Vị trí Đền Cả
Từ thành phố Vinh theo Quốc lộ 1A đi vào hướng Nam, đến đầu địa phận thị xã Hồng Lĩnh (đến Đê La Giang, cách Ngã tư trung tâm thị xã Hồng Lĩnh khoảng 3km về phía Bắc), sau đó rẽ phải theo dọc Đê La Giang thêm 2km đến Cống Trung Lương, nằm ngay cạnh Cống Trung Lương là Di tích Đền Cả.
Ý nghĩa tên gọi Đền Cả
Đền Cả còn có các tên gọi khác như: Dinh đô quan Hoàng Mười hay là Mỏ Hạc Linh Từ. Trước đây, Đền là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là “Đền Cả” (cả nghĩa là cao nhất, lớn nhất, đứng đầu trong loại). Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền.
Ngoài ra, Đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông (Sông Lam, Sông La và Sông Minh), được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất hình con Hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là một vùng đất linh thiêng.
Quy mô Đến Cả
Theo tư liệu lịch sử và tư liệu truyền ngôn thì Đền được hình thành cách đây trên 800 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ “Nhất”; bao gồm: Nhà Thượng điện, Trung điện, Hạ điện và Hậu cung (hay còn gọi là cung cấm). Các cụ cao tuổi trong vùng cho biết thì trước những năm 1950, tại đây vẫn còn hiện hữu một ngôi đền rất lớn với ba tòa được làm bằng gỗ có chạm khắc cầu kỳ, có hai cột nanh lớn và các cặp voi đá, ngựa đá được tạc giống như thật với niên đại hàng trăm năm, nặng hàng tấn, xung quanh được trồng tre và những cây cổ thụ che chắn, rất trầm mặc, uy nghiêm.
Đến khoảng đầu năm 1960, do nằm ngoài đê, lại sát với mép Sông Lam nên Đền Cả dần bị lũ lụt cuốn trôi. Ban đầu là làm đổ cột nanh, sau lấn dần làm hư hỏng Tắc môn, nhà Hạ điện và các hiện vật trong đền như lư hương, tượng ông phổng, tượng quan văn, quan võ, đồ tế khí…bị cuốn trôi, cát vùi lấp. Vì vậy nên đến khoảng năm 1962 – 1963, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn ác liệt nhưng chính quyền địa phương vẫn huy động sức dân để di dời phần còn lại của Đền Cả là nhà Trung điện vào trong đê để làm trường học. Nhà Trung điện này sau đó đến năm 2002 – 2003 thì được đưa về dựng tại đền Tiên Sơn.
Trước đó, vào năm 1996, chính quyền địa phương cũng đã cho di dời các cặp voi, ngựa đá vào dựng tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và sau đó đến năm 2012 lại đưa sang đặt tại Tiên Sơn. Chính vì lẽ đó nên hiện nay tại đền Tiên Sơn vẫn còn tòa nhà Trung điện và các cặp voi đá, ngựa đá của Đền Cả rất đẹp.
Đến khoảng năm 2000 thì Đền Cả bị phế tích hoàn toàn, chỉ còn lại dấu vết của nền đền, chân móng cột nanh, ban thờ công đồng…Năm 2014, được sự cho phép của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng sự đóng góp công sức của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm và nhất là bà con nhân dân trên địa bàn nên các hạng mục cơ bản của Đền Cả đã dần được khôi phục.
Đền Cả thờ quan Hoàng Mười
Cũng như những ngôi đền khác, Đền Cả được nhân dân phối thờ chung nhiều vị Thần; trong đó có cả Thiên thần, Nhân thần và Nhiên thần. Cụ thể: Ngoài vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười thì Đền còn thờ thần Tam Lang, hay Bà Lê Thị Ngọc Dung, con gái nuôi của Vua Lê Lợi.
Về truyền thuyết ông Hoàng Mười xứ Nghệ, tương truyền ông Hoàng Mười là một trong Thập vị Ông Hoàng, là con của Long Thần Bát Hải Đại Vương ở Hồ Động Đình (Trung Quốc). Trong kho văn chầu Tứ phủ có bài Thập vị Hoàng tử văn giới thiệu mười Ông Hoàng là những vị thần có hành trạng như sau:
Ông Hoàng Cả vua sinh ra đầu
Ông Hoàng Đôi vua sinh ra sau
Ông Hoàng Ba giữ việc đế vương
Ông Hoàng Tư làm chức thủy cung
Ông Hoàng Năm giữ ở đền rồng
Ông Hoàng Sáu trấn ở Hải Hà
Ông Hoàng Bảy làm nên gió, giật mưa sa
Ông Hoàng Tám cứu dân
Ông Hoàng Chín trấn ở đền Cờn
Ông Hoàng Mười làm quan Phủ Giày
Mặc dù vậy, ở các địa phương, mỗi Ông Hoàng lại được gắn với một nhân vật lịch sử khác nhau. Ông Hoàng Cả còn gọi là Hoàng đệ nhất hay Hoàng Quận là danh tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, rồi làm quan dưới đời vua Lê Thái Tổ. Ông Hoàng Đôi (Hoàng Hai) với 2 nơi thờ mang những gốc tích khác nhau: Ông Hoàng Đôi ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) là người Mán có công chống giặc bảo vệ dân lành, ông Hoàng Đôi ở xứ Thanh lại đồng nhất với quan Hoàng Triệu, người có công mở mang đất đai giúp dân sinh sống. Ông Hoàng Ba (Hoàng Bơ Thoải) với hình tượng cưỡi ngựa trắng, đeo cung tên, cầm khiên vàng, là một người toàn tài văn võ đã có công phò vua đánh giặc. Đền thờ ông ở xã Lãnh Giang, tục gọi là đền Lảnh (Hà Nam). Ông Hoàng Tư và Ông Hoàng Năm ở lại cõi Nước, không hiện lên chốn trần gian. Ông Hoàng Lục được gắn với Trần Lựu có công chống giặc Minh; ngoài ra ở Quảng Xương (Thanh Hóa), Ông Hoàng Sáu được ghép với Trần Nhật Duật là một vị tướng trí dũng toàn tài thời Trần. Ông Hoàng Bảy (Ông Hoàng Bảy Bảo Hà) là viên quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái. Ông Hoàng Tám còn được gọi là ông Bát Nùng là người Nùng. Ông Hoàng Chín được thờ ở Đền Cờn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông Hoàng Mười trong truyền thuyết là một nhiên thần, là vị thần gắn với sông nước nhưng trong tâm thức người dân xứ Nghệ, ông Hoàng Mười đã được nhập thế trở thành con người cụ thể, mà trong bài chầu văn có viết:
Ông Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An
Ra huyện Thiên Bản làm quan Phủ Giày.
Tuy nhiên, việc ông Hoàng Mười làm quan Trấn thủ ở đây không phải là quan cai trị trong trấn, phủ hành chính mà theo quan niệm dân gian ông coi sóc trấn Nghệ An về mặt tâm linh, Phủ ở đây là một Cõi trong Tứ phủ và Tam phủ trong không gian vũ trụ gồm: Cõi trời, cõi đất, cõi nước, cõi non và Phủ Giày là một địa điểm thờ các vị thánh Mẫu của bốn Cõi ấy. Theo thời gian, Ông Hoàng Mười đã được người dân xứ Nghệ lịch sử hóa, địa phương hóa, với các danh thần đã có công lao với vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử, đó là con người có chí khí nam nhi đại trượng phu, có tài văn võ, rất gần gũi với dân chúng, biết lo lắng cho cuộc sống của muôn dân. Một số dị bản cho rằng: Ông Hoàng Mười là hiện thân của Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, vị tướng tài thời nhà Lê; dị bản khác thì, ông Hoàng Mười là hiện thân của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ từng làm Tri châu Nghệ An đã có nhiều công lao và lưu lại dấu ấn sâu đậm tại vùng đất Nghệ – Tĩnh. Ngoài ra ông Hoàng Mười là hiện thân của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí, là một danh thần kiệt xuất có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh và là công thần của 4 triều vua.
Rõ ràng, với lai lịch sơ lược của cửu vị ông Hoàng nói trên thì sự tích ông Hoàng Mười xứ Nghệ phong phú, cụ thể hơn rất nhiều và đặc biệt hơn là ông gắn bó mật thiết với người dân xứ Nghệ, nên được người dân nơi đây tôn vinh là “Đức Thánh Minh”, ông được thờ ở hàng Quan trong hệ thống thờ mẫu Tứ phủ, cùng dưới trướng Thánh Mẫu cho nên nơi nào có điện thờ Mẫu là nơi đó bàn thờ ông Hoàng Mười. Theo dòng chảy của thời gian, sự thâm nhập, phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu và quá trình hình thành các ngôi đền ở vùng hạ lưu Sông Lam như một ngọn đèn dẫn dắt người dân nơi đây vững vàng vượt qua những thử thách, thác ghềnh của lịch sử.
Về tục thờ Tam Lang – Thần rắn: Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới cũng như Việt Nam, rắn là con vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, đi vào tâm thức dân gian Việt Nam từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên. Đền Cả – Phường Trung Lương do nằm sát Sông Lam nên gắn với tục thờ Tam Lang – Thần Rắn là hoàn toàn có cơ sở.
Một vị Nhân Thần được phối thờ tại Đền đó chính là Bà Lê Thị Ngọc Dung – con gái nuôi của vua Lê Lợi, người có công lớn trong cuộc chiến chống quân Minh. Bà đã anh dũng hy sinh trong một trận thủy chiến khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau khi mất Bà được phong là “Biển Quốc Đoan Trang, Chính Thục Từ Hòa Chính Phương Nương đại vương”.
Lễ hội Đền Cả
Về lễ hội, tại di tích Đền Cả hiện nay mỗi năm có 2 lễ hội chính, đó là: Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Minh vào dịp đầu xuân và Lễ kỵ của Quan Hoàng Mười vào ngày mồng 10 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Nhìn chung, tất cả các lễ hội tại Đền Cả đều được tổ chức rất chu đáo, trang nghiêm, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương và bà con nhân dân tham gia. Chính vì vậy, đây được xem là một di tích có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng.
Đền Cả là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Để tôn vinh những giá trị lịch sử, truyền thống cũng như đáp ứng nguyện vọng của nhân dân phường Trung Lương và thị xã Hồng Lĩnh, ngày 28/8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2500/QĐ-UBND về việc công nhận di tích Đền Cả là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Dự kiến 26/11/2017 tới, phường Trung Lương sẽ tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử – văn hóa đối với Đền Cả. Đây là một vinh dự to lớn của nhân dân phường Trung Lương nói riêng và cũng là một niềm tự hào của thị xã nói chung./.