Đối với tang lễ của tín hữu Công giáo, mẫu mực chính là cuộc hành trình Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ cái chết đến phục sinh. Đó là lý do khuyến khích chúng ta cử hành tang lễ với ba giai đoạn: Canh thức, Thánh lễ An táng và Nghi thức Phó dâng.
Canh thức cầu nguyện cho người quá cố
Canh thức cầu nguyện thường là thời gian gia đình, bạn hữu và mọi người trong cộng đoàn giáo xứ họp nhau cầu nguyện và nâng đỡ trong niềm tưởng nhớ người thân yêu mới qua đời. Nghi thức Canh thức có thể được cử hành tại nhà người quá cố, nhà quàn, hoặc tại nhà thờ.
Thánh lễ An táng
Thánh lễ An táng là phần phụng vụ chính của tang lễ Kitô giáo. Thánh lễ An táng, do linh mục chủ sự, diễn ra tại nhà thờ giáo xứ, thường vào ngày an táng. Phụng vụ Thánh Thể, đối với người Công giáo, là một phần của Thánh lễ.
Phụng vụ An táng
Ngoài Thánh lễ
Cử hành Phụng vụ An táng ngoài Thánh lễ khi không thể cử hành Thánh lễ hoặc không thích hợp cho việc cử hành Thánh lễ. Phụng vụ An táng ngoài Thánh lễ thường được cử hành tại nhà thờ giáo xứ, tư gia người quá cố hoặc nhà nguyện nghĩa trang. Ý kiến mục vụ của văn phòng giáo xứ là chính yếu trong việc ấn định nơi nào thích hợp.
Nghi thức Phó dâng
Nghi thức Phó dâng là hành động phụng vụ cuối cùng của cộng đoàn tín hữu trong việc chăm sóc thi hài thành viên của mình đã qua đời. Nghi thức được linh mục, phó tế hoặc giáo dân cử hành tại phần mộ, lăng hoặc nhà nguyện nghĩa trang.
Tang lễ Công giáo
Mọi người Công giáo, nếu không bị khai trừ vì lý do đặc biệt theo quy định của Giáo luật, lúc qua đời đều được an táng theo nghi thức của Giáo hội.
Trước hết nên gọi điện thoại đến giáo xứ để xin sắp xếp lịch trình. Lịch trình sẽ được thực hiện qua giáo xứ, gồm Canh thức cầu nguyện, Thánh lễ An táng và Nghi thức Phó dâng. Chỉ các biểu tượng Kitô giáo mới được đặt trên hoặc kê gần quan tài trong lúc cử hành Phụng vụ An táng. Các quốc kỳ hoặc huy hiệu hội đoàn được cất khỏi quan tài lúc đến cửa nhà thờ và được đặt lại sau khi quan tài đã được đưa ra khỏi nhà thờ.
Nhằm cổ vũ và tỏ lòng quý trọng đối với các mối liên hệ gia đình, những người không Công giáo trong các gia đình Công giáo cũng được mai táng trong nghĩa trang Công giáo.
Giáo hội khuyên nên mai táng các tín hữu Công giáo tại nghĩa trang Công giáo. Việc mai táng tại nghĩa trang Công giáo đã được làm phép là dấu chỉ của lời hứa khi chịu phép Rửa tội, đồng thời, dù đã qua đời, vẫn làm chứng cho niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô.
Trẻ em chết trước khi được Rửa tội, hoặc chết ngay lúc chào đời hoặc bị sẩy thai, cũng được cử hành Nghi thức An táng Công giáo nếu cha mẹ trước đó đã muốn con mình được rửa tội.
Có thể cử hành Nghi thức An táng Công giáo cho người qua đời vì tự tử.
Chia sẻ Tưởng niệm
Nghi thức Tang lễ dành cơ hội cho việc chia sẻ tưởng niệm về người quá cố. Những người đọc bài Chia sẻ cần đọc bản Tài liệu này để ấn định khi nào có thể đọc bài Tưởng niệm. Bài chia sẻ nên ngắn gọn, được viết sẵn và đưa cho vị chủ sự xem trước. Tại Thánh lễ An táng, không nên nhiều hơn hai người chia sẻ.
Nội dung tưởng niệm nên hướng vào đức tin và niềm hy vọng vào Chúa Giêsu Kitô của người thân yêu mới qua đời.
Chọn Bài đọc
Các Thừa tác viên Mục vụ an táng của giáo xứ có sẵn nguồn các bài đọc giúp các gia đình có thể chọn các đoạn Kinh Thánh Công giáo thích hợp. Bài Tin Mừng do vị Chủ sự chọn. Những người được chọn đọc cần cảm thấy thoải mái khi đọc trước cộng đoàn.
Thánh ca
Các Thừa tác viên Mục vụ an táng có thể giúp tang gia chọn các bài thánh ca dùng trong tang lễ.
Thánh ca trong nghi thức an táng là “lời cầu nguyện được hát lên”, nên những bài hát đời (hát trực tiếp hoặc được thu âm) không thích hợp trong phụng vụ tang lễ và không được sử dụng.
Nếu được, nên có người đệm đàn, ca viên, và kể cả ca đoàn để giúp cộng đoàn tham gia một cách trọn vẹn vào các bài thánh ca, đáp ca, các lời tung hô trong các Nghi thức tang lễ.
Việc chọn nhạc cho tang lễ người Công giáo phải đáp ứng những yêu cầu đối với nhạc dùng trong phụng vụ, đặc biệt những yêu cầu được nêu ra trong sách Nghi thức An táng Công giáo cũng như trong các văn kiện của Hội đồng Giám mục.
Âm nhạc có ưu thế vượt trội so với những cách thể hiện khác được các tín hữu diễn tả khi tham dự các nghi lễ phụng vụ. Vì vậy không sử dụng nhạc thu âm trong cử hành phụng vụ để thay thế cho cộng đoàn, ca đoàn, người đệm đàn phong cầm, ca viên hoặc các nhạc công.Yêu cầu hát những bài được người quá cố “ưa thích” thường dẫn đến việc trình diễn loại nhạc không phù hợp, không đáp ứng những đòi hỏi của phụng vụ. Không bao giờ được dùng những bài dân ca, nhạc tình cảm các sắc dân, hoặc các bài hát thời thượng Broadway để thay thế thánh nhạc dùng trong Phụng vụ An táng.
Hỏa táng
Rất nên cử hành Thánh lễ An táng hoặc Phụng vụ An táng ngoài Thánh lễ có thi hài người quá cố trước khi hỏa táng.
Nếu việc hỏa táng đã diễn ra trước Phụng vụ An táng, cha sở có thể cho phép cử hành Phụng vụ An táng có tro cốt của người quá cố. Không phủ vải trên quách hoặc bình đựng tro cốt.
Phải thể hiện sự tôn kính đối với tro cốt giống như đối với thi hài, và tro cốt cần được mộ táng hoặc huyệt táng, dù trên đất liền hoặc ngoài biển. Việc rải tro cốt trên đất hoặc ngoài biển hoặc lưu giữ bất cứ phần tro cốt nào trong hộp riêng để kỷ niệm không phải là cách an táng đáng kính đã được Giáo hội hướng dẫn. Nên biết rằng việc đưa tro cốt an táng ngoài biển khác với việc rải tro. Cần phải đặt tro cốt vào chiếc quách thích hợp và xứng đáng, đủ nặng để đến được nơi an nghỉ cuối cùng, có thể chìm vào lòng biển được.