Ngày Pháp luật Việt Nam – 9 tháng 11
Ngày 9 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ hai thông qua. Hiến pháp 1946 có những giá trị lịch sử, chính trị và pháp lý to lớn, bền vững tại thời điểm đất nước vừa giành được độc lập. Các bản Hiến pháp tiếp theo và toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã tiếp thu và kế thừa những tư tưởng, nội dung cơ bản, quan trọng từ bản Hiến pháp 1946 này.
Ngày 9 tháng 11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Ngày Quốc tế Nam giới – 19 tháng 11
Ngày Quốc tế Nam giới diễn ra vào ngày 19 tháng 11 hằng năm, là một sự kiện có tính toàn cầu được tổ chức trên khoảng 170 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mục đích tổ chức ngày lễ này là để cải thiện sự phân biệt đối xử với nam giới và trẻ em nam trong một số lĩnh vực y tế, luật gia đình, giáo dục cũng như truyền thông, thúc đẩy bình đẳng giới.
Ngày Quốc tế Nam giới là dịp để vinh danh những thành tựu, đóng góp tích cực không nhỏ của nam giới đối với gia đình và toàn xã hội.
Ngày Nhà giáo Việt Nam – 20 tháng 11
Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 20 tháng 11 hằng năm là một lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những người làm nghề giáo, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc ta. Vào ngày này, các học sinh, cựu học sinh thường đến tặng hoa và quà cho thầy cô giáo đã hoặc đang dạy mình để bày tỏ lòng thành biết ơn, sự tri ân đối với công lao to lớn vĩ đại của “những người lái đò thầm lặng” trên con đường tri thức.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 cũng là Ngày truyền thống ngành Giáo dục nên ngoài các sự kiện chào mừng thì đây cũng là thời điểm để đánh giá lại các hoạt động giáo dục trong thời gian qua, khen ngợi những thành tích tốt và chỉ ra thiếu sót cần khắc phục, lên kế hoạch nâng cao chất lượng ngành.
Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam – 23 tháng 11
Vào ngày 23 tháng 11 năm 1946, tại Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra ở Đình làng Thanh Ấm, xã Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Năm 1957, tổ chức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế và đến Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ ba (1965) thì đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội của quần chúng, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động với mục tiêu nhân đạo – hòa bình – hữu nghị, góp phần thực hiện mục tiêu chung dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.