Văn hóa tâm linh

Sự tích Lạc Long Quân

Lạc Long Quân (2825 TCN-?) tên húy là Sùng Lãm, là con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục với con gái của Động Đình Quân Thần Long.

899

Lạc Long Quân được xem là vị vua của nhà nước sơ khai Xích Quỷ trước nhà nước Văn Lang. Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết “bọc trăm trứng”.

Lạc Long Quân có thể là danh hiệu truyền lại trong dã sử của một tù trưởng đã có công trong việc đi đến thống nhất các bộ tộc người Lạc Việt. Con trai ông là tù trưởng bộ lạc Văn Lang đã thống nhất thành công 15 bộ lạc, thành lập nhà nước Văn Lang, xưng hiệu Hùng Vương đời thứ nhất.

Thân thế của Lạc Long Quân

Kinh Dương Vương đời thứ 12, đi tuần thú đến vùng núi Lĩnh Nam, đóng lại đó rồi cưới Vụ tiên nữ, sau sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên Lộc Tục. Một ngày nọ, Kinh Dương Vương gọi Lộc Tục và con trai cả của mình là Lộc Nghi đến hỏi: Hai con nghĩ ai trong hai con xứng đáng làm vua nước Xích Quỷ?

Lộc Nghi kiêu ngạo tự nhận là mình, còn Lộc Tục thì khiêm tốn bảo anh trai mình xứng đáng hơn. Sau đó khi nghe câu trả lời của hai người con, Kinh Dương Vương quyết định nhường ngôi báu lại cho Lộc Tục. Từ ngày đánh mất ngôi vua thì Lộc Nghi ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên. Đợi đến khi cha mình mất thì Nghi đã liên kết cùng Thần Nông Thị dẫn quân đánh nước Xích Quỷ, quyết giành lại những thứ thuộc về mình. Kết quả Lộc Nghi tử trận còn Thần Nông Thị bị đánh bại rồi từ đó suy yếu cuối cùng bị Hoàng Đế tiêu diệt.

Trong một lần Mẫu Thoải du ngoạn biển Đông đã bắt gặp một con rắn có bốn chân và một cặp sừng trên đầu. Thích thú trước hình dạng lạ kì của nó, bà liền thu phục và biến nó thành thú cưỡi của mình, đặt tên là Thần Long. Sau này Thần Long lập được nhiều công lớn, được đích thân Ngọc Hoàng cho hóa thành hình người, phong làm vua Hồ Động Đình phụ giúp Mẫu Thoải cai quản bốn biển nên người đời sau thường gọi ông là Tứ Hải Long Vương.

Thần Long có một người con gái xinh đẹp tên là Long Nữ, được gả cho Lộc Tục làm vợ. Nàng sinh ra cả thảy chín người con, trong đó có Sùng Lãm hay còn gọi là Lạc Long Quân. Để tìm người kế vị xứng đáng, Lộc Tục bèn chia nước Xích Quỷ của mình thành chín phần đem giao cho chín người con cai quản, dự định chọn ra người giỏi nhất làm vua đời tiếp theo.

Nào ngờ trong một lần đi săn thì Lộc Tục bị hổ cắn chết. Sau khi ông chết thì các con không ai nhường ai đều xưng là Kinh Dương Vương, cho mình là người xứng đáng thừa kế ngôi báu của cha. Chỉ có Lạc Long Quân từ chối ngôi báu, chấp nhận lui về sống ở vùng đất Bắc Việt xa xôi ở tận phía nam. Từ đó nước Xích Quỷ chính thức bị chia thành chín nước nhỏ không bao giờ hợp nhất lại được nữa. Từ chín nước nhỏ tiếp tục bị chia cắt nhiều hơn tạo thành Bách Việt.

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ (con gái của Đế Lai)

Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, đôi khi trở về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! Sao không lại cứu chúng tôi!”. Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi. Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai cai trị Bắc phương. Nhân khi thiên hạ vô sự bèn sai quần thần là bọn Xuy Vưu thay mình trông coi quốc sự rồi đi tuần xuống nước Xích Quỷ ở phía Nam.

Khi đó, Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước không có chúa. Đế Lai bèn để ái nữ là Âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành tại rồi đi chu du thiên hạ, ngắm các nơi danh lam thắng cảnh. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, ngọc ngà vàng bạc… các thứ đá quý, các cây trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì, khí hậu bốn mùa không lạnh không nóng, Đế Lai rất ái mộ, vui quên trở về. Dân phương Nam khổ vì bị người Bắc phương quấy nhiễu, không được yên sống như xưa mới cùng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu phương dân”.

Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ có dung mạo đẹp đẽ kỳ lạ, trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên phong tư tú lệ, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống. Cung điện tự nhiên dựng lên. Âu Cơ vui lòng theo Long Quân. Long Quân giấu Âu Cơ ở Long Đài. Nham Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông biến hóa thành trăm hình vạn trạng yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về. Truyền ngôi đến đời Du Võng, thì Xuy Vưu làm loạn. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên đem chư hầu tới đánh nhưng không được.

Sự tích Lạc Long Quân

Xuy Vưu mình thú mà nói tiếng người, có sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hiên Viên dùng trống da thú làm lệnh, Xuy Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Đế Du Võng xâm lăng chư hầu, cùng Hiên Viên giao binh ở Phản Tuyền đánh ba trận đều bị thua, bị giáng phong ở đất lạc ấp rồi chết ở đó. Giòng họ Thần Nông tới đây thì hết. Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc.

Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng: “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này”. Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: “Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình”. Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ra. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”.

Chiến công diệt Ngư tinh

Ở biển Đông có con tinh ngư xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ. Thuở ấy có hòn đá Ngư Tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, ở dưới đá có hang, Ngư Tinh sống ở trong đó. Vì sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở một đường đi khác nhưng đá rắn khó đẽo. Thuyền của nhân dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh làm hại.

Đêm kia có bọn người tiên đục đá làm đường đi để cho hành nhân có chỗ qua lại. Ngư Tinh bèn hóa làm con gà trắng gáy ở trên núi. Quần tiên nghe tiếng ngỡ rằng đã rạng đông bèn cùng bay lên trời. Lạc Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỷ Dạ Thoa ở Thủy Phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá.

Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên trên núi nay chỗ đó gọi là Bạch Long Vĩ, còn cái đầu trôi ra ngoài bể biến thành con chó. Long Quân bèn lấy đá ngăn bể rồi chém nó. Nó biến thành cái đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu Sơn. Thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thủy (còn gọi là Cẩu Đầu Thủy).

Chiến công diệt Hồ tinh

Thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên là Thăng Long rồi đóng đô ở đấy, ngày nay tức là thành Kinh Hoa vậy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà.

Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng. Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên gọi là Bạch Y Man (mán áo trắng). Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là “đầm xác cáo” (tức Tây Hồ ngày nay).

Sau lập miếu (tức Kim Ngưu Tự) để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm