi không được như ý mình.
Sự xấu này không chỉ nơi những người chỉ mới biết đạo làm người, mà cả nơi những người biết đạo làm con Chúa, tức là các tín hữu Công giáo chúng ta. Thật vậy, là linh mục rồi giám mục, không ít lần tôi đã phải buồn lòng nghe những lời than van đẫm nước mắt của các bậc cha mẹ, ông bà. Có lẽ chỉ họa hoằn lắm mới xảy ra cảnh người có đạo giết cha mẹ bằng dao búa, nhưng không thiếu cảnh những đứa con giết cha mẹ bằng lời nói hỗn xược, bằng thái độ khinh khi, coi thường, kể cả hành hung. Có một anh thanh niên lấy vợ được ít lâu thì bỏ. Sau đó anh lại đòi cha mẹ hỏi vợ khác cho mình. Cha mẹ không đồng ý thì anh dọa đốt nhà, và đốt thật. May mà ông bà không bị chết cháy ! Không thiếu những đứa con chẳng hề phụng dưỡng cha mẹ lấy một ngày, chẳng chăm sóc khi cha mẹ già yếu, khiến các ngài phải đi ăn xin.
Nếu không sống tốt đạo làm con người thì không thể nào sống đẹp đạo làm con Chúa. Giáo Hội yêu thương và chăm sóc các phần tử trong mọi gia đình Công giáo, hết lòng mong mỏi họ sống hòa thuận thương yêu nhau, kính trên nhường dưới, hạnh phúc chan hòa.
Chúa Giêsu đã đối xử với cha mẹ Ngài như thế nào? Tin Mừng Luca 2,51-52 ghi lại : “Người trở về Nadarét, và hằng vâng phục các ngài… Ðức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta”. Với Chúa Cha, Ngài luôn vâng phục : “Của ăn của Thầy là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy” (Ga 4,34), bởi thế, Ngài được Chúa Cha tuyên nhận: “Ðây là Con chí ái của Ta, hãy nghe lời Người” (Mc 9,7). Gương của Chúa Giêsu mời gọi mỗi người tín hữu biết sống vuông tròn đạo hiếu với Chúa, và sẽ sống tốt đẹp đạo hiếu với Ông Bà Tổ Tiên của mình.
Thật ý nghĩa khi Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam dành ngày Mùng Hai Tết Âm Lịch cổ truyền để tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chúng ta. Mỗi người hãy thành tâm cầu nguyện, tưởng nhớ các ngài, nỗ lực sống đạo hiếu của người Việt Nam, thể hiện câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Ðồng thời, chúng ta không quên rằng Thiên Chúa chính là Cội Nguồn đích thực, là “nguồn của mọi tình phụ tử trên trời dưới đất” (Ep 3,14), từ nơi Ngài phát xuất tổ tiên vạn đại của chúng ta, cũng chính Ngài là điểm quy chiếu cuối cùng của tất cả mọi người, mọi dòng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, thời đại… để chúng ta biết sống trước hết và trên hết lòng hiếu kính của chúng ta với Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long
(Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn)