Lễ Bun huột nặm (Tết té nước) của người Lào ở Ðiện Biên

Lễ Bun huột nặm hay Tết té nước, là tết truyền thống của dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tết té nước được tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày 13 đến 15-4 theo Phật lịch hằng năm, với ý nghĩa đón mừng năm mới.

Bun huột nặm của người Lào là tết truyền thống, đồng thời cũng là một trong những lễ hội chính được tổ chức đã góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người Lào bởi qua đó họ cầu trời cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu; muôn vật sinh sôi, phát triển; tẩy rửa những điều không may mắn của năm cũ, để bước sang một năm mới gặp nhiều may mắn cho các thành viên, các gia đình và cộng đồng. Bun huột nặm còn là dịp để bà con dân bản được sáng tạo, thể hiện những trò chơi dân gian, những điệu dân vũ truyền thống và đặc biệt là tục té nước của dân tộc Lào.

Nhiều năm trở lại đây (từ năm 1986) người Lào ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã tổ chức Bun huột nặm vào dịp Tết Nguyên đán của người Kinh để thuận tiện cho con cháu đi học, hoặc đi làm, đi công tác xa nhà về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2015, Bun huột nặm đã được cộng đồng Bản Na sang I tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào, ngày 11 đến ngày 13 tháng Năm tức ngày 14 đến ngày 16 tháng Tư (Dương lịch) đã góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống của người Lào.

Lễ Bun huột nặm (Tết té nước) của người Lào ở Ðiện Biên

Bun huột nặm được tổ chức vào ngày 12,13 tháng Năm theo lịch Lào tức ngày 15,16 tháng Tư (Dương lịch). Trong ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm gồm: gà, bánh tráng, hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, chè… dâng thắp hương tổ tiên, mời các đời tổ tiên từ quê cũ về ăn tết, sau đó đến nhà nhau chúc tết và té nước. Dịp Tết, vào những năm được dân bản cho là năm hạn hán, ít mưa như năm con ngựa, năm con dê; chẳng hạn như năm 2015 là năm Ất Mùi (năm con dê) người Lào ở Na Sang 1 tổ chức “Xó nặm phạ phốn” (lễ cầu mưa). Lễ cầu mưa được bà con giao cho một đoàn người gồm những phụ nữ trong bản có tài ăn nói, khéo léo, biết đối đáp. Họ chuẩn bị các khăn hả (mâm/đĩa), gồm có hoa quả (hoa đại, hoa hồng; quả dứa, cam, dưa hấu), bánh kẹo, bánh chưng, trầu, cau, vôi, nến sáp ong, những chiếc buống (thìa) được làm bằng tre, những chiếc choóc (chén) được làm từ những mấu tre; 2 người phụ nữ khiêng 1 chiếc lồng gà; 1 chiếc gùi đựng 2 ống nước, bánh chưng, nắm cơm, nắm muối dành cho một người khoác và 1 chiếc giỏ để cho nắm cơm, nắm muối đeo cạnh sườn. Chuẩn bị xong, những người phụ nữ tới một số nhà xin nước mưa và thức ăn, khi chủ nhà cho thức ăn xong thì té nước vào đoàn người và nhập vào cùng đoàn người đi tới nhà khác.Sau khi đi khất thực qua lần lượt các gia đình, đoàn người đi ra suối Nặm Ngam (bến tắm của bản), họ bày đồ ăn thức uống trên một tảng đá, khấn mời các vị thần linh rồi quây quần ăn cùng nhau. Ăn xong, mọi người vui vẻ cùng nhau té nước. Sau lễ cầu mưa, mọi người hòa cùng với dân bản tham gia các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch hoạ, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho dân, cho bản với nhiều trò chơi hay, sôi nổi và hấp dẫn như: Tấu phắc sá – táu lasa (rùa ấp trứng; Xưa khốp mu (hổ vồ lợn); Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe); Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu); Pít mắc tanh (hái dưa chín). Nối tiếp những trò chơi là điệu múa lăm vông truyền thống khá uyển chuyển, nhẹ nhàng được người Lào hào hứng thể hiện.

Mới đây, Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ. Ðây cũng là niềm vui và trách nhiệm của người Lào ở xã Na Sang 1 nói riêng và tỉnh Ðiện Biên nói chung trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng.

Updated: 30/07/2022 — 9:20 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *