Ngày nay, nền khoa học công nghệ phát triển nhưng cũng không thể kiểm soát được lối sống tràn đầy dục vọng của con người thông qua những thói quen tưởng chừng như vô hại, vì vậy bệnh tật ngày một gia tăng, nguy hiểm hơn, những chủng loại virus mới càng phát sinh hoành hành.
Đó là lý do vì sao các nhà khoa học đang nỗ lực kêu gọi con người hãy thiết lập lối sống lành mạnh để cân bằng cả thân thể lẫn tinh thần. Nhưng không phải ngày nay lối sống đó mới được cảnh báo, mà trong quá khứ, Đức Phật với trí tuệ của mình, Ngài biết rõ giữa đời sống vật chất (sức khỏe và thể chất) có mối liên hệ mật thiết với đời sống tinh thần (tư tưởng và cảm xúc) của con người. Từ đó, Ngài rất chú trọng đến việc hướng con người đến một lối sống lành mạnh, nhằm hạn chế những căn bệnh về thân, bên cạnh đó Ngài cũng đưa ra nhiều phương pháp để giúp con người cắt đứt nguồn cơn của bệnh về tâm đó là chấp ngã, nhằm đem lại cho những người thực hành một đời sống tràn đầy năng lượng tích cực, ý nghĩa.
CẤU TẠO CON NGƯỜI TOÀN DIỆN THEO PHẬT GIÁO
Cấu tạo của một con người toàn diện theo mặt tương đối của hiện tượng giới là sự cấu tạo của Năm uẩn (Panca Khandha) tức sự tích tập của năm nhóm gồm: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn. Sắc uẩn thuộc phần vật lý (thân), bốn uẩn còn lại thuộc phần tâm lý (tâm). Sắc uẩn là bốn yếu tố (bốn đại) tạo nên thân thể con người gồm: Đất, nước, gió, lửa và những thứ do bốn đại tạo thành. Các pháp do bốn yếu tố tạo thành gồm năm căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và năm đối tượng của chúng là năm cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Thọ uẩn là do các căn tiếp xúc với cảnh tượng bên ngoài mà sinh ra cảm giác vui, buồn, vô ký. Tưởng uẩn là lấy cảnh tượng bên ngoài đưa vào trong tâm, chức năng của tưởng là nhận biết sự vật là vật chất hay tâm linh. Hành uẩn là những hoạt động hay tạo tác của tâm. Thức uẩn là nhận biết một cách rõ ràng, chức năng của thức là rõ biết sự hiện diện của đối tượng. Các uẩn này nương vào nhau mà tồn tại, thiếu một trong năm uẩn thì không thể hiểu là con người. Nói theo ngôn ngữ thời nay, con người là hợp thể của năm nhóm gồm thể chất (sắc); tình cảm (thọ), lý trí (tưởng), ý chí (hành) và nhận thức (thức). Tức một con người phải đầy đủ về mặt tư duy, khối óc và tình cảm, trái tim.
NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN BỆNH TẬT
Qua sự phân tích phía trên, có thể thấy con người được cấu tạo bởi hai yếu tố là thân và tâm, từ đó Đức Phật đã phân chia bệnh thành hai phạm trù căn bản: Thân bệnh và tâm bệnh. Sự phân loại bệnh tật này cũng phù hợp với mô thức y học hiện đại. Vì y học hiện đại cũng cho rằng sức khỏe của con người bao gồm hai phương diện là thân thể khỏe mạnh và tâm lý khỏe mạnh (tinh thần).
BỆNH VỀ THÂN
Trong rất nhiều kinh điển như: Kinh Tăng Chi, kinh Phật Chẩn Đoán, kinh Đại Y Vương Phật,… Đức Phật đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân đưa đến bệnh tật, có thể đến từ sinh lý, hành vi, môi trường sống… Nhưng tựu trung với cách nhìn toàn diện, Ngài cho rằng bệnh về thân chính là biểu hiện của sự mất hòa hợp của bốn đại thuộc Sắc uẩn. Khi bốn đại vận hành trơn tru thì thân người khỏe mạnh, còn một trong bốn đại bất hòa, suy nhược sẽ đưa đến bệnh tật phát sinh. Ví dụ, khi yếu tố gió lấn lướt các yếu tố khác thì hơi thở dồn dập; lửa lấn lướt thì nhiệt lượng cơ thể tăng cao; nước trấn áp thì người lạnh như băng; đất tăng trưởng thì cơ thể trở nên trầm nịch nặng nề. Từ bốn nguyên nhân này lại phát sinh ra nhiều chứng bệnh khác. Ngoài ra, sự tương quan giữa cơ thể con người với bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa trong môi trường tự nhiên mà con người sống cũng đưa đến bệnh tật. Ví dụ, khi gió thạnh thì thân đau nhức, khi đất thạnh thì hơi không thông, khi nước nhiều lửa ít thì thân ốm gầy…
BỆNH VỀ TÂM
Nguồn gốc của tâm bệnh đến từ sự chấp trước vào Năm uẩn không thật có này. Họ bị trói buộc cho rằng cái thân vật lý, tri thức, tình cảm,… là của mình và nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc ngang qua chúng và không bao giờ đón nhận sự thay đổi của cuộc đời là quy luật vô thường. Ví dụ, họ sẽ khổ đau khi da nhăn nheo, tóc bạc,… xuất hiện trên thân, hoặc họ sẽ muốn giữ mãi giây phút vui vẻ, chứ không bao giờ chịu đón nhận khổ đau. Chính vì cố chấp vào một “bản ngã” không có thật và không chấp nhận sự đổi thay của cuộc đời nên đưa đến những căn bệnh về tâm có cơ hội nảy nở như: Stress, trầm cảm, sợ hãi, lo âu,…
Cách phân chia thành thân bệnh, tâm bệnh mang tính chất tương đối vì thân và tâm là những thực thể liên quan duyên sinh nhau trong cùng một cơ thể. Tâm khởi phiền não thì không chỉ là biểu hiện của tâm bệnh mà còn có thể dẫn đến thân bệnh. Ví dụ, khi lo âu và giận dữ nảy sinh ra ở một người, các mạch máu siết lại, gây ra độ tăng huyết áp, là nguy cơ cho cơn đau tim…
PHƯƠNG PHÁP SỐNG KHOẺ THEO LỜI PHẬT DẠY
Sau khi đã biết được nguyên nhân đưa đến bệnh tật, có thể thấy được trên con đường thực hành đạo giác ngộ, nếu chúng ta thọ bệnh thân hoặc tâm sẽ là một cản trở lớn. Bởi thân thể là công cụ dùng để thực hành giáo pháp tiến đến quả vị tối thượng. Vì vậy, Đức Phật luôn khuyến khích con người sống một lối sống lành mạnh, bằng cách thay đổi tư duy về ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc để có một thân thể quân bình cả thân lẫn tâm.
ĂN UỐNG THEO LỜI PHẬT DẠY
Ăn uống một cách vô độ không những không giúp ích gì mà là nguyên nhân chính đưa đến tàn phá cơ thể, như người xưa có câu: “Bệnh tùng khẩu nhập”. Thời Phật tại thế, bữa ăn của vua Pasenadi rất thịnh soạn, nhưng không được Đức Phật đánh giá cao về vấn đề cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, dẫn đến sức khỏe không được tốt. Đức Phật dạy vua Pasenadi về cách ăn uống rằng:
“Con người thường chánh niệm
Được ăn, biết phải chăng
Chừng mực, cảm thọ mạnh
Già chậm, tuổi thọ dài.”
Sau khi nghe lời chỉ dạy của Đức Phật, vua biết tiết chế trong ăn uống. Sau một thời gian, thân thể nhà vua trở nên khỏe mạnh và nói lên lời cảm hứng như sau: “Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!. Qua câu chuyện đó, có thể thấy bữa ăn của vua chúa xưa nay tuy rất thịnh soạn nhưng không đồng nghĩa với việc tốt cho sức khỏe. Vì vậy, những bậc Quân vương ngày xưa tuổi thọ ngắn. Ngày nay, thời đại có phát triển hơn, việc nhận thức trong ăn uống được quan tâm hàng đầu qua những tin tức phổ cập trên các phương tiện truyền thông, nhưng hầu như ít người quan tâm đến vấn đề này.
Thực hành thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách ăn uống với số lượng chừng mực nhằm duy trì sự quân bình giữa tứ đại, sự trao đổi chất và hấp thu dễ dàng, cho phép sinh lực lưu hành không chút cản trở qua toàn cơ thể. Hãy xem thực phẩm như thuốc chữa bệnh, để hỗ trợ cơ thể, trị cơn đói, dịu cơn khát và ngăn ngừa bệnh tật. Giống như con ong hút nhụy, chúng chỉ tiêu thụ những gì cần thiết, nhưng không phạm đến toàn bộ cánh hoa. Từ đó, ngăn ngừa các chứng bệnh về tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe khác, giúp cho tinh thần sáng suốt, minh mẫn, tuổi thọ được kéo dài. Đặc biệt, Đức Phật còn lưu ý sau khi ăn cần phải đi kinh hành, bởi một trong năm lợi ích của kinh hành là: “Đưa đến tiêu hóa tốt đẹp các đồ được ăn, được uống, được nhai, được nếm”. Kinh hành đơn giản là đi bộ một cách chánh niệm. Việc kinh hành sau khi ăn vừa giúp cho cơ thể tiêu hóa sau khi ăn, tránh các căn bệnh về đường ruột, vừa giúp cho chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn, điều hòa cơ thể, bền bỉ, dẻo dai.
NGỦ NGHỈ THEO LỜI PHẬT DẠY
Ngủ nghỉ cũng là một trong những nhu cầu quan trọng trong đời sống hằng ngày. Ngủ đủ giấc rất quan trọng, nhưng ngày nay, chứng thiếu ngủ đang xảy ra trầm trọng trên mọi lứa tuổi. Chứng thiếu ngủ đến từ việc chúng ta quá mải mê vào công việc hoặc áp lực từ cuộc sống với cái tâm đổ đầy những mối lo toan về học tập, mưu sinh, công việc,… và đem những toan tính đó vào trong tận giấc ngủ của mình, khiến tâm thức phải làm việc quá sức dẫn đến khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không ngon.
Đức Phật đã gợi ý muốn có một giấc ngủ an lành thì cần phải trú niệm tỉnh giác qua câu kinh sau: “Này các Tỳ kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm? Ngủ một cách ngon lành; thức dậy một cách ngon lành; không thấy ác mộng; được chư Thiên phòng hộ; bất tịnh không chảy ra. Trú niệm tỉnh giác là nếp sống với tâm hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, rõ biết về các hoạt động của thân thể. Ví dụ, khi ăn biết rõ đang ăn, khi ngồi biết rõ đang ngồi, khi làm việc biết đang làm việc,… mà không để lọt vào tư tưởng tà vạy. Cũng vậy, trước khi đi ngủ, trú niệm tỉnh giác giúp cho chúng ta biết sắp đi ngủ mà gác lại những lo toan nhằm mục đích thư giãn đầu óc, làm trong sạch nội tâm, khiến cho tâm thức trở nên định tĩnh, vắng lặng, quân bình, không dao động, từ đó mà ta có một giấc ngủ nhẹ nhàng. Nếu liên tục thực hành thói quen biết trú niệm tỉnh giác trước lúc ngủ thì sẽ ngăn ngừa sự gia tăng bệnh tật và tăng chất lượng cuộc sống. “Trước ngủ tâm, sau ngủ mắt”, chính là đạo lý về giấc ngủ của Phật giáo.
Ngoài ra, tư thế nằm trong khi ngủ cũng được Đức Phật chú trọng, bởi nó liên hệ đến sự an ổn của thân tâm và sức khỏe. Đức Phật dạy có 04 cách nằm ngủ: Nằm ngửa, nằm nghiêng trái, nằm nghiêng phải và cách nằm của Như Lai trú bốn tầng thiền. Trong các kinh điển Ngài thường nằm theo dáng nằm nghiêng phải: “Rồi Thế Tôn, sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm, khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tịnh xá và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghĩ đến lúc thức dậy”.
Ngày nay, tư thế nằm nghiêng bên phải cũng được khoa học giải thích rằng tư thế này có tác dụng giúp hạ huyết áp, nhịp tim ổn định, rất tốt cho những người mắc các bệnh về tim mạch. Còn theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Stony Brook ở Mỹ, việc ngủ nghiêng người về bên phải sẽ giúp giải phóng chất thải trong vỏ não, tủy sống, hệ thần kinh, có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer và các bệnh về thoái hóa thần kinh khác. Bên cạnh đó, theo kết quả một cuộc nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ được đăng tải trên Tạp chí Sleep and Hypnosis phát hiện 40,9% những người có thói quen ngủ nghiêng về bên trái thường xuyên gặp ác mộng, trong khi đó chỉ có 14,6% cảm thấy như vậy trong số những người nằm nghiêng về bên phải.
Với phương pháp về việc ngủ nghỉ mà Đức Phật đã dạy, đây là cách nhanh chóng xóa tan mệt mỏi, sức khỏe được phục hồi nhanh chóng và chúng ta sẽ có tâm trạng vui vẻ, tươi tắn, tạo ra sảng khoái, làm thăng hoa tinh thần.
LÀM VIỆC THEO LỜI PHẬT DẠY
Sau hai vấn đề quan trọng là ăn uống và ngủ nghỉ thì làm việc là một trong những sinh hoạt cần thiết trong đời người. Phương pháp làm việc hiệu quả, giúp người làm việc luôn duy trì trạng thái khỏe mạnh và gia tăng tuổi thọ được Đức Phật khuyên: “Làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng”. Trong đoạn kinh trên, Đức Phật khuyên hãy làm việc thích đáng, tức Ngài đề cập đến Chánh mạng trong Bát chánh đạo. Chánh mạng là sinh sống với tài năng chân chánh, nghề nghiệp lương thiện, không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của người khác. Khi làm việc vừa với khả năng, chúng ta mới có thể tập trung vào những điều quan trọng mà thỏa sức sáng tạo, chứ không nên làm việc một cách quá sức rồi xem công việc như gánh nặng. Bởi thái độ gánh nặng sẽ khiến mình mệt mỏi, căng thẳng tinh thần, chỉ khiến công việc thêm muộn phiền, bề bộn hơn mà thôi. Người làm việc thích đáng và biết vừa phải trong công việc là người đó có sự tỉnh thức. Nhờ sự tỉnh thức này mà giúp ta giải quyết công việc một cách ổn thỏa, chính xác, làm cho công việc ngày một phát triển.
Trong xã hội hiện đại, con người phải làm việc rất áp lực, lo lắng, suy ngẫm về rất nhiều vấn đề, nhằm tránh những sai lầm không đáng có. Nhưng không phải lúc nào lo lắng cũng là tốt, bởi có những mối lo lắng không cần thiết. Để tăng khả năng tập trung hoàn thành tốt công việc được giao, tránh xao lãng tạo điều kiện cho các phiền não, lậu hoặc kéo theo tăng trưởng, Đức Phật khuyên: “Không lo lắng những việc không đáng lo lắng và lo lắng những việc đáng lo lắng. Ở đây, Ngài muốn nhấn mạnh vào sự tập trung khi làm việc. Trong lúc làm việc, ta hãy chú tâm vào công việc được giao để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tránh vừa làm việc này lại xao lãng vào những việc khác. Nhờ vậy kịp thời giải quyết những khó khăn, bất trắc, năng suất lao động nâng cao và công việc được hoàn thành đúng thời gian hoặc trước thời hạn.
Việc duy trì thói quen lo lắng những việc đáng lo lắng và không lo lắng những việc không đáng lo lắng sẽ dạy cho chúng ta chánh niệm trong giây phút hiện tại. Chính chánh niệm bảo vệ bản thân chúng ta kiểm soát được công việc, khoanh vùng những điều phải tập trung giải quyết và không đi ngoài những điều đó. Nhờ vậy sẽ giúp cho ta giảm bớt căng thẳng, quá tải khi làm việc, nâng cao bình an nơi tâm hồn.
PHƯƠNG PHÁP ĐỐI DIỆN VỚI BỆNH TẬT: “THÂN BỆNH NHƯNG TÂM KHÔNG BỆNH”
Như trên đã trình bày những phương pháp, lối sống để có một sức khỏe về mặt thân lẫn tâm. Nhưng chắc chắn rằng, đã mang thân người thì không một ai tránh khỏi bệnh tật, có khác chăng là bệnh nặng hay nhẹ ở mỗi người mà thôi, như Đức Phật dạy: “Ai mang cái thân này, này gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một phút; người ấy phải là người ngu”. Vì vậy, phương pháp mà Ngài dạy mỗi để đối diện với bệnh tật là: “Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh”. Vì sao Đức Phật lại dạy như vậy?
Mỗi khi có bệnh hành hạ đau đớn thân thể, chúng ta thường hay biểu hiện ra bên ngoài bằng cách rên la, nhăn nhó, vừa làm cơn đau thêm tăng vừa khiến tâm tư phiền muộn, khổ não. Cái gì đã làm nên nỗi sợ hãi và lo lắng đó? Đó chính là vì không nhận biết thân Ngũ uẩn này là do nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi, luôn thay đổi và không có một tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã: “Đây là cái tôi và đây là cái của tôi”. Chính ảo tưởng và sự bất giác này quấy động tâm thức bảo thủ và giữ gìn cái thân tứ đại này trường tồn sống mãi. Nhưng cái mong muốn ấy là cái mong muốn của sự vô minh, tà kiến, tà tư duy, khiến cho thân và tâm đều bệnh. Vậy bây giờ, thân có bệnh nhưng muốn tâm không bệnh phải làm sao? Đức Phật dạy phải quán Năm uẩn là vô thường, là khổ đau, là trống rỗng, từ đó sẽ đưa đến vô ngã. Bởi nếu “không liễu tri ngũ uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau”.
Thân Ngũ uẩn là duyên sinh, cùng nương nhau mà tồn tại, nó luôn luôn biến đổi trong từng chớp mắt. Nhưng chúng ta thường bị vướng mắc vào chỗ mắt thấy, tai nghe, chấp vào chỗ có khả năng nhận thức, hiểu biết mà cho là có một cái ngã thật sự. Giống như chúng ta ước muốn trẻ mãi không già, sống hoài không chết, khỏe mạnh không ốm đau, vui vẻ, hạnh phúc mà không buồn đau, khổ não… Nhưng từ quá khứ cho đến ngày nay và đến tận mai sau, thử ai có thể hoàn thành được ước muốn trên. Khi chấp thân Ngũ uẩn làm ngã, cho nó là một thực thể nên mới sinh ra tham ái, chấp thủ và khổ đau khi thân Ngũ uẩn thay đổi. Hiểu được như vậy, nên mỗi người hãy tự trang bị cho mình một cái nhìn sáng tỏ, chánh kiến về thân thể, tình cảm, về nhận thức tư tưởng và những hoạt động sâu kín của tâm lý, rằng chúng là vô thường, vô ngã; nếu chấp thủ tham ái chúng sẽ đưa đến khổ đau.
Cuộc đời Đức Phật cũng trải qua không ít lần bạo bệnh, hãy tìm hiểu xem Ngài đối diện với tật bệnh như thế nào qua đoạn kinh sau: “Trong khi Thế Tôn an cư mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, những cảm thọ khốc liệt gần như chết tiếp diễn. Ở đây, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, không có than vãn”. Hoặc “Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não”. Qua hai đoạn kinh trên đây, có thể thấy phương pháp mà Đức Phật làm chủ cơn đau bằng phương pháp chánh niệm tỉnh giác. Vì sao Ngài lại sử dụng phương pháp này mà không phải phương pháp nào khác? Bởi Ngài luôn khuyên: “Này các Tỳ kheo, hãy tu tập thiền định. Vị Tỳ kheo có thiền định, này các Tỳ kheo, hiểu biết một cách như thật. Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và sắc đoạn diệt, thọ tập khởi và thọ đoạn diệt, tưởng tập khởi và tưởng đoạn diệt, hành tập khởi và hành đoạn diệt, thức tập khởi và thức đoạn diệt”.
Học kinh nghiệm ấy từ Đức Phật, Ngài đã chấp nhận bệnh tật là một phần của thân tứ đại, cho nên mỗi khi thân thể thọ bệnh, mặc dù khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt nhưng Ngài không một lời than vãn mà thay vào đó là thái độ chấp nhận bằng chánh niệm tỉnh giác. Bởi, theo tuệ giác của Ngài khổ đau lớn nhất của con người không phải do bệnh, không phải do Năm uẩn, mà là do con người tham ái, chấp thủ vào Năm uẩn tạo ra, cho nên người nào: “Đã viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”. Nhờ thấy rõ như vậy mà khi thân thể này có bệnh, ta vẫn thản nhiên, không khởi lên khổ não.
Do đó, khi chúng ta có bệnh đau đớn về thân, thay vì lo nghĩ tiêu cực làm cơn đau nhân lên gấp đôi, gấp ba, người bệnh cần phải dũng cảm nhìn vào sự thật rằng bệnh tật là thuộc tính cố hữu của con người, có thân ắt có bệnh và quán chiếu Năm uẩn này bản chất của nó vô thường, từ đó giảm bớt một phần nào sự sinh sôi của bệnh tật và có được sự thanh thản trong tâm. Đó cũng là ý nghĩa đích thực mà câu kinh Pháp Cú 198 muốn truyền đạt:
“Vui thay chúng ta sống
Không bệnh giữa ốm đau
Giữa những người bệnh hoạn
Ta sống không ốm đau”.
Tóm lại, với cuộc sống hiện đại như ngày nay, để phòng chống bệnh tật và tăng cường tuổi thọ, bắt buộc chúng ta phải nâng cao thể chất và tinh thần bằng một lối sống lành mạnh và tích cực. Những phương pháp sống lành mạnh mà Đức Phật đã giảng dạy đã kể trên mặc dù đã hơn 2.600 năm nhưng thiết nghĩ vẫn là những chuẩn mực rất cơ bản để đem lại sức khỏe và sống thọ cho con người trong thời văn minh, hiện đại. Bởi đây là lối sống hết sức thực tế và giản dị, có thể thực hành mọi lúc mọi nơi đối với mọi lứa tuổi. Cho nên, để có một sức khỏe toàn diện về cả hai mặt thể chất và tinh thần, việc thiết lập phương pháp sống lành mạnh trên tinh thần Phật dạy sẽ là chìa khóa đúng đắn giúp cho chúng ta có một đời sống hạnh phúc, tràn đầy ý nghĩa trong cuộc đời này.