Hai vị Thánh Phêrô và thánh Phaolô có hai tính khí khác nhau, xuất thân từ hai nền giáo dục khác nhau, nhưng đã bổ túc cho nhau khiến hai Đấng trở nên cột trụ vững chắc cho Giáo hội của Chúa Kitô ở trần thế. Thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng đã bộc trực thưa với Chúa Giêsu ba lần “Ngài yêu mến Chúa”, nhưng sau đó lại chối Chúa ba lần. Còn Thánh Phaolô, một con người bắt bớ Giáo hội của Chúa, đã bị Chúa làm cho ngã ngựa trên đường đi Đamas.
Tiểu sử Thánh Phêrô
Simon, người anh em của Thánh Anrê, xuất thân từ Betsaida miền Galilê, làm nghề đánh cá, đã có gia đình. Khi Đức Giêsu thành Nadarét gọi để theo và phục vụ Người, Thánh Phêrô đã được đặt tên mới là Kêpha, theo nghĩa Do Thái là Đá (từ đó dịch sang La ngữ là Petrus: Phêrô). Tên mới này nói lên sứ vụ trong tương lai của ông (x. Mt 16.13-20). Thánh Phêrô là người đứng đầu trong danh sách Mười Hai Tông Đồ của Chúa Giêsu.
Thánh Phêrô là một trong ba môn đệ, nói đúng hơn trong ba tông đồ được Chúa ưu ái một cách đặc biệt hơn những tông đồ khác. Thánh nhân được Đức Giêsu cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa. Tính tình Phêrô nóng bỏng, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh.
Nói về Thánh Phêrô, người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ngài. Đó là việc ngài đã chối Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh những cái không tốt đó, chúng ta lại thấy nơi Thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Đó là lòng quảng đại. Phúc Âm đã ghi thật rõ, vừa khi được Chúa gọi, Simon Phêrô nhanh nhẹn từ bỏ nhiều thứ mà về sau thánh nhân thưa với Chúa là con đã bỏ tất cả mọi sự mà theo Thầy. Bên cạnh lòng quảng đại, chúng ta còn thấy ở nơi Thánh Phêrô một đức tin chân thành, lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”.
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Phêrô lãnh đạo cộng đoàn tại Giêrusalem. Vào cuối đời, Thánh Phêrô đến sống ở Rôma là trung tâm của đế quốc La Mã. Tại đó, Thánh nhân đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Khi cuộc bách hại các Kitô hữu xảy ra, họ đã nài xin Phêrô rời bỏ Rôma để thoát thân. Người ta nói rằng Thánh Phêrô đã thực sự ra đi; nhưng trên đường ngài đã gặp Đức Chúa Giêsu. Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?” Đức Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa!” Sau đó, Phêrô quay trở lại. Thánh Phêrô chịu tử đạo trên đồi Vatican khoảng năm 64 – 67.
Tiểu sử Thánh Phaolô tông đồ
Bốn sách Phúc Âm không nói một câu nào về Thánh Phaolô. Chúng ta chỉ được biết về Thánh nhân sau khi Chúa Giêsu đã về trời. Xét về mặt xã hội và con người của Thánh Phaolô thì chúng ta thấy ngài có nhiều điểm hơn hẳn Thánh Phêrô. Thánh Phaolô là một con người có học thức – Là học trò của Giáo sư Thánh Kinh nổi tiếng, Gamaliel. Gia đình thánh nhân thuộc loại khá giả. Đặc biệt Thánh Phaolô là người có tước Công dân La mã. Thánh nhân không thuộc nhóm 12. Thánh Phaolô là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt. Chúa chọn Thánh Phaolô để sai ngài đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho dân ngoại.
Chúng ta đọc thấy những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy kinh ngạc của Thánh Phaolô vì danh Chúa Giêsu trong sách Tông đồ Công vụ của Thánh ký Luca, khởi đầu từ chương thứ chín. Nhưng truyện kể của thánh ký Luca kết thúc khi Phaolô đến Rôma. Ngài bị bắt giam, chờ hoàng đế Nêrô xét xử. Một văn gia danh tiếng thuộc Kitô giáo tiên khởi là Téctulianô nói với chúng ta rằng Phaolô được trả tự do sau lần xét xử đầu tiên. Nhưng sau đó ngài lại bị tống ngục. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình. Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 67, trong thời kỳ Nêrô khủng bố các Kitô hữu.