Sứ mạng của Giáo hội

Đức Giêsu thiết lập Giáo hội và trao sứ mạng cho Giáo hội. Giáo hội được hướng dẫn bởi chính Thần Khí đến từ Thiên Chúa.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Sứ mạng của Giáo hội là trở nên khí cụ cho nhiều người được ơn cứu độ. Nơi Giáo hội sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu phải được thể hiện và tiếp diễn.

1. Sứ mạng tư tế

Thiên Chúa đã dùng chíng Thánh Thần xức dầu tấn phong Đức Giêsu để làm tư tế, thì chính trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa cũng đã dùng chính Thánh Thần để ngự xuống trên nhóm môn đệ để họ trở nên những tư tế dâng hiến lễ lên Thiên Chúa như Đức Giêsu đã làm xưa kia. Như vậy, trong quá trình rao giảng Tin mừng Phục sinh, các môn đệ đã loan báo Con Thiên Chúa đã dùng sự chết và sự sống lại của Người để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực sự dữ và sự chết. Các ngài đã thực hiện công việc rao giảng ấy cùng với việc cử hành lại công việc mà Đức Giêsu đã thực hiện trong bừa Tiệc Ly và qua các Bí tích. Qua việc cử hành lại nghi thức và nghi lễ Vượt Qua, Giáo hội nhờ đó mà ca ngợi, tôn vinh ; kêu cầu và sám hối cùng xin những ơn cần thiết cho mình và cho con cái. Như thế, việc cử hành Phụng vụ thánh là một trong ba sứ mạng chính của Giáo hội được ban cho.

Vai trò tư tế mà Giáo hội thừa hưởng cũng được ban cho mọi thành phần trong Giáo hội. Là những tín hữu, ngay khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, mỗi người đã được mời gọi tham dự vào ba chức vụ của Đức Giêsu Kitô : tư tế, ngôn sứ và vương giả. Nhưng người tín hữu được mời gọi tham dự vào chức tư tế với tính chất chức tư tế chung (tư tế cộng đồng) của một Vương quốc lo việc tế tự để phụng sự Chúa. Ngoài ra, còn có chức tư tế riêng, nghĩa là chức tư tế thừa tác được ban cho một số người qua Bí tích Tuyền chức thánh. Những người này nhân danh Chúa Giêsu hợp với cộng đoàn cử hành hiến tế tạ ơn và dâng lễ vật lên Thiên Chúa Cha. Do vậy, mọi đời sống của người tín hữu phải được gắn vào ý nghĩa hiến tế tạ ơn dâng lên Thiên Chúa.

Sứ mạng của Giáo hội

Tóm lại, chức vụ tư tế của Giáo hội là một tác vụ quan trong nhất nhằm tác sinh sự sống trong Giáo hội. Bởi thế, Công đồng Vatican II đã khẳng định : “Phụng vụ là tột đỉnh mà mọi hoạt động của

Giáo hội quy hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội.

Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồng nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và Phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo hội, thông phần hiến tế và ăn tiệc của Chúa”.

2. Sứ mạng Ngôn sứ

Tin Mừng theo Thánh Mác-cô tường thuật rằng, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ khi Ngài chuển bị về Trời: “Anh em hãy đi khắp nơi loan báo Tin mừng cho mọi người, ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16, 12 ; Mt 28, 18).

Đây được coi là sứ mạng thứ hai mà Đức Giêsu đã trao cho Giáo hội. Như vậy, công việc của Giáo hội không chỉ dừng lại ở việc dâng hy lễ để ngợi khen, tạ ơn và cầu xin cho mình và cho con cái mà còn phải loan báo Tin mừng cứu độ nữa. Tin mừng ấy chính là Lời Chân Lý mà Đức Giêsu đã đem vào thế gian : “làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37). Và sự thật là gì ? Đó là Nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa loài người. Hơn nữa, Giáo hội phải công bố rằng: Đức Giêsu chính là Sự Thật, là Đường đưa đến Sự Thật và Ngài chính là Chân Lý, một Chân Lý đưa đến sự sống viên mãn.

Giáo hội được trao trách nhiệm ngôn sứ, nghĩa là cả trong trách vụ cảnh báo và giảng dạy. Điều này có liên quan đến những vấn đề xã hội và thế giới, đến những con người mà Giáo hội được mời gọi quan tâm, chăm sóc. Khía cạnh thứ hai trong vai trò ngôn sứ đó là việc bảo tồn và duy trỳ truyền thống của Giáo hội cũng như sự tinh tuyền của đức tin của mặc khải Kinh Thánh. Giáo hội nêu cao vai trò của mình bằng Huấn quyền của cộng đoàn và của vị lãnh đạo tối cao là Đức Giáo Hoàng.

Người giáo dân cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Giáo hội bằng chính đời sống đức tin vững mạnh của mình, đức ái nồng nhiệt và đức cậy vững vàng. Hơn nữa, sống trong môi trường xã hội với nhiều luồng tư tưởng văn hoá khác nhau, người tín hữu cần được khuyến khích tìm hiểu sâu hơn về giá trị niềm tin của mình, để từ đó họ có thể loan báo Chân Lý mà Đức Giêsu đã mang vào trần gian, qua lời nói và đời sống của mình.

3. Sứ mạng vương đế

Công đồng Trentô dạy rằng: “Đức Giêsu không chỉ là Đấng Cứu Thế mà ta đặt tin tưởng, Người còn là nhà lập pháp mà ta phải phục tùng” (D. 831). Nhưng một điều chắc chắn là, Đức Giêsu “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mt 20, 28). Điều này đã được chứng thực qua cái chết và sự phục sinh của Người. Và qua cái chết và phục sinh ấy, Người đã quy tụ muôn người đến với Người. Đức Giêsu đã thi hành vương quyền của Người khi chấp nhận trở thành một tôi tớ phục vụ muôn người: Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Đức Giêsu trao sứ mạng của Người cho Giáo hội, mời gọi Giáo hội thi hành sứ mạng vương đế của Ngươi nơi trần gian này, bằng chính đời sống phục vụ của Giáo hội trong xã hội trần thế (Lc 22, 29). Và như vậy, khi lãnh đạo, Giáo hội thể hiện vai trò của mình là một chứng nhân trung thành với lời dạy của Đức Giêsu là trở nên người hầu hạ. Quả thực, Giáo hội được mời gọi phục vụ Nước Chúa bằng lời rao giảng chân lý Phúc âm để mọi người thoát ách nô lệ tội lỗi, xây dựng Nước Chúa trong ân sủng, thánh thiện, công lý, tình yêu và hoà bình.

Người tín hữu cũng được mời gọi thi hành chức vụ vương đế bằng những cách xứng hợp với đời sống của mình. Người tín hữu được mời gọi hãy làm chủ bản thân mình trước những cám dỗ của cuộc sống, khiến họ lâm vào những sai phạm và tội lỗi. Thánh Ambrosio nói : “Ai khuất phục thân xác mình và cai trị được tâm hồn mình không để chìm đắm trong đam mê, người đó đáng gọi là vua vì đã có khả năng cai quản con người mình, người đó tự do và độc lập không để mình bị lôi cuốn vào vòng nô lệ tội lỗi”. Và để có thể làm chủ được chính mình, đòi hỏi mỗi người cũng phải tự kiểm, tập luyện các nhân đức, yêu mến một lý tưởng, dĩ nhiên là tránh xa những dịp dễ rơi vào phạm tội. Điểm thứ hai, sống trong một xã hội, người tín hữu hãy biết không ngừng góp sức mình trong việc làm lành mạnh hoá đời sống xã hội : quý trọng tuân thủ các luật lệ và sự công chính. Người tín hữu cũng được mời gọi cộng tác với các chủ chăn trong việc phục vụ cộng đoàn Giáo hội, và biết phân định trước những tình hình xã hội đang xảy ra.

Tóm lại, Giáo hội là Dân Mới của Thiên Chúa. Chính nơi Giáo hội, Thiên Chúa đã thiết lập một trật tự mới để từ đây, muôn người muôn nước được hưởng nhờ ân sủng mà Giáo hội như một người quản lý để cấp phát. Thiên Chúa thiết lập Giáo hội và dưới sự tác động hướng dẫn của Thánh Thần, Giáo hội thi hành chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Giêsu, Đấng là Đầu của Giáo hội.

Là phần tử của Giáo hội, mỗi tín hữu cũng được mời gọi tham gia vào những tác vụ cao cả ấy, để Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã rao giảng sớm được hiển trị nơi trần gian ; đồng thời mọi người đều cùng được hưởng ơn cứu độ Thiên Chúa đã tặng ban.

Updated: 14/08/2022 — 6:26 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *