Văn hóa tâm linh

Giếng làng

Giếng làng là nơi cung cấp chính nguồn nước cho sinh hoạt (nước nấu ăn - uống, nước tắm rửa…) của dân làng cùng một số mục đích khác.

458

Giếng làng là thành tố rất quan trọng trong đời sống làng Việt trước Cách mạng Tháng Tám 1945 và cho đến cuối thập niên 1970.

Thời phong kiến, do quan niệm về “long mạch” nên các làng Việt hạn chế tới mức cao nhất việc đào Giếng. Mỗi làng thường có vài ba Giếng, nhiều hơn là 7- 8 cái, tùy theo thế đất và sự phân bố dân cư, các xóm trong làng. Vì vậy, gọi là “Giếng làng”, song chỉ có 1 – 2 Giếng mang nghĩa đó (tức cả làng dùng chung một Giếng, thường là các làng nhỏ, cư dân bố trí co cụm); số còn lại là Giếng xóm, Giếng khu (Giếng cho một cụm xóm). Tuy nhiên, có làng có hàng vài chục Giếng, như làng Cổ Sở (gồm hai làng Yên Sở và Đắc Sở huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội hiện nay) có đến 73 chiếc giếng ; rất nhiều Giếng hiện vẫn được sử dụng, như làng Đắc Sở hiện còn 7/13 giếng đang dùng), các giếng đều có đường kính trên miệng 1,2m – 1,4m, độ sâu từ 4- 6m (Tư liệu điền dã, 1980, 2005). Cũng khá nhiều làng chỉ có một giếng, như làng Yên Lộ (nay thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) cả làng có 1.229 dân (năm 1926), sống tại 5 xóm, chỉ có một Giếng ở giữa xóm An Trinh và xóm Ngõ Đình, nước nhiều, trong và mát, pha trà rất ngon. Làng giao Giếng cho hội lão trông coi. Mãi đến năm Mậu Thìn (1928), mới có thêm một giếng ở xóm Ngõ Trại để dân xóm này không phải vào gánh nước tại giếng chính của làng (Tư liệu điền dã, 1995).

Giếng làng

Hầu như ở đại đa số các làng thuộc các dạng cảnh quan khác nhau, các Giếng làng thường tọa lạc ở những vị trí phong quang, sạch sẽ, có cảnh quan đẹp, non nước hữu tình, hoặc ở đầu làng, hoặc nơi trung tâm dân cư sinh sống, nơi có địa thế cao – thấp vừa phải so với xung quanh, không bị khô hạn về mùa nắng, và ngập lụt về mùa mưa; thường có nguồn nước mạch quanh năm, rất ít khi cạn kiệt, cả lúc hạn hán kéo dài hàng tháng và lên đến đỉnh điểm.

Về cấu trúc, có hai loại Giếng chính:

– Giếng đào, giếng xây: thường tọa lạc giữa khu dân cư một xóm, theo quan niệm phong thủy, không chạm vào long mạch của làng xóm; thông thường sâu từ 5 mét trở lên (tùy theo mạch nước ngầm tại đó). Xưa kia, khi đào giếng tới độ sâu cần thiết mà nguồn nước vẫn chưa mạnh, dân làng dùng ba cọc gỗ lim đóng sâu xuống tới mạch chính, nước sẽ phun lên dồi dào.

– Giếng tự nhiên, gồm Giếng đất (chiếm đa số): thường ở gần sông, ngòi hoặc hồ lớn, có thể hình thành tự nhiên (cũng có thể được đào từ xa xưa). Nguồn nước của Giếng thường được dẫn từ sông, ngòi gần đó hoặc mạch nước ngầm nên độ sạch của nước không được kiểm nghiệm, nhưng dân làng vẫn dùng từ bao đời. Các Giếng này thường có kích thước lớn, mặt bằng rộng (đường kính bờ Giếng tới 5 mét trở lên, nhiều Giếng rộng đến 10 – 15 mét, có khi lên đến 30 mét, như giếng làng Yên Lộ nêu ở trên), độ sâu tùy thuộc vào mạch nước ngầm chảy ra, song nhìn chung, sâu chừng 4 – 5 mét. Thành giếng là bờ đất tự nhiên hoặc được xây gạch hay đá ong; có bậc xây bằng gạch rộng chừng 2 mét để cho người xuống gánh nước. Dân làng thường thả bèo tổ ong xuống giếng để bèo hút bớt chất bẩn, thả một ít cá để cá ăn bọ gậy và cho nước trong.

Cũng là Giếng hình thành tự nhiên, thường ở nơi có địa thế đặc biệt, như dưới chân đồi, chân núi, ven một mạch nước gắn với mạch núi…, nên có những hình thù khác biệt, như hình vuông, hình chữ nhật, hình bát giác, hình bầu dục …, thậm chí có hình thù “kỳ dị”, như hình “bàn chân khổng lồ” (các Giếng ở xóm Mát và xóm Tròn, làng Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội), hay hình móng chân ngựa… như làng Yên Trường, xã Trường Yên, cùng thuộc huyện Chương Mỹ; làng này còn có tới 99 giếng cổ thiên tạo, lòng giếng lồi lõm, méo vẹo như những hang động bằng đá ong chứ không tròn trịa bằng phẳng; đến nay các giếng không bị khô cạn, vẫn được dân làng dùng làm nước sinh hoạt, kể cả nấu ăn.

Các Giếng đều gắn với tính thiêng. Hầu như làng nào cũng có lưu truyền giải thích về địa thế thiêng của khu đất có Giếng và vị trí thiêng của Giếng: là mắt rồng, hàm rồng, miệng rồng, trán rồng …, được coi là linh khí của làng, nên hết sức thiêng liêng. Rất nhiều Giếng được gắn với những truyền thuyết, huyền tích, huyền thoại. Trong khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) có đền Giếng, tương truyền là gương soi của hai công chúa Ngọc Hoa và công chúa Tiên Dung con Vua Hùng thứ 18. Ở di tích Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) có giếng Ngọc gắn với truyền thuyết chuyện tình của nàng công chúa Mỵ Châu, những viên ngọc rửa được rửa bằng nước giếng này sẽ trở lại sáng đẹp. Ở Thượng điện Linh Tiên quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội), có một Giếng nước nước giếng quanh năm trong, ngọt và múc mấy cũng không cạn; người dân lấy nước về cúng tế; người bị thương, ốm đau hay mệt mỏi khi dùng nước Giếng sẽ chóng bình phục, lành bệnh. Ở làng Cam Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội), hiện vẫn còn một giếng nước được dân trong vùng gọi là “Giếng xin sữa”. Dù giếng rất nhỏ, nhưng nước giếng luôn đầy và trong vắt. Những bà mẹ ở các làng trong vùng chẳng may thiếu sữa nuôi con thường đến làm lễ xin sữa, rồi uống nước giếng là có đủ sữa cho con bú. Ở vùng Đọi Sơn (nay thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), có 9 Giếng nằm bao quanh chân núi Đọi, nếu nối chúng lại với nhau theo một mạch vẽ thì tạo thành hình chữ Cửu; vậy nên dân trong vùng gọi là “Cửu long cửu tỉnh” (9 con rồng 9 cái giếng). Các Giếng nước hiện vẫn đựơc sử dụng và quanh năm không bao giờ khô cạn, được ví như những mắt rồng (Long nhãn). Đặc biệt, trên vạt núi đá Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh (Bắc Ninh), có một chỗ gọi là Giếng Việt. tương truyền, Trần Thế Pháp (thời Trần) đã viết “Truyện giếng Việt”, trong sách Lĩnh Nam chích quái, là nói về chỗ này.

Về cấu tạo của Giếng, các Giếng đất hình thành tự nhiên thường có thành và cả bờ thành bằng đất – như đã trình bày; còn phần lớn giếng được xây bằng chất liệu đá cuội, đá ong… từ đáy lên đến thành Giếng, vừa tạo thế vững chắc cho thành giếng, qua hàng trăm năm nay không bị sụt, lún; vừa góp phần “lọc” nước từ trong nguồn chảy ra, giúp nước trong, ngọt hơn. Nhiều Giếng có thành (hoặc miệng, có nơi gọi là cổ Giếng) là những khối đá tròn, phiến đá nguyên xếp lên nhau, đến nay vẫn in hằn những vết tích kéo gầu từ thời xưa. Giếng xóm Mát (làng Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội) là giếng tự nhiên, dưới lòng giếng là lớp đá ong tự nhiên, cũng có dáng hình bàn chân ngựa. Khá nhiều Giếng được lót các khối gỗ lim từ đáy lên, đến sát miệng mới kè đá ong hoặc đá xanh.

Ngoài Giếng của xóm hay một cụm xóm, chuyên phục vụ nước sinh hoạt cho các gia đình, còn có Giếng của đình, chùa. Các Giếng này cũng có thể dùng làm nước sinh hoạt, song chủ yếu dùng vào việc thờ cúng. Ở nhiều đình, chùa, đền miếu, trước mặt thường có một giếng để làm minh đường, cho nên những Giếng ấy trở thành linh thiêng và được giải thích là “mắt rồng, hàm rồng, tai rồng” v.v. Cạnh Giếng thường có một miếu thờ thần linh, được tỏa bóng bằng một cây bàng hoặc cây đa hay cây si, tạo thêm sự linh thiêng của khu vực Giếng.
Giếng nhìn chung cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng cư dân làng xã. Nhiều Giếng có nguồn nước “đặc biệt”, góp phần tạo ra những sản phẩm có tiếng cho làng, như hai làng Mai Động và Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội), nổi tiếng với món đậu phụ (đậu Mơ) và rượu (rượu Mơ) là nhờ được làm từ nước giếng ở làng. Hoặc ở làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội, có đặc sản miến So, màu trắng đục, sợi dai và giòn, khi nấu lên dù có đun quá lửa vẫn không bết vào nhau, sợi nào ra sợi ấy không đứt vữa; là do được làm từ bột dong giềng ngoài bãi kết hợp với nước của các Giếng chắt lọc qua bao tầng đất trên những quả đồi đất con kiến pha lẫn với cát sỏi, nước tinh khiết, ngọt và trong mát.
Rất nhiều làng, có Giếng, nước được “rước” trong lễ rước nước mở đầu kỳ hội làng và được dùng vào các nghi lễ thờ cúng ở đình, miếu trong năm. Cũng không hiếm các trường hợp, các đồ lễ dâng lên thành hoàng chỉ được dùng nước tại một Giếng nhất định, thậm chí có trường hợp, Giếng ở làng được người làng kề cận đến vo gạo và gánh nước về để đồ xôi, làm bánh, luộc gà làm lễ dâng lên thành hoàng.

Ngoài giá trị sử dụng thường ngày, nhiều trường hợp còn có giá trị lưu giữ hiện vật, đồ vật. Khi Gia Long lên ngôi (Nhâm Tuất, 1802), đã lệnh cho đục các chữ “Quang Trung, Cảnh Thịnh” trên chuông, khánh, dân nhiều làng bất tuân lệnh, đưa chuông, khánh xuống Giếng, đến khi lệnh trên đã “nhạt phai”, chuông, khánh được đưa lên, cọ sạch, chữ vẫn nguyên nét, tiếng vẫn ngân xa. Rất nhiều thời kỳ, nhiều làng bị giặc giã tràn vào làng đúng ngày Tết, dân làng đưa bánh xuống giếng, hàng tháng sau trở về, vớt bánh lên, nấu lại, bánh vẫn giữ được hương vị.
Rồi cả những đứa trẻ làng được lớn lên dưới sự bao bọc của giếng nước. Những buổi trưa hè trốn giấc ngủ trưa cũng lũ bạn nô đùa bên giếng, những buổi rong chơi lấm lem bùn đất về gột rửa dưới làn nước mát của giếng. Lũ trẻ cứ thế lớn lên theo thời gian dưới sự nuôi dưỡng của dòng nước giếng mát rượi.

Giếng làng cũng là nơi phản ánh các mối quan hệ làng xóm, chứa đựng các luồng thông tin của dân làng. Mỗi sáng sớm hay chiều về, nhà nhà, người người ra Giếng lấy nước về dùng, gặp gỡ nhau ở Giếng, trên đường đi gánh nước. Giếng làng là nơi dân làng, dân xóm tụ họp chia sẻ sau một ngày làm việc mệt nhọc. Những câu chuyện, những thông tin về người làng sau một ngày, bắt đầu từ cổng làng, rồi lan về Giếng xóm, Giếng làng và tỏa ra khắp nẻo, được chia sẻ, bình phẩm, có giá trị như một luồng thông tin. Giếng nước gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm làng trên xóm dưới, thậm chí giữa hai làng kề nhau: Giếng làng này hết nước, dân làng có thể sang làng kế bên xin.

Giếng làng

Giếng làng cũng là “điểm khởi đầu” cho tình cảm của biết bao đôi trai gái. Những lúc rỗi rãi, thanh vắng ban ngày, một hai cô gái quê đứng bên bờ Giếng soi gương, khiến cho khối chàng trai “nhìn lén”. Buổi sáng hoặc buổi chiều, các thôn nữ hai bên hai thúng nước, khi đi ra Giếng nhẹ nhàng, lúc về, dù hai bên hai thúng (hoặc thùng) đầy nước, nhưng vẫn không làm mất đi dáng thon thả con ong, quần xắn lộ đôi bắp chân trắng ngần, khiến không ít chàng trai thầm yêu trôm nhớ. Giếng cũng là nơi trai, gái hẹn hò, có những đôi nên duyên vợ chồng nhờ gặp nhau bên giếng nước.

Giếng nước, cùng với cây đa, mái đình, cổng làng hợp thành cảnh quan vật chất, hài hòa, bình dị và thân thiện của làng quê.

Trong tổng thể cấu trúc tâm linh ở làng quê, nếu cây đa có thần, chùa có Phật, thì giếng nước có thủy thần, có thần mẹ nước. Với đình làng ở vị trí trung điểm, tượng trưng cho uy lực thần thánh; cây đa vươn lên trời tượng trưng cho tính dương, giếng nước lõm sâu vào đất tượng trưng cho tính âm, có nơi cây đa còn soi bóng xuống giếng nước hay bến nước, tạo nên sự hài hòa âm dương của vũ trụ.

Những giá trị văn hóa tinh thần của Giếng được người dân kết tinh lại trong văn thơ, ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, đi vào nghệ thuật bằng những ngôn từ hình ảnh mộc mạc thân quen.

Giếng làng được xem là một trong những biểu tượng cho “hồn, mạch” của làng, tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn, sức sống của dân quê. Bởi vậy, Giếng được bảo vệ cẩn thận, ai làm vấy bẩn bị phạt (phạt tiền, hoặc bắt tôi lại giếng). Gần như thành tục lệ của đa số các làng, vào một ngày cuối năm, dân làng (hoặc dân xóm dùng Giếng đó) tổ chức làm vệ sinh giếng (thường kết hợp với vệ sinh đường làng ngõ xóm) mà không mấy ai dám “trốn tránh”. Mỗi khi Giếng bị sạt lở do thiên tai (cùng với miếu ở cạnh Giếng xuống cấp), dân làng cùng nhau góp tiền của, công sức để tôn tạo và mỗi lần như vậy, đều có văn bia ghi lại, nêu tên những người đóng góp.

Ngày nay, các Giếng đất hầu như không được sử dụng. Phần lớn các làng lấp bỏ giếng. Một số làng giữ lại Giếng (có sửa sang lại khang trang) vì lý do tín ngưỡng hoặc giữ lại kỷ niệm của quá khứ, như điểm tô thêm nét truyền thống của làng quê đang được hiện đại hóa. Phần lớn các gia đình dùng nước giếng khơi, nước giếng khoan hoặc nước mưa chứa trong các bể được xây rộng rãi và kiên cố. Một bộ phận đông các làng đã được sử dụng nước máy.

(Trích trong “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” của tác giả, Nxb. CTQG, 2022)

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm