Nguồn gốc, sự tích bánh chưng, bánh giầy

Vào những ngày lễ Tết người Việt thường gói bánh chưng, bánh giầy. Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy ra sao?

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Sự tích bánh chưng, bánh giầy

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.

Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.

Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Lang Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Một hôm, Lang Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”

Lang Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh giầy Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Nguồn gốc, sự tích bánh chưng, bánh giầy

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Lang Liêu thì chỉ có Bánh giầy và Bánh chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Lang Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh giầy Bánh chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Lang Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh chưng và bánh giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

Đặc điểm của bánh chưng, bánh giầy

Một chiếc bánh chưng đẹp và chuẩn có hình vuông đều các cạnh, mỗi cạnh thường trên 20cm, độ giầy 5 – 6 cm. Bên ngoài bánh được gói bằng hai đến ba lớp lá dong đã được tuyển chọn, rửa sạch và buộc bằng 4 hoặc 6 lạt dang.

Nguồn gốc, sự tích bánh chưng, bánh giầy

Bánh giầy có hình tròn, có độ dẻo và dai do được đồ kỹ rồi giã trong cối cho đến khi dẻo quánh. Bánh có đường kính từ 5 – 7cm, độ giầy 1 – 2cm. Khi làm xong, bánh sẽ được gói trong lá chuối tươi và ăn cùng chả lụa.

Nguồn gốc, sự tích bánh chưng, bánh giầy

Ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy

Tượng trưng cho Đất Trời

Là một dân tộc với nền văn minh lúa nước lâu đời, mỗi món ăn của người Việt Nam luôn có một câu chuyện, một sự tích đi kèm – bánh chưng bánh giầy cũng không phải là ngoại lệ.

Khi xuất hiện trong giấc mơ của Lang Liêu và mách bảo chàng, thần nhân đã giảng giải cặn kẽ về nguyên liệu làm nên chiếc bánh là gạo – hạt ngọc Trời nuôi nấng tâm hồn người Việt.

Hơn nữa, bánh chưng hình vuông, bánh giầy hình tròn chính là sự đại diện cho Đất Trời, hai thứ mà nhân dân tôn thờ, luôn ôm lấy, bao bọc và che chở nhân dân.

Thể hiện sự yêu thương

Chẳng phải tự nhiên mà bánh chưng, bánh giầy được chọn là những món ăn đặc biệt quan trọng dịp Tết. Chỉ cần nhìn thấy hình dáng bên ngoài, bạn cũng có thể cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu của người đã làm nên chiếc bánh.

Chiếc bánh chưng được gói vuông vức, cẩn thận, những hạt nếp được lựa chọn tỉ mỉ khi phải đều nhau tăm tắp, chẳng sức mẻ.

Đậu xanh vàng óng, đã được tách vỏ, thịt heo phải có chút nạc chút mỡ mới thật ngon, lá dong chỉ chọn những lá xanh mượt, bản to và đều nhau. Đặc biệt, bánh chưng phải được gói bằng lá dong thì mới đúng điệu.

Chính nhờ đôi bàn tay khéo léo, tình yêu thương vô bờ gói trọn trong những chiếc bánh chưng, bánh giầy càng khiến cho món bánh càng trở nên đặc biệt và đáng quý hơn.

Thể hiện cho vũ trụ, nhân sinh

Trong tín ngưỡng phồn thực của người Việt ta, bánh giầy tượng trưng cho âm, bánh chưng đại diện cho dương.

Trên mâm cúng ngày lễ, bánh giầy dành cho mẹ Tiên, bánh chưng dành cho cha Rồng – những nhân vật truyền thuyết đã tạo nên dân tộc Lạc Việt sau này.

Sự kết hợp của hai loại bánh này trong ngày Tết thể hiện mong muốn sự sinh sôi nảy nở ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Thể hiện sự no đủ, thịnh vượng

Một chiếc bánh chưng gồm đủ các nguyên liệu từ động vật đến thực vật như thịt mỡ, đậu xanh, gạo nếp, lá dong thể hiện sự sung túc, ấm no. Bánh giầy với hình tròn đầy đặn chính là sự đầy đủ, trọn vẹn trong cuộc sống.

Tuy đó là những điều nhỏ bé, đơn giản nhưng lại là tất cả những mong cầu của người dân vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Updated: 05/06/2022 — 10:31 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *