Lịch sử đình Hoàng Mai
Đình được xây dựng trên đất Hoàng Mai vốn là trung tâm của Thái ấp Kẻ Mơ do Thượng tướng Trần Khát Chân xây dựng và ở trong vòng 10 năm (1389 – 1399). Trần Khát Chân (1370-1399) là một tướng thời Trần, có công đánh tan quân xâm lược Chiêm là Chê Bồng Nga. Hoàng Mai là đất điền trang của ông. Sau khi ông mất ở Tây Đô (thành nhà Hồ, Thanh Hóa) ông được nhân dân ở điền trang thái ấp phụng thờ làm thành hoàng.
Đình Hoàng Mai thờ ai?
Đình Hoàng Mai thờ Trần Khát Chân và em là Trần Hãng (còn gọi là Trần Hương), do đó ở làng Hoàng Mai có tục kỵ húy, xưa không gọi là “chân” mà nói cẳng, không gọi “hương” mà nói nhang.
Con trai độc nhất của Thượng tướng là Trần Thông sau cũng là một tướng trẻ thời Lê, có công đức với dân nước, được thờ làm thành hoàng làng ở Khúc Thủy (Hà Tây). Đình Tương Mai (Hà Nội) và 29 đình của 29 làng khác cùng với đình Tam tổng là Bình Bút – Nam Cai – Đốn Sơn (Thanh Hóa) cũng thờ Thượng tướng Trần Khát Chân làm Thành hoàng.
Ngoài ra đình Hoàng Mai còn thờ các tướng tâm phúc của Trần Khát Chân là Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất cùng bị hại sau khi mưu sát Hồ Quý Ly ở Đốn Sơn bị thất bại (năm 1399).
Tổng quan kiến trúc đình Hoàng Mai
Đình gồm có tiền đình, đại bái, nhà cầu và cung đình được trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”, các bộ vì mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Trong đình còn nhiều hiện vật quý như voi đá, ngựa, đại tự, cửa võng, hương án, long ngai, bài vị, tượng, cồng chiêng, bát bửu…
Trong sân đình còn một đôi Ngựa đá, Voi đá nằm chầu hai bên.
Đình Hoàng Mai – Hà Nội đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật vào ngày 5 tháng 2 năm 1994.