Ngày 6/4/1999 đình Đanh Xá được Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định số 22/1999-QĐ-BVHTT công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngày 13/4/2018, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định số 952/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến ngày 31.12.2017, theo đó, đình Đanh Xá là di tích xếp hạng Quốc gia và thuộc loại hình di tích Kiến trúc nghệ thuật. Hằng năm, vào các ngày từ 9-11.3 (âm lịch) diễn ra lễ hội truyền thống của ngôi đình hơn 100 năm tuổi này.
Truyền thuyết đình Đanh Xá
Vào thời Thục An Dương Vương có một người tù trưởng ở Châu Ái tên là Tính Danh Hùng, vợ là Trần Thị Đoan. Ông làm quan trong triều, dốc lòng trung quân ái quốc, song gia cảnh vẫn chưa có con nối dõi tông đường. Hai ông bà nghe tin ở huyện Thiên Thi, châu Xích Đằng, thuộc xứ Sơn Nam Thượng có đền thờ vua Thích Đế rất anh linh nên đã đến cầu tự.
Sau khi lễ, ngoài trời có đám mây ngũ sắc tỏa ra ánh hào quang chiếu thẳng vào đền, tiếp đó thấy 5 vị thiên thần xuất hiện. Ông bà vội vã ra về, sau đó một thời gian bà mang thai.
Đến tháng thứ 16 bà trở dạ, lúc đó bầu trời khu vực làng Đanh Xá tự nhiên tối mịt, mây đen bao phủ, mưa to gió lớn nổi lên, sấm chớp ầm ầm. Bà đẻ ra cái bọc, lúc đó có con rồng đen từ trên trời bay xuống, hút nước ở cái giếng cạnh đó, phun rửa cho cái bọc rồi tự nhiên biến mất.
Lúc này, bầu trời hửng sáng trở lại, yên tĩnh. Xung quanh bờ giếng thấy 5 người con trai đang ngồi nghiêm trang. Sau khi sinh nở khác thường, ông bà đã làm biểu tấu lên vua Thục An Dương Vương.
Vua sai sứ giả về xem xét lại, sau khi mắt thấy tai nghe, sứ giả tâu với vua đúng như biểu tấu. Vua chiếu chỉ giao cho dân làng Đanh Xá ba ngàn quan tiền và kho lương, thiết lập trang trại để nuôi dưỡng mẫu thân và 5 người con trai. Chiếu cho huyện Thiên Thi mọi khoản thu nạp của dân trong huyện sẽ mang nộp cho Đanh Xá để nuôi dạy 5 vị đến khi trưởng thành.
Sau 17 năm ròng rã, thể lực 5 vị vạm vỡ khác thường, sức khỏe vô biên, hàng trăm người không thể địch nổi, tiếng nói vang như sấm, văn chương sáng lạn, quán thế tinh thông.
Phụng mệnh vua, 5 vị về kinh bái yết, vua mở tiệc ăn mừng, chiêu đãi, đồng thời tổ chức lễ tấn, phong cho 5 vị thành ngũ vị sơn thần. Sau đó giao cho 5 vị thống lĩnh quân sỹ giữ yên bờ cõi, bảo vệ đất nước thanh bình trước sự xâm lược của kẻ thù phương Bắc.
Tuy làm quan trong triều đình, song ngũ vị sơn thần đều nhớ về quê hương nơi đã nuôi dưỡng trưởng thành. Ngũ vị sơn thần cùng với dân làng tổ chức xây dựng xóm làng, mở mang điền trại, xây dựng quê hương ngày càng trù phú. Để tỏ lòng kính trọng biết ơn, sau khi ngũ vị sơn thần qua đời, dân làng Đanh Xá đã tôn thờ ngũ vị sơn thần làm thành hoàng của làng và xây dựng đình Đanh Xá.
Kiến trúc đình Đanh Xá
Đình Đanh Xá được xây dựng vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Toàn bộ hoa văn ở mảng cốn được chạm khắc khá tinh xảo với đề tài văn hóa dân gian: tứ linh, tứ quý.
Năm Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái thứ 12, bắt đầu xây dựng đình với kiến trúc kiểu chữ đinh gồm: đại bái, trung từ, hậu cung. Tòa đại bái kiến trúc con chồng đấu sen, trên các bộ vì là những mảng chạm khắc rất cầu kỳ sắc nét, hai vì đầu hồi được chạm khắc hổ phù.
Tòa trung từ gồm 3 gian với kiến trúc chồng rường đấu kê, điêu khắc hoa văn đơn giản tạo ra những nét mềm mại, uyển chuyển nhưng vững chắc. Tòa hậu cung nối với trung từ bằng hệ thống xà quân, xà nách, xà dọc, phần trên chồng rường đơn giản, phần dưới kẻ chuyền, tạo ra mái rộng và thoáng cho tòa hậu cung… Cách đó không xa, người dân thôn Minh Lý cũng xây dựng ngôi đình thờ ngũ vị sơn thần. Ngôi đình đã được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Kiến trúc văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của ngũ vị đại vương đã được sử sách lưu giữ và trân trọng. Hằng năm, cứ vào ngày 9 – 11.3 âm lịch, dân làng ở hai thôn Đanh Xá và Minh Lý lại tưng bừng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ người có công với quê hương đất nước, là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay.
Chính quyền và nhân dân địa phương đang gấp rút xây dựng khu vực Văn chỉ và giếng làng để chuẩn bị cho lễ hội truyền thống năm 2018
Đến hẹn lại lên, vào những ngày đầu tháng 3 âm lịch, xã Hoàng Hoa Thám lại trở nên huyên náo hơn bao giờ hết. Trong khung cảnh rực rỡ cờ hoa và tiếng trống, chiêng dồn dập hòa cùng tiếng hò reo vang lên như thúc giục lòng người trở về với hội làng truyền thống”.
Lễ hội đình Đanh Xá
Lễ hội truyền thống đình Đanh Xá bao gồm phần lễ và phần hội, kết hợp vừa trang trọng, tôn nghiêm, vừa náo nhiệt, rộn ràng. Phần lễ được tổ chức trong ngày chính hội (10.3 âm lịch) với các nghi thức: dâng hương, rước nước, tế lễ… Song song với phần lễ uy nghi, phần hội luôn thu hút được nhiều người tham gia với các trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ tướng, ném chai, kéo co, đẩy gậy, đập niêu… và các môn thể thao như: cầu lông, bóng chuyền hơi…
Lễ hội truyền thống đình Đanh Xá hàng năm đặt yêu cầu tổ chức bảo đảm sự trang trọng, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân và thu hút du khách đến với di tích ngày một đông hơn. Do đó, ngay từ đầu tháng 2, thôn đã tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội.
Có thể nói, công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội năm nay được chuẩn bị chu đáo. Trong đó, phần lễ phải được tổ chức thực sự trang nghiêm, bảo đảm các yếu tố văn hóa tâm linh. Còn phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.