Sự tích Quan Hoàng Lục (Ông Hoàng Sáu) – An Biên tướng quân

Quan Hoàng Lục là vị quan hoàng thứ sáu thuộc hàng Thập Vị Quan Hoàng, ngài là con trai thứ sáu của vua Cha Bát Hải Động Đình.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Sự tích về Quan Hoàng Lục không được lưu lại chính xác, một trong số đó câu chuyện về An Biên Tướng Quân được cho là hiện thân của Quan Hoàng Lục là được lưu truyền rộng rãi hơn cả.

Trong hàng Tứ Phủ Thánh Hoàng, Quan Hoàng Lục ngài đứng sau Quan Hoàng Năm và đứng trước Quan Hoàng Bảy.

Sự tích Quan Hoàng Lục và câu chuyện về An Biên tướng quân

Nếu Thái Bảo Bát Nùng (Quan Hoàng Tám Nùng Chí Cao) được xem là tù trưởng ông vua người Nùng, thì An Biên Tướng quân hiện thân của Quan Hoàng Lục lại được xem là tù trưởng ông vua của người Tày cai quản vùng đất Cao Bằng ngày nay.

Tương truyền Quan Hoàng Lục giáng sinh ngày 10/8/1038 tại xã Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trong một gia đình mấy đời làm tù trưởng. Đến măm 18 tuổi, ngài được cử làm thổ tù vì Quan Hoàng Lục là người khảng khái, trọng nghĩa, khinh tài luôn đem tài sản chia cho dân nghèo, mọi người trong vùng đều quí mến ông. Năm 1053 (thời vua Lý Thái Tông), trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất, Hoàng Lục phối hợp với tướng quân Nùng Chí Cao chủ động đem quân đánh vào đất Tống, đột phá các châu: Châu Quý, châu Uy, châu Khang, châu Đăng, châu Ngô, châu Đoan, châu Hình… gây thiệt hại lớn cho quân Tống.

Sự tích Quan Hoàng Lục (Ông Hoàng Sáu) – An Biên tướng quân

Quân của Hoàng Lục và Nùng Chí Cao đi đến đâu đều được nhân dân ủng hộ. Khi rút về, Hoàng Lục tiếp tục chuẩn bị lương thực, lực lượng để đối phó với quân Tống.

Đến năm 1075 (thời vua Lý Nhân Tông), quân Tống tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ 2 với mục tiêu phá vỡ tuyến phòng thủ ở Quảng Nguyên. Viên tướng của nhà Tống lúc ấy tên là Quách Quỳ đánh giá: “Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ, có binh pháp mạnh đóng ở đó. Nếu ta không đánh lấy thì khi ta đi sâu vào đất chúng, quân ta sẽ bị đánh cả ở mặt trước và mặt sau”. Biết trước âm mưu xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông với chiến thuật “Tiên pháp chế nhân” đã cử Thái uý Lý Thường Kiệt xuất quân tiến đánh, đốt phá kho tàng của quân Tống ở vùng châu Khâm, châu Liêm nhằm làm giảm ý chí xâm lược của nhà Tống.

Nhận được mật lệnh của Thái uý Lý Thường Kiệt, Hoàng Lục cùng Tôn Đản, Nùng Chí Xuân trở thành bộ tướng dũng mãnh của Lý Thường Kiệt tung hoành ngang dọc trên đất Tống. Phá tan âm mưu xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống, Lý Thường Kiệt ra lệnh rút quân về nước xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt và tin cậy giao cho Hoàng Lục trấn giữ vùng Đông Bắc từ Quảng Uyên đến Phục Hoà. Với nhận định của Quách Quỳ thì trận đánh ở Quảng Nguyên có tính chất quyết định. Trấn giữ vùng Quảng Nguyên lúc này là Lưu Kỷ – một viên tướng có kinh nghiệm đánh vùng rừng núi của nhà Lý với 5.000 binh mã. Khi quân Tống dưới sự chỉ huy của Phó tướng Yên Đạt ồ ạt tấn công vào Quảng Nguyên đã gặp phải sự đánh trả quyết liệt của quân Hoàng Lục và Lưu Kỷ. Theo lưu truyền trong dân gian thì chính khu vực đền thờ hiện nay là nơi Hoàng Lục lập trận địa để chặn bước tiến của quân xâm lược Tống. Dấu tích còn sót lại đến ngày nay là những ụ, thành đất hình chữ nhật, hình xoáy trôn ốc nằm rải rác dọc hai bên bờ sông Quây Sơn, cách đền khoảng 1 km.

Đền thờ Quan Hoàng Lục An Biên Tướng Quân

Quan Hoàng Lục hóa ngày 22/4/1088 tại Phục Hoà, quân sĩ và nhân dân đã tổ chức đưa hài cốt ông về chôn cất tại quê hương Lũng Đính. Với những công lao to lớn trong việc gìn giữ biên cương, Hoàng Lục được phong An Biên tướng quân. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân vùng Lũng Đính đã xây dựng đền thờ ông trên núi Đoỏng Lình. Đền thờ Hoàng Lục đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2004.

Sự tích Quan Hoàng Lục (Ông Hoàng Sáu) – An Biên tướng quân

Quan Hoàng Lục là một tướng giỏi có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, được triều đình nhà Lý phong chức An Biên tướng quân, thống lĩnh quân mã để bảo vệ biên cương phía Bắc. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, việc xác định đền thờ Hoàng Lục được khởi dựng từ khi nào vẫn chưa được làm sáng tỏ, song kiến trúc còn lại của ngôi đền là hai gian nhà cấp 4 (kiểu chữ nhị) khá rộng với diện tích khoảng 100 m, vì kèo quá giang bằng gỗ, mái lập ngói âm dương, cửa đền quay ra hướng Nam, phía trên điện thờ có hoành phi ghi: “Tư cách chi thần“.

Hai bên có hai câu đối:

“Thần uy nghiêm dực hành đất Tống
Thánh đức anh linh phổ Việt Thanh”.

Gian tiền đường và hậu cung được ngăn cách bằng một bức tường dày. Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, trước đây trong đền có tượng Hoàng Lục bằng đồng, hai bên có tượng quan văn, quan võ bằng đất và chuông đồng, hậu cung có nhiều bệ thờ và bát hương, nhưng các hiện vật này đã bị thất lạc. Giá trị còn lại của ngôi đền chính là ở chất liệu xây dựng. Đền được đắp trình tường bằng đất sét trộn với mật mía rất công phu. Đến nay, các bức tường vẫn còn vững chắc, đặc biệt vẫn còn lưu giữ được 4 sắc phong của triều Nguyễn phong cho những người canh giữ đền đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Sự tích Quan Hoàng Lục (Ông Hoàng Sáu) – An Biên tướng quân

Ngày hội đền An Biên tướng quân Hoàng Lục

Ghi nhớ công lao của An Biên tướng quân Hoàng Lục, hằng năm cứ vào 14, 15 tháng Giêng nhân dân trong vùng lại mở hội lớn tại đền.

– Ngày 14, các nghi thức phần lễ được tiến hành, như: Dâng lễ vật, đọc văn tế với nội dung ca ngợi công lao của Hoàng Lục đã có công gìn giữ vững chắc một dải biên cương của Tổ quốc; Tiếp theo là cầu phúc, cầu lộc cho dân chúng một năm mới vạn sự tốt lành.

– Ngày 15, các trò chơi dân gian được diễn ra sôi nổi, như: Tung còn, múa Kỳ lân, hát văn nghệ… Đến mùa thu, khi mùa màng đã thu hoạch xong, người dân địa phương lại chọn ngày tốt mổ lợn, làm xôi dâng lên đền để tạ ơn.

Hầu giá Quan Hoàng Lục

Không giống như những vị quan hoàng khác, Quan Hoàng Lục rất ít khi về ngự đồng. Chỉ khi nào đến ngày tiệc chính hoặc thỉnh ông tại đền thờ chính thì ông mới về ngự đồng. Khi về ngự đồng, ông mặc áo đỏ, cũng có nơi khi hầu đồng quan mặc áo đen hoặc áo xanh thêu rồng hình chữ thọ và khoác áo choàng. Khi làm việc, ông khai quang, múa cờ, múa kiếm. Rồi ngự tửu nghe văn và xe giá.

Bản văn Quan Hoàng Lục

Chính quê Trùng Khánh Cao Bằng
Có quan Hoàng Lục giáng phàm tối anh linh
Cõi trần gian hữu tình hữu cảnh
Đất Cao Bằng – Trùng Khánh tựa cõi tiên
Lý triều có Đại tướng An Biên
Tiễu trừ giặc Tống giữ yên cõi bờ
Nước Nam Việt đẹp như huyền thoại
Sách trời ghi sáng mãi sử oai hùng
Đức Hoàng Lục ngài thông thạo kiếm cung
Vâng lệnh Thái Úy giữ vùng biên cương
Mười tám tuổi am tường binh pháp
Thông kinh thư sử sách làu làu
Khắp hòa tam thập lục châu
Nức danh gia thế đẹp câu thuận hòa
Khai quang thậm thì diệu
Quang minh chứng đàn duyên
Ngã tích tang cúng dàng
Kim phụng hoàng lân cận
Phật Thánh Chúa Tiên trung vương.
Hoàng Lục có lệnh truyền ra
Các quan thủy bộ cùng là chư dinh
Chuyên cần luyện tập quân binh
Đánh đông dẹp bắc tung hoành mọi nơi
Thái Úy Lý Thường Kiệt đức vời vời sáng
Nhận thấy Hoàng tỏa rạng mưu cơ
Ban cho nào kiếm nào cờ
Cùng ban mật lệnh bất ngờ xuất quân
Dùng chiến thuật chế nhân tiên pháp
Phá kho tàng tiến đánh Tống bang
Châu Liêm cùng với châu Khâm
Xua quân xung kích thỏa tầm trông xa
Sông Như Nguyệt dựng ra phòng tuyến
Dẹp âm mưu xâm chiếm nước ta
Từ Quảng Uyên đến Phục Hòa
Hoàng Lục trấn giữ gần xa thỏa lòng
Mậu Tuất Lý Nhân Tông Chính Hạ
Hoàng Lục ngài từ giã nhân gian
Đoỏng Lình dân lập ngôi đền
Khắp vùng Lũng Đính muôn miền khói nhang
Đức Hoàng Lục độ oan cứu khổ
Ngài hiển linh phù trợ trần gian
Tội công (Ai tội, ai công) ngài biên chép rõ ràng
Tiễu trừ kẻ ác phục hàng quỷ ma
Cũng có lúc Ngài ra trợ phép
Giúp cho người đẹp nết thảo ngay
Có khi dạo gót đông tây
Câu thơ Thái Úy sẵn bày cuộc ngâm
Ngài ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Đấng anh linh phong tư tài mạo
Rạng vẻ ngoài mũ áo cân đai
Độ cho hai chữ Lộc Tài
Độ cho già trẻ gái trai cát tường
Phép thần thông hô phong hoán vũ
Tài kinh bang tế thế chuyển luân
Nức lòng tướng sĩ ba quân
An Biên đại tướng muôn dân phụng thờ

Ngày tiệc Quan Hoàng Lục

Trong tứ phủ thì ngày tiệc của Quan Hoàng Lục là ngày 19 tháng 4 âm lịch. Vì ngài không mấy khi ngự đồng nên rất ít người biết, thậm chí là không biết.

Ngoài sự tích Quan Hoàng Lục An Biên Tướng Quân, dân gian còn biết tới một số sự tích khác được cho là hiện thân của Quan Hoàng Lục gồm Quan Hoàng Lục Thanh Hà, Quan Hoàng Lục Trần Nhật Duật.

Updated: 29/03/2022 — 3:04 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *