Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Chùa Đá (Thạch Động tự) thuộc thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, xưa thuộc xã Việt Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tư liệu viết về chùa Đá không nhiều, đặc biệt là các tư liệu chính sử và tư liệu địa chí. Khi tìm hiểu về chùa Đá, chúng tôi chủ yếu phải dựa vào nguồn tư liệu trong cuốn tộc phả họ Phan, hiệu Tùng Mai, làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được biên soạn dưới triều Nguyễn và qua điền giả khảo cứu tư liệu dân gian, qua truyền ngôn và lời kể của các bậc cao niên ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Tho, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, chùa đá có thể được xây dựng vào cuối thời Trần, đầu thời Lê, thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, cũng có tư liệu nói rằng, chùa Đá được xây dựng vào thế kỷ XVII. Sách: “ Từ Điển Hà Tĩnh” chép: “…Đá (chùa).

Tên chữ của chùa Đá là Thạch Động tự, tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, là ngôi chùa cổ có từ lâu đời, bị phá hủy bởi bom đạn Mỹ, chỉ còn lại ngọn tháp cổ, có niên đại khoảng thế kỷ XVII, xây bằng gạch có 3 tầng, cao 6,5m, tháp tạo hình 1 bệ cánh hoa sen, gạch xây được trang trí hình long, ly, quy, phượng và nhiều họa tiết rất phong phú…” (Dẫn theo Bùi Thiết: Từ Điển Hà Tĩnh, Sở VHTT Hà Tĩnh, năm 2000).

Còn theo cuốn Tộc phả họ Phan, hiệu Tùng Mai, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh chép rằng: “…Phan Văn Phú đời thứ 12 sống vào khoảng năm 1600 triều Lê Kính Tông sinh 2 con trai Phan Văn Yến (1628-1667) và Phan Văn Đức; Phan Văn Đức sinh Phan Lĩnh tên tự là Như Chỉ thông nghề y, sùng đạo Phật theo nhà sư là Huyền Trân đến sống ở chùa Huyền Lâm của bản xã, sau khi mất, các đệ tử chất củi hóa thân rồi đem di cốt về chôn ở am sau chùa, sau này chùa Huyền Lâm đổ nát, lại mang về đặt ở chùa Thạch Động (chùa Đá)…”. Cũng theo gia phả họ Mai và họ Võ của làng Tùng Ảnh thì trong am chùa Đá còn có hài cốt của hai vị sư là Mai Phúc Thông và Võ Châu Nhân ( Võ Chân Chân).

Như vậy chùa Đá đã có trước chùa Huyền Lâm khoảng những năm cuối của thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV và tồn tại cho đến năm 1968 bị bom Mỹ đánh phá, còn lại ngọn tháp cổ của chùa và đến năm 2011 chùa Đá được phuc hồi tôn tạo lại. Qua khảo sát tại thực địa, chúng tôi thấy những viên gạch đất nung dùng để xây tháp và các họa tiết hoa văn thời Lê còn lại trên các tầng tháp. Ở mặt trước tầng thứ ba của ngôi tháp ghi năm 1938 và đề 6 chữ Hán: Bảo Đại mạnh thu trùng tu, có nghĩa là: ngôi tháp được trùng tu vào tháng 7, mùa thu năm thứ 13 (1938) dưới triều vua Bảo Đại, ở mặt bên phải phía đông tầng thứ 3 của ngôi bảo tháp được chạm khắc 5 chũ Hán, 3 chữ mờ không đọc được chỉ còn lại hai chữ là: Khải kiến, có nghĩa là; mở rộng, xây dựng. Còn mặt sau về phía nam của tầng thứ 3 tháp chạm khắc 3 chũ Hán: Đinh Dậu niên.

Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Lục lại trong ký ức những người dân bản địa của những dòng họ lớn đã định cư lâu đời của làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, như họ Phan, họ Lê, họ Võ, họ Mai…và đặc biệt là sự hồi tưởng về quá khứ về một ngôi chùa cổ của những bậc cao niên trong làng đều cho rằng, ở vùng núi Linh Cảm, chùa Huyền Lâm về sau là chùa Đá-Thạch Động tự đã tồn tại hàng trăm năm, là một ngôi chùa lớn cổ kính và có nhiều pho tượng sơn son thếp vàng đẹp lộng lẫy.

Trước đây về phía đông nam núi Tùng Lĩnh có một vùng đất bằng phẳng nổi lên một tòa đá nổi tiếng linh thiêng, đồng thời nơi đây có phong cảnh hữu tình có núi có sông, phía nam có núi Mồ Côi, núi Cồn Hội và núi Tùng Lĩnh, phía tây có hợp lưu của 3 con sông lớn là Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La tạo nên một thắng cảnh hữu tình với một thế đất hợp phong thủy. Đồng thời về sự tích ngôi chùa còn gắn liền với truyền thuyết cho rằng, chùa Đá do Hoàng hậu Bạch Ngọc Trần Thị Ngọc Hào, vợ vua Trần Duệ Tôn, lập nên để thờ Phật, về vấn đề này chúng tôi đưa ra chỉ có tính chất khảo cứu chứ chưa có cơ sở khoa học để khẳng định, cần phải có thời gian để nghiên cứu khảo sát sau.

Cũng theo các cụ cao niên kể rằng, chùa Đá ngày xưa là một trong những ngôi chùa lớn nhất vùng tây bắc của huyện La Sơn, nay là huyện Đức Thọ. Chùa quay về hướng Đông Bắc với 3 tòa thượng điện, trung điện, hạ điện, mỗi tòa có chiều rộng 6m, chiều dài 8m, mái lợp ngói âm dương, xây tường với 12 cây cột gỗ mít được nối tiếp với nhau bởi một hệ thống máng nước bằng gạch. Trên nóc mỗi tòa được đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt hoặc hình rồng múa, phượng chầu, riêng tòa thượng điện được xây phủ lên tòa Đá với dụng ý dùng tòa đá làm bàn thờ Phật, nên mới có tên gọi là Thạch Động tự.

Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Phía trong chùa ngoài những hình trang trí hoa văn miêu tả cảnh non sông, nước biếc và những cảnh sinh hoạt dân gian, ngoài ra chùa còn có hàng trăm bức tượng gỗ sơn son thếp vàng làm bằng chất liệu gỗ mít loại gỗ sẵn có của vùng địa phương, những bức tượng này được bố trí từ trên cao xuống thấp.

Cao nhất trên tòa Đá là các pho tượng: Phật Tổ Như Lai, Phật A-Di Đà, Phật Di Lặc, Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát 12 tay cùng các vị Kim Cương, La Hán. Phía bên hữu tòa Đá là bức tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng nhiều bức tượng thần khác trông sinh động như người thật.

Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Phía trước chùa về phía đông bắc được xây dựng một tháp chuông với 4 cây cột bằng chất liệu gỗ mít có đường kính 35-40cm, tháp cao 10m, phía trên tháp treo quả chuông bằng đồng có đường kính 1m, nặng trên nửa tấn. Phía dưới của tháp chuông treo một khánh đá dài trên 1,2m.

Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Tương truyền vào ngày sóc (mồng một), ngày vọng (ngày rằm) và các ngày lễ tiết, tiếng chuông chùa Đá ngân vang từ hàng 4 – 5 dặm như mời gọi và dục dã các Phật tử gần xa về chùa lễ Phật…

Ngoài ra về phía đông nam khuôn viên chùa còn có ngọn tháp cao nhiều tầng là nơi các nhà sư ngồi cầu kinh, niệm Phật ở ngoài trời, bên cạnh là một nhà trù rộng 4m, dài 8m, xây tường lợp ngói âm dương dùng để cho du khách thập phương tới bày mâm cỗ cúng Phật.

Chùa Đá (Thạch Động tự) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Trước năm 1945 chùa Đá thu hút nhiều nhà sư có tên tuổi đến tu hành, trong số đó có những nhà sư đã tu hành đắc đạo thành Phật mà xá lỵ đã được cất giữ trong các mộ tháp của sân vườn chùa.

Đặc biệt vào các ngày lễ, tết, ngày Phật đản của Đức Phật tổ Như Lai, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, chùa Đá đã đón hàng ngàn Phật tử và khách thập phương…

Hiện nay chùa Đá đã được phục dựng, tôn tạo để xứng đáng là một ngôi chùa cổ kính, nhằm bảo tồn giá trị di sản văn hóa, một công trình kiến trúc tôn giáo nhằm đáp ứng cho sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng…

Updated: 06/07/2022 — 9:21 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *