Khái quát về Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm ở Việt Nam

Sự trở lại trái đất hay “phục lâm” của Chúa Giêsu là một đức tin cực kỳ quan trọng và là niềm hy vọng lớn lao của tất cả các tín đồ Cơ đốc giáo.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Sự trở lại trái đất hay “phục lâm” của Chúa Giêsu là một đức tin cực kỳ quan trọng và là niềm hy vọng lớn lao của tất cả các tín đồ Cơ đốc giáo.

Niềm tin này được thức tỉnh một cách rộng rãi trở thành phong trào ở Mỹ vào những thập niên đầu thế kỷ XIX làm cơ sở cho sự phục hưng tôn giáo

I. Nguồn gốc hình thành Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm

Người sáng lập phong trào là W. Miller, tuy không được đào tạo chính quy ở một trường thần học, nhưng với đức tin sâu sắc, W. Miller rất say sưa nghiên cứu Kinh Thánh, trong đó ông đặc biệt chú trọng các lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên và Khải huyền. W. Miller tuyên bố một cách tin tưởng rằng Chúa Ki-tô sẽ tái lâm vào khoảng từ 21 tháng 3 năm 1843 đến 21 tháng 3 năm 1844. Lời tiên tri của W. Miller trên thực tế không diễn ra, một số người thất vọng, chán nản quay về Hội thánh cũ của mình hoặc từ bỏ hẳn niềm tin Ki-tô giáo. Ông W. Miller thành thật xin lỗi mọi người vì trước đây có sự nhầm lẫn trong tính toán. Sau đó, trên cơ sở nghiên cứu tỉ mỉ các dấu hiệu trong Kinh thánh, W. Miller lại đưa ra lời tiên đoán thứ hai, rằng Chúa Ki-tô sẽ tái lâm vào ngày 20 tháng 10 năm 1884. Thế rồi ngày đó qua đi một cách bình thường. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong lịch sử tôn giáo lời tiên tri thất bại không có nghĩa là tôn giáo thất bại. Cả hai lần đưa ra lời tiên đoán về sự trở lại của Chúa Ki-tô của W. Miller sụp đổ nhưng phong trào Cơ đốc Phục lâm vẫn phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1845 những người theo giáo thuyết W. Miller đã tổ chức Đại hội đồng tại Albany, New York (Mỹ) để đưa tới việc ra đời một giáo phái mới của đạo Tin lành: Cơ đốc Phục lâm (Adventist).

Khi phong trào Cơ đốc Phục lâm phát triển mạnh cũng là lúc xuất hiện những bất đồng về học thuyết. Ngày lễ Sabath vào ngày nào trong tuần, ngày thứ nhất hay ngày thứ bảy, ngày chủ nhật hay ngày thứ bảy?… Trong từng ấy vấn đề, những người Cơ đốc Phục lâm đã hiểu khác nhau và chia làm ba nhóm:

1. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm

Giáo hội Cơ đốc Phục lâm được hình thành sớm hơn cả, ngay từ những năm 1830 – 1840 khi mà ông W. Miller chưa nghĩ đến việc thành lập tổ chức riêng. Người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tổ chức giáo hội và xây dựng lý thuyết riêng trên nền tảng Chúa tái lâm của W. Miller là ông George Stors và Charles F. Hudson.

Khái quát về Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm ở Việt Nam

Những tín đồ Giáo hội Cơ đốc Phục lâm không hài lòng với quan niệm về sự bất tử của linh hồn (dựa theo thuyết thuần tuý Platon) và đưa ra khái niệm tình trạng vô thức của tất cả người chết cho đến khi phục sinh và sự biến mất của kẻ ác vì nó đối lập với người đau khổ đời đời. Có hai lễ được giáo hội Cơ đốc Phục lâm thực hiện là lễ Rửa tội bằng cách dìm mình xuống nước và lễ Tiệc thánh. Lễ Sabath được thực hiện vào ngày thứ nhất trong tuần.

2. Đại hội đồng Giáo hội của Chúa

Tổ chức Đại hội đồng Giáo hội của Chúa là sản phẩm tự nhiên của những nhóm Cơ đốc Phục lâm độc lập ở các địa phương trên đất Mỹ được hình thành vào giữa thế kỷ XIX – chủ yếu trong cộng đồng người Anh di cư. Vì cùng đức tin mãnh liệt vào ngày tái lâm của Chúa Ki-tô nên họ đã hợp với nhau vào năm 1888 tại Philadelphia.
Kinh Thánh được chấp nhận là chuẩn mực tối thượng của đức tin, thuyết về Chúa Ki-tô tái lâm và thuyết “ngàn năm bình an” được nhấn mạnh một cách cương quyết. Họ cho rằng vương quốc của Chúa phải được hiểu theo đúng nguyên văn (Kinh thánh), bắt đầu ở Jerusalem khi Đấng Christ tái lâm và mở rộng ra tất cả các quốc gia, sự phục sinh là phần thưởng của Thiên chúa cho những người công chính ở thế gian…

3. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy (Cơ đốc Phục lâm An thất Nhật)

Năm 1845 xuất hiện một nhóm người tin rằng 2.300 năm nói trong tiên tri Đa-ni-ên 8 sẽ chấm dứt vào một ngày nào đó trong tương lai, đã đặt tiền đề về giáo thuyết và tổ chức cho việc lập một giáo hội mới. Nhưng mãi đến năm 1860 tên gọi Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy mới được chính thức thừa nhận khi lễ Sabath vào Ngày thứ bảy được thực hiện phổ biến trở thành điểm riêng biệt của giáo hội. Những nhà lý luận đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng giáo thuyết Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy là các ông Joseph Bates, James White, Hiram Edson, Frederick Wheeler, S.W. Rhodes và đặc biệt là bà Ellen Gould White – vợ của ông James White. Riêng bà Ellen Gould White (1844-1915) không chỉ được tín đồ Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy mà các giáo hội khác của Tin lành Cơ đốc Phục lâm biết đến qua sách vở của bà luận về giáo thuyết Chúa Ki-tô tái lâm, như: Nét bút đầu tay (1851), Lời chứng cho Hội thánh (1855), Thiện ác đấu tranh (1858), Nguyện ước muôn đời, Tiên tri và vua chúa, Con đường giải thoát… tổng cộng 53 quyển với khoảng 50 ngàn trang. Đó là chưa kể khoảng 5.000 bài báo bà Ellen Gould White viết về các vấn đề tôn giáo, văn hoá xã hội.

Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy là giáo hội có tổ chức lớn mạnh nhất trong các giáo hội của giáo phái Cơ đốc Phục lâm, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thống nhất, giáo lý, luật lệ, lễ nghi rõ ràng, số lượng, địa bàn phân bố tín đồ lớn. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam là một hệ cấp trong cơ cấu toàn cầu Tổng hội. Chính vì vậy chúng tôi đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu và giới thiệu giáo về lịch sử, giáo lý, luật lệ, lễ nghi, cơ cấu tổ chức trong giáo hội này.

II. Giáo lý của Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm

Về phương diện giáo thuyết, những người Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy lấy Kinh Thánh là tiêu chuẩn của đức tin và sự hành đạo. Dựa vào Kinh Thánh, họ đã soạn ra 22 tín điều căn bản làm tuyên xưng đức tin của giáo hội. Nếu so với giáo hội Cơ đốc Phục lâm khác, Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy tỏ ra bảo thủ hơn trong quan niệm về sự bất tử của linh hồn. Theo họ, linh hồn sẽ chết như thể xác, rằng tất cả con người được phục sinh ngày sau chót, và sự bất tử giành cho người công chính và sự huỷ diệt bằng lửa giành cho kẻ độc ác. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy cũng đặc biệt nhấn mạnh về sự tái lâm rõ rệt và đích thực của Chúa Kitô và thời kỳ “Ngàn năm bình an”. Ngày Chúa Kitô tái lâm sẽ diễn ra vào một thời điểm chưa ai từng biết nhưng sắp xảy ra. Thời kỳ “Ngàn năm bình an” sẽ là ngày trái đất mới được tạo dựng ngoài sự đổ nát cũ, đó là nơi lưu trú sau chót của những người được cứu chuộc. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm thực hiện nghi lễ Rửa tội bằng hình thức dìm mình xuống nước và lễ Rửa chân, coi đó là việc chuẩn bị cho sự thông công.

Khái quát về Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm ở Việt Nam

Như trên đã nêu điểm khác biệt căn bản giữa Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy với các Giáo hội Cơ đốc Phục lâm khác là thực hiện lễ Sabath vào ngày thứ Bảy. Họ cho rằng như vậy là thực hiện đúng đắn lời răn thứ tư của Thiên chúa: “Sáu ngày mày lao động… Nhưng ngày thứ Bảy là ngày lễ Sabath của Thượng đế chúng mày”. Do đặc điểm lễ ngày thứ Bảy nên giáo hội này có tên gọi Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy (Seventh day Adventist), ở Việt Nam còn gọi là “Cơ đốc Phục lâm An thất nhật”.

Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy rất quan tâm đến nơi thờ tự (thánh đường), coi đó là ngôi nhà, là đền thờ của Chúa Thánh linh (Chúa Thánh thần), bởi thế họ rất trân trọng và giữ gìn nơi thờ tự như cơ thể con người. Những người Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy có một cuộc sống nghiêm khắc, kiêng cữ các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, khiêu vũ… và cả các đồ ăn thức uống có chứa các loại dược phẩm.

III. Cơ cấu tổ chức Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm

Không giống các hệ phái Tin lành và các giáo hội Cơ đốc Phục lâm khác, Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy xây dựng và duy trì bộ máy tổ chức khá chặt chẽ và thống nhất trên phạm vi thế giới, với năm cấp giáo hội:

1. Tổng hội Toàn cầu là cơ quan Trung ương của Giáo hội, dưới sự điều hành của Ban chấp hành, trong đó có ba chức danh chủ chốt: Tổng hội trưởng, Tổng thư ký và Thủ quỹ. Ban Chấp hành do Đại hội đại biểu bầu ra với nhiệm kỳ năm năm. Trụ sở của cơ quan Tổng hội Toàn cầu Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy đặt tại Washington (Mỹ).

2. Tổng hội khu vực – mang tính chất liên hiệp. Có tất cả 10 khu vực.

3. Liên hiệp hội – mang tính chất liên hiệp. Có tất cả 98 liên hiệp hội.

4. Địa hạt – được coi là một cấp hành chính chính thức của giáo hội. Có tất cả 437 địa hạt.

5. Chi hội (Hội thánh) – đơn vị cơ sở của Giáo hội. Có tất cả 27.117 chi hội.

Đại Hội đồng Toàn cầu Tổng hội diễn ra 4 năm một lần, đại hội đồng Tổng hội 2 năm một lần, tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi nước mà có cử người tham dự hay không.

Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy là tổ chức có số lượng tín đồ đông nhất (trên 20 triệu tín đồ) và phạm vi hoạt động rộng nhất so với các tổ chức Cơ đốc Phục lâm khác. Giáo hội chú trọng đến các hoạt động truyền bá Phúc âm, xuất bản kinh sách, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và công việc phúc lợi, từ thiện xã hội vì theo họ đây là Giáo hội được hình thành trong việc thực hiện lời tiên tri trong Kinh thánh, chuẩn bị cho đến ngày Chúa Ki tô tái lâm. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy đã dịch kinh sách của mình ra 610 phương ngữ và thổ ngữ. Rải khắp thế giới, Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy có 56 nhà xuất bản, 4.645 chương trình trên đài phát thanh và truyền hình hàng tuần, phát thanh bằng 80 thứ tiếng. Mỗi tuần có một buổi phát thanh quốc tế lấy tên “Tiếng nói của Tiên tri” phát tại 1.043 điểm và hai chương trình truyền hình “Đức tin cho ngày nay” (với 92 điểm tiếp sóng) và “Đó là Kinh thánh” (với 100 điểm tiếp sóng). Giáo hội còn có một loạt các trường đại học, cao đẳng, giáo dục phổ thông. ở Mỹ, giáo hội này hỗ trợ cho 51 trường đào tạo y tá, 716 trường cao đẳng và trung học, 4.583 trường tiểu học. Riêng ở miền Nam nước Mỹ có 2 trường đào tạo giáo sĩ, 2 trường đại học, 8 trường cao đẳng.

IV. Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm ở Việt Nam

1. Quá trình hình thành và phát triển Giáo hội Cơ đốc Phục lâm ở Việt Nam

Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (còn gọi là Giáo hội Cơ đốc Phục lâm An thất nhật Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy Việt Nam) là tổ chức Tin lành đứng thứ hai về thời gian truyền giáo vào Việt Nam (1929), là một địa hạt của Liên hiệp hội Đông Nam Á trong cơ cấu giáo hội Toàn cầu của Giáo hội Cơ đốc Phục lâm (trụ sở tại Mỹ). Giáo hội Cơ đốc Phục lâm An thất nhật địa hạt Việt Nam hiện nay hoàn toàn độc lập về tài chính và điều hành đối với tổ chức giáo hội Toàn cầu và các tổ chức khác. Địa hạt Việt Nam chỉ hiệp thông với Toàn cầu Tổng hội và các tổ chức khác về hoạt động trong từng giai đoạn cụ thể.

Từ năm 1915 Liên hiệp hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy Hoa Nam gọi tắt là Liên hiệp hội Hoa Nam (sau đổi thành Liên hiệp hội Mã Lai, tức Liên hiệp hội Đông Nam á ngày nay) đã cử một số giáo sỹ như Dương Thượng Phiến (Đài Loan), Tan Kia Ou (Trung Hoa), R.M. Milne (Mỹ) vào truyền giáo ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Sài Gòn nhưng không đạt hiệu quả. Đến năm 1927 Liên hiệp hội Mã Lai cử thêm hai giáo sĩ R.H. Wentland và F.L. Pickett vào Sài Gòn học tiếng Việt, truyền giáo, kết quả là tổ chức Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy ở Sài Gòn chính thức được thành lập tháng 12 năm 1929 với một số ít tín đồ là người Việt, người Hoa, người Pháp, đánh dấu mốc có mặt ở Việt Nam. Sau đó năm 1930 ngôi nhà nguyện đầu tiên của Cơ đốc Phục lâm được xây dựng tại Tri Tôn, Châu Đốc (An Giang).

Khái quát về Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm ở Việt Nam

Từ năm 1932, sau khi được Thống đốc Nam kỳ chấp thuận việc giảng đạo và phát hành tài liệu tôn giáo, việc truyền đạo của Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy đạt kết quả hơn, lần lượt một số cơ sở mới được thành lập ở ba miền như: Long Xuyên (An Giang), Đà Nẵng, Hà Nội, Di Linh (Lâm Đồng)… Khoảng năm 1937 Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy được thành lập với tên gọi là “Hội Sabattô”, theo đặc điểm tổ chức lễ Sabath vào ngày thứ bảy do F.L. Pickett làm Hội trưởng. Sau đó một số cơ sở tôn giáo, cơ sở xã hội được thành lập như Trường Thánh kinh Thần học ở Gia Định (năm 1939); Nhà in Thời Triệu còn gọi là “Thời Triệu ấn Quán” (1939) phục vụ in ấn sách đạo, y tế, giáo dục; nhà thờ Phú Nhuận, trụ sở của giáo hội; 2 trường tiểu học, 1 trạm y tế tại Cần Thơ, trường Sabath ở Di Linh và Hà Nội… Thời gian này, hai mục sư Hội thánh Tin lành Việt Nam là Trần Xuân Phan và Lê Văn Ngọ gia nhập Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy đã kéo thêm nhiều tín đồ đi theo.

Những năm 1954-1975 là giai đoạn phát triển cực thịnh của tổ chức Cơ đốc Phục lâm ở Việt Nam. Theo số liệu của giáo hội, năm 1975, Cơ đốc Phục lâm ở Việt Nam có khoảng hơn 30 ngàn tín đồ, 35 mục sư, truyền đạo, 43 chi hội, trong đó có ba chi hội vùng dân tộc Cơ ho ở Đà Lạt. Về phương diện truyền giáo, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm có một Trường Kinh thánh đào tạo mục sư, truyền đạo, có các “trường Sabath” ở các chi hội, có chương trình truyền giáo với tên gọi là “Tiếng nói Hy Vọng” phát trên sóng của 10 đài phát thanh như: Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế… một nhà in lớn được trang bị hiện đại với số lượng lớn các ấn phẩm kinh sách, “thư báo truyền đạo” phát hành hàng năm, lực lượng thư báo có đến 104 người, hoạt động không mệt mỏi khắp Nam bộ, được đánh giá là hùng hậu nhất Liên hiệp hội Đông Nam á. Ngoài ra, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam còn có nhiều cơ sở văn hoá xã hội khác như: một chi nhánh Đại học đường Đông Nam á, một trường Trung học Cơ đốc Sài Gòn và 18 trường trung học, tiểu học, một bệnh viện với khoảng 40 giường bệnh được trang bị dụng cụ y tế đầy đủ và hiện đại, 20 trường sabath, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, nuôi dạy cô nhi tại gia…

Ngoài công tác truyền đạo, mở rộng tín đồ, giáo hội Cơ đốc Phục lâm còn đóng góp tích cực vào công tác từ thiện xã hội như cứu trợ, ủng hộ tinh thần, vật chất cho xây dựng cô nhi viện, bênh viện, trường học. Cơ quan phát triển và cứu trợ Cơ đốc Phục lâm (Adventists Development and Relief Agency International – ADRA) đã hoạt động rất tích cực từ năm 1956 đến 1975.

2. Giáo lý, luật lệ, lễ nghi và tổ chức giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam

Giáo hội Cơ đốc Phục lâm An thất nhật Việt Nam lấy Kinh thánh cả Cựu ước và Tân ước làm nền tảng đức tin và xem là được soi dẫn của Đức Chúa Trời làm tiêu chuẩn của đức tin và sự hành đạo. Tin rằng mỗi người muốn được cứu rỗi phải trải qua sự tái sinh. Giáo hội nghỉ ngày thứ Bảy, ngày Sabath, ngày thánh này được dùng làm việc tạo thế, cùng là dấu chỉ của sự thánh hoá, biểu hiện cho sự tín giáo an nghỉ khỏi việc làm tội lỗi của mình để vào nơi an nghỉ linh hồn và Đức Chúa Giêsu đã hứa cho kẻ đến cùng Ngài. Tin mười điều răn chỉ tội ra, án phạt của tội lỗi là sự chết, nhưng không thể cứu vớt kẻ phạm tội khỏi tội lỗi của mình cũng như không thể ban quyền năng để khỏi phạm tội. Chính tình yêu ân điển của Đức Chúa Trời mà việc này có thể thực hiện được. Tin chỉ mình Đức Chúa Trời có sự bất tử, con người mang lấy thể chất thừa tự tội lỗi và chết. Sự sống vĩnh cửu là sự ban cho của Đức Chúa Trời qua đức tin của Chúa Giê su, sự bất tử được ban cho những người công bình còn sống khi được cất lên không trung để gặp Chúa. Tin rằng người chết không hay biết gì, sẽ nằm yên trong mồ từ khi chết đến khi được phục sinh. Tin rằng sẽ có sự phục sinh cho những người công bình và không công bình; sự phục sinh cho người công bình sẽ thực hiện trước vào lúc đấng Cơ đốc Phục lâm, và sự phục sinh người không công bình sẽ diễn ra sau đó một ngàn năm, vào lúc chấm dứt thời kỳ ngàn năm. Tin rằng kẻ không hối cải sau cùng sẽ bị huỷ diệt bởi lửa để trở về tình trạng không còn có nữa. Tin vào một ngày nào đó Chúa sẽ tái lâm, tin rằng những người theo Chúa Cơ đốc phải là những người thánh thiện, không thể theo tôn chỉ không thánh khiết cũng không dung hoà với đường lối không công bình của thế gia, không ưa thích khoái lạc tội lỗi của nó, cũng không mang lấy hình ảnh rồ dại của nó. Tin rằng tín hữu phải nhận thức thân thể họ là đền thờ của Đức Thánh linh, vì vậy họ phải trang phục chỉnh tề, đoan trang, để lộ ra đức hạnh. Trong việc ăn uống cũng như trong lối sống, họ phải khuôn đúc cuộc đời để trở thành những môn đồ của Đấng nhu mì, khiêm nhường. Những người theo Chúa Cơ đốc từ bỏ mọi thứ rượu, bia, thuốc lá, cà phê, cau trầu, những chất ma tuý, cờ bạc, khiêu vũ… không ăn những thức ăn mà Kinh thánh không cho phép ăn và tránh mọi tập tục thói quen làm xú uế thể xác cũng như linh hồn. Tin rằng sự phục sinh của Chúa Cơ đốc là niềm hy vọng trọng đại của hội thánh, là tuyệt đỉnh của Tin lành và chương trình cứu rỗi. Sự tái lâm của Chúa là thực sự rõ ràng, trông thấy được. Nhiều biến cố trọng đại kèm chung với sự tái lâm của Ngài như việc phục sinh kẻ chết, huỷ diệt kẻ ác, luyện sạch địa cầu, ban thưởng cho người công bình và thành lập nước đời đời của Ngài… Tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm mọi sự lên mới, địa cầu sẽ được phục hồi nét đẹp nguyên thuỷ, sẽ là nơi cư ngụ vĩnh viễn của các thánh, của Đức Chúa Trời.

Về mặt tổ chức, sau năm 1954, Cơ đốc Phục lâm ở Việt Nam chính thức được gọi là Giáo hội Cơ đốc Phục lâm An thất nhật Việt Nam và là cấp Địa hạt của Liên hiệp hội Đông Nam á trong cơ cấu giáo hội Toàn cầu của Cơ đốc Phục lâm. Lãnh đạo Giáo hội Cơ đốc Phục lâm ở Việt Nam là một Ban quản trị gồm một Hội trưởng, một quản lý, một thư ký và 11 uỷ viên phụ trách các công việc: chuyên môn: Trường Sabath, Tín hữu truyền đạo, Thư báo truyền đạo, Thanh niên và tiết chế, Chiến tranh, Tu thư, Giao tế, Tiếng nói hy vọng, ấn loát, Giáo dục, Y tế.

Tuy nhiên, có điều đáng chú ý và cũng là điều băn khoăn của không ít mục sư, truyền đạo và tín đồ Cơ đốc Phục lâm ở miền Nam trước năm 1975 là những chức vụ chủ chốt của giáo hội đều nằm trong tay các giáo sỹ nước ngoài. Sau ngày giải phóng miền Nam, cũng như số đông các tổ chức hệ phái Tin lành khác, các giáo sĩ nước ngoài rút về nước, những mục sư truyền đạo có liên quan đến chế độ cũ di tản ra nước ngoài. Những người còn lại của Cơ đốc Phục lâm ở miền Nam đã đã cử mục sư Lê Công Giáo làm Hội trưởng, sau đó giáo hội tổ chức Đại hội đồng vào ngày 18/1/1976 đã bầu mục sư Nguyễn Xuân Sơn làm Hội trưởng, ông Phạm Văn Hoàng làm Tổng thư ký, mục sư Trần Ngọc Đe làm Thủ quỹ và 8 uỷ viên là giám mục Nguyễn Văn Thu, mục sư Dương Thưởng, mục sư Trần Công Tấn, mục sư Nguyễn Quốc Thái, Giám mục Trương Chấn Võ, giám mục Nguyễn Đăng Phụng, giám mục Lý Cập Thời, mục sư Lê Văn Út.

3. Thực trạng tình hình Cơ đốc Phục lâm Việt Nam hiện nay

Hiện nay, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam có hơn 16.000 tín đồ, 07 mục sư, Trưởng lão, giám mục, 102 Chấp sự, (không có chức danh truyền đạo) 10 chi hội, hơn 100 điểm nhóm, 7 nhà thờ và một trụ sở văn phòng làm việc giáo hội, địa bàn hoạt động ở 25 tỉnh, thành phố chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, trong đó tập trung ở các tỉnh như: Lâm Đồng, Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Tiền Giang, Phú Yên, Quảng Trị. Về tổ chức của giáo hội có 2 cấp: Cơ quan trung ương gọi là Ban Quản trị Giáo hội, trụ sở đặt tại 224 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh và cấp chi hội (cấp cơ sở). Đứng đầu Ban Quản trị giáo hội hiện nay mục sư Hội trưởng Trần Công Tấn.

Khái quát về Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm ở Việt Nam

Do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, từ năm 1976 đến 2008 giáo hội chưa tổ chức được Đại hội đồng ở cấp toàn đạo, một số thành viên Ban Quản trị cũ vì tuổi già đã qua đời, do vậy thành phần Ban Quản trị chủ yếu là những người bầu, bổ nhiệm sau Đại hội đồng năm 1976.

Thực hiện chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, ngày 18/12/2006 Ban Tôn giáo Chính phủ đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động tôn giáo số 215/GCN-TGCP cho Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam theo quy định của pháp luật. Được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND Tp Hồ Chí Minh, từ 22-24/10/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam tổ chức Đại hội đồng lần thứ nhất nhiệm kỳ 2008-212. Nội dung chính của Đại hội đồng là Bồi linh, thông qua Hiến chương, giáo luật kỷ luật, quy chế mục sư, bầu Ban Quản trị, kế hoạch công tác nhiệm kỳ 2008-2012. Ban Quản trị mới gồm 13 người, mục sư Trần Công Tấn được bầu làm Hội trưởng, mục sư Trần Thanh Truyện làm Tổng thư ký, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết làm Tổng Thủ quỹ. Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thống nhất của các ngành chức năng liên quan, ngày 5/12/2008, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký Quyết định số 238/2008/QĐ-TGCP công nhận về mặt tổ chức cho Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam. Ngày 21/12/2008 tại nhà thờ số 2 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chính Minh, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam đã long trọng tổ chức đón nhận Quyết định công nhận. Thay mặt Giáo hội, mục sư Trần Công Tấn đã cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền các cấp đã tạo điều kiện để tín đồ của Giáo hội được sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian qua và khẳng định sẽ thực hiện tốt đường hướng “Thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi hằng sống, Kính Chúa Yêu người phục vụ Tổ quốc, hoạt động theo pháp luật”. Sau khi được công nhận tổ chức, một nhiệm kỳ hoạt động của Giáo hội đã có bước phát triển và trưởng thành toàn diện về nhiều mặt. Được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến từ ngày 12-14/12/2012, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam tổ chức Đại hội đồng lần thứ hai nhiệm kỳ 2012-2016.

Updated: 17/05/2022 — 10:51 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *