Tứ Phủ Thánh Mẫu

Chầu Tám (Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung)

Chầu Tám Bát Nàn còn được gọi là Chầu Bát Nàn hay Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung, là vị Thánh Chầu thứ 8 trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu.

1694

Chầu Tám Bát Nàn là vị thánh Chầu thuộc miền Thượng ngàn, đứng sau Chầu Bảy Kim Giao và trước Chầu Chín Cửu Tỉnh.

Thần tích về Chầu Tám Bát Nàn

Chầu Tám Bát Nàn giáng hạ dưới thời nước ta còn trong ách đô hộ của nhà Đông Hán, với tên gọi là Vũ Thị Thục Nương, con gái của thầy thuốc Vũ Chất, nguyên quán ở Phượng Lâu, Bạch Hạc nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Thần tích vẫn còn lưu truyền về gia đình dòng họ Vũ vốn thuộc dòng hào phú vùng Phượng Lâu, một hôm ông Vũ Chất đi dạo chơi qua ngọn núi nọ thấy ngôi miếu thờ Sơn Tinh Công Chúa được lập từ thời thượng cổ, nay hoang tàn đổ nát, ông thành tâm liền huy động nhân dân quanh vùng góp tiền của công sức để tu sửa lại ngôi đền khang trang hơn. Khi về đến nhà chợt nằm mộng thấy có người tiên nữ đến xin làm con để trả ơn đã sửa đền. Liền đó, vợ ông thấy gió thu thổi, rồi có bóng người tiên nữ hiện ra trong làn hoa rơi trước cửa, kế đến thái bà thụ thai, đến ngày rằm tháng tám thì hạ sinh được chầu bà.

Lớn lên Vũ Thị Thục Nương là người xinh đẹp đảm đang lại giỏi cung kiếm. Thái Thú Giao Châu lúc bấy giờ là Tô Định đem lòng si mê, muốn cùng bà kết duyên nhưng bà không chịu. Hắn bèn sai người giết hại cha bà cùng với lang quân của bà là Phạm Danh Hương. Thù nhà nợ nước, bà bèn tập hợp quân dân phất cờ khởi nghĩa. Vào năm 40 (sau công nguyên), chầu hội quân cùng với Hai Bà Trưng đánh đuổi được quân xâm lược Đông Hán.

Cũng trong tích này còn lưu truyền câu chuyện, khi dấy binh khởi nghĩa ở Tân La thì chầu bà đã nghe tiếng Hai Bà Trưng hiệu triệu, nhưng còn băn khoăn chưa biết có nên tập hợp nghĩa quân cùng với Hai Bà Trưng không, thì vào đêm đó chầu nằm mơ thấy nữ thần vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trao cho chầu bà lá cờ thần và khuyên chầu hội nghĩa theo Hai Bà Trưng phất cờ dẹp giặc, và Chầu đã làm theo ý trời về Mê Linh tụ nghĩa. Chầu được Bà Trưng Vương phong cho là Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân, cùng chầu Bảy Kim Giao và Lê Chân Tướng Quân (Thánh Thiên Công Chúa) trấn giữ miền duyên hải từ Hải Phòng đến Thái Bình.

Năm 43 (sau công nguyên), sau ba năm nước nhà độc lập, quân Đông Hán dưới quyền chỉ huy của Mã Viện, quay lại xâm chiếm nước ta, bà cùng với Hai Bà Trưng kiên cường đánh trả, nhưng do thế yếu cuối cùng chầu cũng theo gương Hai Bà, trẫm mình để bảo toàn khí tiết. Thi thể của Chầu trôi dạt đến đâu nhân dân lập đền thờ ngài ở đó.

Chầu Tám Bát Nàn có ngự đồng không ?

Chầu Tám là vị thánh chầu thường hay giá ngự về đồng, nhất là trong những dịp tiệc vui hoặc khi về đền chầu.

Giá hầu đồng Chầu Bát

Khi ngự đồng Chầu Bát thường mặc áo màu vàng đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) màu vàng, có dải von hoặc vỉ lét thắt dải buộc, sau lưng dắt kiếm và cờ lệnh như khi ra trận.

Chầu là võ tướng vì vậy sau lễ tấu hương và khai quang múa kiếm cờ như quan lớn.

Đền thờ Chầu Tám Bát Nàn

Đền thờ Chầu Tám Bát Nàn có ở rất nhiều nơi, nổi tiếng nhất có Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là nơi nhân dân chịu ơn Chầu và cũng là nơi di thể chầu trôi về, nên ở đây chầu còn được tôn xưng là Mẫu Tiên La. Tại đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện khi Chầu Bát đã thác hóa ở trên ngàn, chầu còn hóa phép đốn cây rừng, đóng thành bè gỗ theo dòng trôi về bến sông gần đền Tiên La rồi báo mộng cho người thủ đền cùng dân quanh vùng ra đón bè về để tu sửa đền.

Chầu Tám (Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung)

Đền Chầu Tám Đồng Mỏ thuộc thị trấn Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn tương truyền là nơi chầu hóa.

Đền Tân La ở Dốc Lã thuộc tỉnh Hưng Yên là nơi chầu Bát đóng quân.

Đền Tiên La (đền vọng) hay còn gọi là Đền Tám Gian tại đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cũng là nơi di hài Chầu Tám trôi về, tại đây bà còn được tôn xưng với tên Chúa Bát Nàn.

Ngoài ra còn rất nhiều đền khác trong tỉnh Thái Bình và nơi quê nhà của Chầu Tám ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày tiệc Chầu Tám Bát Nàn

Ngày tiệc của Chầu Bát là ngày 17 tháng 3 Âm lịch (đây là ngày chầu hóa)

Chầu Tám (Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung)

Bản Văn Chầu Tám Bát Nàn

Phúc lành có được duyên nay
Về đây mới biết chuyện ngày xa xưa
Có tâm Phật Mẫu dẫn đưa
Con về Chầu Bát quỳ thưa lễ người.

Đủ đầy trái ngọt, hoa tươi
Lòng con thành kính xin người chứng tâm
Gió đưa thoảng mát hương trầm
Đền Chầu tĩnh tọa sơn lâm ngút ngàn.

Sắc phong “Đại tướng Bát Nàn”
Danh tên nữ tướng, Vương ban lưu truyền.
Rằng xưa thời trước công nguyên
Chầu là tiên nữ trên thiên giáng trần

Mười lăm tháng tám giờ dần
Làm con họ vũ, tảo tần nết na
Lớn lên xinh đẹp tài hoa
Đoan trang dáng ngọc sương sa cửu tuyền.

Trời se số phận tơ duyên
Lấy người họ Phạm Danh Hương cũng là
Tình nồng đang thắm mặn mà
Ngờ đâu tan vỡ lệ nhòa trời xanh

Oan tình sao phận mỏng manh
Phải đâu nhan sắc mà thành chia ly.
Nguyên do Tô Định mê si
Yêu nàng không được mới thì ra tay

Hại đi hai mệnh thân này
Chồng, cha nghĩa nặng ơn dày đã xa
Oan này nợ nước thù nhà
Chuyên binh luyện sĩ để mà cứu dân

Ngày đêm luyện tập chuyên cần
Đợi ngày tụ nghĩa xa gần xem sao
Trưng Vương khởi nghĩa cờ đào
Chầu theo phụng sự cùng vào quân binh

“Lê Chân” thống lĩnh đội hình
Dẹp tan Tô Định quân binh tụ về
Chầu đi tu ở chùa quê
Tiên La-niệm Phật say mê tháng ngày

Cầu Trời đất nước đổi thay
Dân không cực khổ tâm này mới yên
Dã tâm giặc chẳng từ hiền
Khởi binh xâm lược cậy quyền mạnh đông

Vận nhà đất nước chờ trông
Ai người ra giúp để trông cậy nhờ
Hai bà Trưng đã dựng cờ
Nữ nhi Chầu cũng chẳng mờ lòng trung

Quyết đem tài trí anh hùng
Đánh quân Mã Viện, kiên trung ngoan cường
Máu đào áo đỏ thê lương
Thế quân giặc mạnh khó lường ai hay

Thôi thì đâu tiếc thân này
Bao năm trần giới một ngày về thiên
Chầu hóa về khắp mọi miền
Dân ơn dựng lập đền thiêng phụng thờ

Phượng Lâu – Vĩnh Phú là quê
Hưng Yên – Dốc Lã dựng cờ đóng quân
Thái Bình – Tiên La cũng gần
Hải Phòng Đền vọng di thân dạt về

Đền thờ Chầu khắp miền quê
Linh thiêng tố hảo Chầu về hiển linh
Vân khăn đai thắt quanh mình
Kiếm vàng cờ lệnh quân binh rõ ràng

Phất cờ quân xếp đôi hàng
Lệnh truyền kiếm chỉ, trông càng uy linh
mấy ai rõ được sự tình
Tháng ba mười bẩy hóa sinh cõi trời.

Địa danh Đồng Mỏ chính nơi
Lưu truyền sự tích cho đời mai sau.
Về Chầu đường chẳng xa đâu
Ngã ba thị trân đường tàu ngang qua,

Đồi cao trên đỉnh cung tòa
Uy linh tố hảo thật là trang nghiêm,
Long xà hổ phục đôi bên
Nhất tâm nhất đạo tìm lên mà về.

Đền Chầu cảnh đẹp say mê
Ai lên tìm đến ra về chẳng quên
Muốn cho tốt đẹp dài bền
Về Chầu mà nguyện sớ tên mà trình

Chầu về hiện giáng uy linh
Độ ban tài lộc đời mình đẹp tươi
Ước mong tâm nguyện tròn mười
Vinh sang cuộc sống đẹp tươi cho mình

Phải đâu duyên phận hữu tình
Về Chầu được phúc cho mình sáng ra
Quanh năm tần tảo ở nhà
Không bằng một buổi đi xa về Chầu

Đức tin mãi nguyện một câu
A Di Đà Phật in sâu tâm mình.

5 ( 1 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Kinh Mẫu Thượng Thiên

30/05/2021 09:00 3184

Sự tích Cậu Bé Đồi Ngang

17/06/2021 09:00 3041

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm