Ý nghĩa và lịch sử đại lễ Đức Mẹ thăm viếng 31 tháng 5

Bài viết này nói về Ý nghĩa và lịch sử của đại lễ Đức Mẹ thăm viếng. Đại lễ Đức Mẹ thăm viếng được tổ chức vào ngày 31 tháng 5 (trước đây là 2 tháng 7).

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Trong ngày Đại Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng (tiếng La-tinh là: Visitatio Mariae), cả Giáo hội Công giáo Rô-ma, lẫn Giáo hội Chính thống, cả Giáo hội Anh giáo lẫn Giáo hội Tin lành (nhưng chỉ một phần), đều tưởng nhớ sự kiện mà Tin Mừng theo Thánh Lu-ca đã tường thuật lại trong chương 1, từ câu 39 tới câu 56. Theo trình thuật nêu trên, Đức Maria, người vừa có thai, đã lên đường thăm người chị họ của mình tên là Elisabeth vừa để chia sẻ niềm vui với bà, cũng như để giúp đỡ bà trong lúc mang thai Gio-an Tẩy Giả. Vì thế, Đại Lễ mừng sự kiện này được gọi là Đại Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng.

Khi Đức Maria vừa tới nhà bà Elisabeth thì chính bà này, người đang mang thai Gio-an Tẩy Giả được 6 tháng, đã chào Đức Maria bằng những lời như sau: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con mà em đang cưu mang, cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43). Đức Maria đã đáp lại bà Elisabeth bằng một bài ca rất nổi tiếng của Mẹ. Bài ca này được gọi theo tiếng La-tinh là Magnificat, có nghĩa là Ngợi Khen (xc. Lc 1,46-55).

Ý nghĩa và lịch sử đại lễ Đức Mẹ thăm viếng 31 tháng 5

Trước đây, Đại Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng được cử hành trên toàn Giáo hội Công giáo vào ngày mồng 02 tháng 07. Đại Lễ này được thiết lập bởi Thánh Bô-na-ven-tu-ra với tư cách là Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thánh Phan-xi-cô, và được cử hành lần đầu tiên trong Dòng của Ngài vào năm 1263. Vì sự phát triển nhanh chóng của Dòng Phan-xi-cô, nên Đại Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng cũng lan rộng theo, và nhanh chóng được đón nhận trên khắp Giáo hội Tây phương. Vào khoảng các năm từ 1568 tới 1570, Đức Pi-ô V đã điền Đại Lễ này vào Lịch Phụng Vụ chung của toàn Giáo hội Rô-ma, và ra lệnh cử hành Đại Lễ này trong ngày mồng 02 tháng 07.

Tuy nhiên, vì ngày mồng 02 tháng 07 lại nằm sau ngày Đại Lễ Sinh Nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả (24 tháng 06), cụ thể là nằm sau ngày Lễ đó đúng một tuần Bát Nhật, nên cuộc cải tổ Phụng Vụ sau Công Đồng Vatican II diễn ra vào giữa những năm 1960, đã dời ngày Đại Lễ Kính Đức Mẹ Thăm Viếng lên sớm hơn, cụ thể là dời từ ngày mồng 02 tháng 07 về ngày 31 tháng 05, tức ngày kết thúc tháng Hoa Kính Đức Mẹ theo truyền thống (trước đây, ngày 31 tháng 05 là ngày Kính Đức Maria Trinh Nữ Vương). Mặc dầu vậy, những quốc gia thuộc khối tiếng Đức vẫn tiếp tục cử hành Đại Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng vào ngày mồng 02 tháng 07.

Giáo hội Công giáo Đông phương và một số nhóm thuộc Giáo hội Tin Lành cũng vẫn cử hành Ngày Đại Lễ trên theo truyền thống của họ vào ngày mồng 02 tháng 07.

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist.

Updated: 22/06/2023 — 9:23 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *