Hiện nay, Đền Cô Tám đã bắt đầu sửa chữa, trùng tư lớn vào đầu năm 2016. Toàn bộ ngôi đền cũ đã được đập ra và xây mới hoàn toàn. Vị trí ngôi đền cũ được chuyển dịch sang phía bên phải nếu nhìn từ ngoài vào.
Đền đang được xây dựng bởi sự hảo tâm phát tâm công đức của một số con nhang, đệ tử và nguồn của xã. Nghe nói có hai nhà hảo tâm lớn đã quyên đến hàng chục tỷ đồng để xây dựng Tam quan và ngôi đền. Hiện nay, đền Cô đang được xây dựng, rất mong được sự hảo tâm cung tiến của các con nhang, đệ tử để đền Cô được khang trang, tố hảo.
Cô Tám Đồi Chè là ai?
Hiện nay, thân thế về Cô Tám Đồi chè hầu như có rất ít tài liệu. Thân thế về Cô chủ yếu là do tương truyền. Theo tương truyền Cô giáng sinh tại vùng Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa vào thời Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Sinh thời cô là một thiếu nữ đảm đang, tần tảo, nết na và hay hái chè xanh làm thuốc chữa bệnh cho dân chúng quanh vùng. Cô có công lớn giúp vua Lê Lợi trong đánh đuổi giặc Minh. Khi Cô hóa về trời, Cô được vua Lê phong công lập đền tại vị trí đền ngày nay. Trong Tứ phủ Thánh Cô cô là Cô thứ Tám, nên nhân dân gọi Cô là Cô Tám Đồi Chè.
Lại có tích nói rằng cô vốn là thiếu nữ người Mường (có tích lại nói cô là người Kinh).
*Chú ý: Cô Tám Đồi Chè không phải là Cô Tám theo hầu Chầu Tám Bát Nàn. Mọi người tránh nhầm lẫn.
Cô Tám Đồi Chè có hầu đồng không?
Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Tám Đồi Chè hiếm khi về ngự đồng. Cô Tám Đồi Chè ngự đồng thường mặc áo xanh quầy đen (đôi khi có nơi là áo tím hoa cà). Cô Tám cũng khai quang sau đó múa mồi, sau đó thường là múa tay tiên các điệu như người đi hái chè trên non.
Đền thờ Cô Tám Đồi Chè
Đền thờ chính của Cô được thờ riêng tại đền cô thuộc đất Phong Mục, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra tại Đại Từ, Thái Nguyên cũng có một đền thờ vọng Cô Tám Đồi Chè, trước đây hết sức lụp sụp, nhưng nay do nhiều người hảo tâm công đức nên hiện nay khá khang trang, sạch đẹp. Cô Tám Đồi Chè còn được phối thờ ở một số đền, nhưng không nhiều.