Kiêng kỵ trong sinh đẻ và lễ đặt tên cho trẻ của người Thái Đen ở Điện Biên

Dân tộc Thái cũng như nhiều dân tộc khác khi biết người phụ nữ mang thai thì cả gia đình đều có trách nhiệm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần để người mẹ và thai nhi cùng khỏe mạnh.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Kiêng kỵ trong sinh đẻ của người Thái Đen ở Điện Biên

Khi người phụ nữ mang thai phải kiêng không đi thăm những bà mẹ mới sinh đang ở cữ, kiêng không đi giúp đám ma nhà người khác, không làm những công việc nặng nhọc, kiêng không ăn thịt những con vật bị chết trong lồng vì họ quan niệm nếu ăn thịt của con vật bị chết trong lồng sẽ khó đẻ, không ăn đu đủ, không lên ụ mối… Đến tháng thứ 9, làm hồn vía cho người mang thai để cầu cho mẹ tròn con vuông. Khi sinh nở, người trong nhà làm riêng một bếp cho con dâu, tiến hành làm những thủ tục như treo “ta leo” ở chân cầu thang hoặc đằng sau gian ngủ của người mới sinh, chưa được một tháng thì người phụ nữ không được đi qua chỗ gian “hoóng” – gian thờ và kiêng không được ăn chung với gia đình…

Lễ đặt tên cho trẻ của người Thái Đen ở Điện Biên

Sau khi đứa trẻ được sinh ra, người Thái chọn ngày đẹp để tiến hành làm lễ đặt tên cho trẻ. Lễ vật được chuẩn bị là 1 bung thóc, trong bung thóc có bát gạo, quả trứng, vòng tay bằng bạc, tiền giấy; 1 mọ cá, 1 mọ ốc, 1 mâm gà. Thầy mo mời tổ tiên về chứng giám và phù hộ cho trẻ mạnh khỏe, ngoan ngoãn…Thầy mo dùng khoảng 10 que như que tính lẫn lông nhím để bói, nếu vào đôi chẵn thì tên dự định chọn sẽ được dùng để đặt tên chính thức. Nếu vào que lẻ thì tên lựa chọn ban đầu sẽ không dùng để đặt tên được. Hoặc có thể bói bằng gạo, thầy cúng dùng hạt gạo thả lên quả trứng được dựng đứng, tùy theo thầy mo quy định việc đậu lại trên quả trứng là 1 hay 2 hạt gạo, khi thả số hạt gạo đậu lại trên quả trứng đúng như lời thầy mo cúng thì tên đưa ra đã được tổ tiên đồng ý; việc thả gạo sẽ diễn ra 3 lần, nếu thả 01 trong 03 lần không được thì phải đặt tên khác. Việc cúng đặt tên cho trẻ có ý nghĩa nhất định, để mong khỏe mạnh, tránh tà ma, dễ nuôi, ngoan, học giỏi…mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho trẻ và được tổ tiên dõi theo, che chở.

Kiêng kỵ trong sinh đẻ và lễ đặt tên cho trẻ của người Thái Đen ở Điện Biên

Người Thái có câu ca: “Lụk nháư khửn tiếng po táng po/Nó nháư khửn tiếng tắm táng lắm” có nghĩa là: “Con lớn bằng bố thay bố/ Măng lớn thành cây thay cây”. Bởi vậy các bậc ông bà, cha mẹ đều cân nhắc rồi đặt cho con cháu một cái tên phù hợp với ước nguyện và hoàn cảnh.

Đặt tên cho trẻ mới ra đời trong lễ cũng vía đầu tiên là nét văn hóa mang đậm đà bản sắc của người Thái, ngoài góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở đời con đời cháu của mình luôn nhớ về cuội nguồn nhớ về truyền thống tốt đẹp của cha ông, tuy nhiên ngày nay phong tục đó đã bị mai một. Do vậy tiến hành kiểm kê di sản này là việc làm hết sức cần thiết để đánh giá thực trạng của di sản và đề xuất giải pháp bảo tồn.

Updated: 30/07/2022 — 10:40 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *