Sự tích Vua Cha Bát Hải Động Đình
Tục truyền rằng, vào đời Hùng Vương thứ 18, nước nhà bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình đã điều động binh hùng tướng giỏi để chống giặc. Xong thế giặc mạnh, quân triều đình không chống đỡ nổi đành phải lập đàn triệu Linh Sơn Tú Khí về giúp sức dẹp giặc. Long Cung Hoàng Thái Tử (tức Giao Long – con của Lạc Long Quân và người thiếp Ngọc Nữ) đã đầu thai vào một gia đình vùng cửa sông Vĩnh thuộc Trang Hoa Đào, đất Việt (xã An Lễ, Quỳnh Phụ bây giờ) phò vua đánh giặc.
Ngài cùng 2 người em, 10 tướng (quan lớn Thượng, quan Đệ tam, quan Đệ tứ… quan Điều thất (ông Hoàng Mười), quân sư quê ở Nuồi (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), 28 vị nội tướng và binh sĩ, chỉ trong 3 ngày xuất quân đã đánh tan giặc trên 8 cửa biển phía tây nước Nam. Đất nước thái bình, ngài được sắc phong “Trấn Tây An Nam Tam Kỳ Linh Ứng – Vĩnh Công Đại vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Sau đó, Ngài xin về quê trông nom thân mẫu, khai khẩn vùng duyên hải, chiêu dân lập ấp, giúp vua Hùng giữ yên 8 cửa biển Lạc Việt.
Ngày 25/8 Âm lịch, năm Bính Dần, Vĩnh Công thác về trời. Để ghi nhớ công ơn ngài, người dân trong vùng đã tôn ngài là “Vua cha – Bát Hải Đại Vương”, coi ngài như cha mẹ của dân.
Vua Hùng thương xót, đã cho tu sửa dinh thất của Vĩnh Công thành miếu điện thờ tự hương hỏa cho Vĩnh Công mãi mãi. Từ đó, nhân ngày giỗ Vĩnh Công, các tướng lại tề tựu tại Trang Hoa Đào, dâng hương và tổ chức các hình thức kỷ niệm ngày đại thắng như trước đây. Lâu dần thành lệ, hội tháng 8 Âm lịch đã truyền đến tận ngày nay.
Nhân dân địa phương truyền rằng, đền thờ Vĩnh Công Đại vương Bát Hải Đông Đình từ xa xưa đã nổi tiếng linh ứng. Ngài được coi là Thượng Đẳng Thần của đất Lạc Việt. Hội tháng 8 Âm lịch tại đền, hội tụ muôn phương dân Việt về chiêm bái lễ cầu. Câu thành ngữ dân gian: “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ” chính là để chỉ Hội tháng 8 ở đền Đồng Bằng. Đây được coi là nơi “đi trình về tạ” của các bản Hội tín ngưỡng trong toàn quốc từ xa xưa.
Đền Đồng Bằng thờ Vua Cha Bát Hải
Đường đi đến Vua Cha Bát Hải – Đền Đồng Bằng
Xuôi đường 10 đi Hải Phòng, dừng chân bên cầu Vật thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình du khách sẽ bị cuốn hút trước một công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy đứng khiêm nhường bên dòng sông cổ Mai Diêm đầy ắp huyền thoại mang tên là đền Đồng Bằng – ngôi đền rất cổ có đến 4000 năm tuổi.
Đền Đồng Bằng tọa lạc ở mảnh đất thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ – một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ XIII. Nơi đây còn âm vang khí thế hào hùng oanh liệt của quốc gia Đại Việt chống giặc Nguyên Mông.
Theo thuyết phong thủy, đền tọa lạc trên thế đất đẹp cát vượng, hổ chầu, lăng tụ biểu tượng cho sự bền vững và hưng thịnh. Sự pha trộn giữa phong cách kiến trúc truyền thống Bắc Bộ và kiến trúc Huế đã tạo nên nét độc đáo của đền Đồng Bằng. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm, âu cũng là sự giao thoa văn hóa và càng làm gia tăng vẻ đẹp mê hồn của ngôi đền độc nhất vô nhị trên vùng đất này.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, giặc dã tàn phá song đền vẫn giữ được nét xưa. Hiện toàn bộ khu di tích đền Đồng Bằng có diện tích khoảng 20520 mét vuông, với một quần thể gồm: đền Đức Vua Cha và đền Sinh, đền quan Đệ Nhị, đền quan Đệ Tam, đền quan Điều, đền quan Đệ Bát.
Đền có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ, là một công trình kiến trúc đồ sộ với tầng tầng, lớp lớp các cung của 13 tòa, 66 gian liên hoàn khép kín với các nét trạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối đại tự sơn son thiếp vàng. Từ khi được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1986, đền đã được các cấp ủy đảng, chính quyền cùng du khách phát tâm, góp công tôn tạo ngày càng uy nghi, tráng lệ hơn.
Khai hội đền Đồng Bằng – Ngày lễ Đức Vua Cha
Đã thành thông lệ hàng năm, đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 Âm lịch. Trong lễ hội ngoài phần “lễ” là các nghi thức tế thần, dâng hương, diễn lại tích xưa Đức Vua Cha đi đánh giặc, còn phần “hội” với nhiều trò chơi mang đậm tính dân gian như: hát văn, kéo co, bơi trải, chọi gà, cờ tướng… thu hút rất đông người dân tham gia.
Về với lễ hội Đồng Bằng, du khách không chỉ bái vọng mà còn được tham quan, chiêm ngưỡng nhiều đồ tế khí có giá trị, cùng các bài vị từ thời Nguyễn, những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo như: cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự… từ thời vua Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Mỗi năm, đền Đồng Bằng đón hàng chục vạn lượt khách thập phương trong và ngoài nước đến thăm quan, chiêm bái. Mỗi người đến đây đều mang tâm trạng, nỗi niềm riêng nhưng có lẽ tất cả đều gặp nhau ở chung một điểm đó là lòng thành kính hướng về Đức Vua Cha.