Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1991. Nguyễn Bỉnh Khiêm thủa nhỏ tên gọi là Văn Đạt quê ở trang Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương.
Tiểu sử Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình vọng tộc. Thuở nhỏ, ông học rất giỏi. Song do xã hội lúc đó nhiều biến động, nên mãi đến năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất – Trạng Nguyên và được vua Mạc bổ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Toà Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học. Suốt từ đó cho tới tuổi ngoài 90 ông vẫn làm nghề dạy học, xây dựng con người vì sự tồn vong của dân tộc. Cho đến mùa Đông năm Ất Dậu (1585), Ông lâm bệnh nặng và mất, thọ 95 tuổi. Lễ tang ông được tổ chức rất long trọng. Vua Mạc đã cử Phụ chính triều đình Úng Vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan đại thần về dự. Tháng giêng năm sau (1586) vua lại ban cấp cho làng Trung Am 3000 quan tiền, 100 mẫu ruộng để lập đền thờ ông. Tại Đền có gắn biển đề dòng chữ vua ban: Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ – một danh hiệu truy tặng danh dự cao quý.
Sau đó cuộc thế đổi thay, đền đổ nát. Đến năm Vĩnh Hựu (1735) đời Lê Ý Tông dân làng mới trích ruộng công bán đi để có thêm tiền mua gạch xây đền. Năm Minh Mạng thập tứ (1833), đền bị phá rồi lại được xây lại.
Ngôi đền hiện nay được xây dựng vào đời Bảo Đại thứ 3 (Mậu Thìn 1929), do một Thượng thư trí sĩ người Vĩnh Bảo cùng dân sở tại hưng công. Tại rường đình còn khắc chìm dòng chữ “Bảo Đại Mậu Thìn niên – Mạnh đông Hoàng đại nhật” ghi lại thời gian tôn tạo ngôi đền vào mùa đông năm 1928.
Đền quay hướng Đông, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Các mảng điêu khắc, chạm trổ với mô típ trang trí hình rồng, phượng, hoa lá cách điệu, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Tại đền, còn lưu giữ được một số di vật có giá trị, đáng kể phải nói đến hàng loạt các bức đại tự, các đôi câu đối với nội dung ca ngợi quê hương và tài năng, đức độ của Trạng Trình.
Đặc biệt, bức đại tự gian trung tâm thờ chữ cũ: “An Nam Lý Học” câu nói của người xưa, dựa theo sắc phong của vua đời trước tặng cụ, dẫn lời viên sứ thần đầu thời Thanh là Chu Xán ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người am hiểu sâu sắc khoa lý học: “An Nam Lý Học hữu trình tuyền”.
Dưới bức đại tự là đôi câu đối thể hiện quan điểm, nhận thức rằng: dân là gốc của nước đồng thời tỏ rõ tấm lòng yêu nước, thương dân của ông:
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân”
(Từ xưa đến nay, nước lấy dân làm gốc
Được nước là nhờ được lòng dân)
Với lòng ngưỡng mộ Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngôi đền thờ Ông luôn được nhân dân gìn giữ, tu bổ. Năm 1991, Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Từ năm 1999 đến nay, được sự quan tâm của Trung ương và thành phố, khu di tích ngày càng được mở rộng và quy hoạch với diện tích rộng 12,43 ha. Nhiều hạng mục, công trình có giá trị được phục dựng, đầu tư, hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu du khách về dâng hương, tưởng niệm Danh nhân. Tiêu biểu như: Đền thờ Song Thân Trạng Trình, Chùa Song Mai, Đền thờ Bà Minh Nguyệt, Am Bạch Vân, Núi Sấm, Bút Kình Thiên…
Năm 2013, nhà lưu niệm được bổ sung, chỉnh lý. Tại đây, trưng bày, giới thiệu những di cảo của ông còn để lại, như các tác phẩm: Bạch Vân Am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Sấm ký…và gần 200 đầu sách của các tác giả viết về ông. Đó là những di sản vô giá trong kho tàng văn hóa dân tộc và cũng là những hiện vật hết sức có giá trị minh chứng cho toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tại đây còn lưu giữ phiến đá xanh có khắc 3 chữ: “Trường Xuân Kiều”, dấu tích còn lại của cây cầu “Trường Xuân” do Nguyễn Bỉnh Khiêm đề chữ.
Năm 2015, với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.