Đình Cống Vị quận Ba Đình, Hà Nội thờ ai?

Đình Cống Vị nằm tại ngõ 518 phố Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Đình thờ Hoàng Ngọc Trung một giám quan thời Lý.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Hoàng Ngọc Trung là ai?

Đình Cống Vị thờ Hoàng Ngọc Trung, người có công di dân, lập làng, khai phá vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long thời Lý.

Đình Cống Vị quận Ba Đình, Hà Nội thờ ai?

Theo thần phả, Hoàng Ngọc Trung vốn quê làng Lệ Mật, nay thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Năm 16 tuổi, dưới thời vua Lý Thái Tông, ông được làm chức giám quan. Một lần công chúa dạo thuyền bị ngã sông, ông đã dũng cảm vớt được xác công chúa. Nhà vua thưởng nhiều vàng lụa và ban chức tước, song ông chỉ xin được đem dân nghèo từ trang Lệ Mật về cày cấy ở 13 trại phía Tây kinh thành, gọi là Thập tam trại. Cống Vị là một trong 13 trại nông nghiệp thời ấy. Ông mất năm Kỷ Hợi (1059) đời vua Lý Thánh Tông và được dân lập đền thờ.

Tổng quan kiến trúc đình Cống Vị quận Ba Đình

Đình Cống Vị là một trong những ngôi đình được dựng từ thời Lý. Đình gồm Nghi môn bên gốc cây si rợp bóng, đại đình 3 gian 2 dĩ, bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt. Nội thất có trang trí chạm khắc tứ linh, tứ quý trên các bức cốn.

Đình Cống Vị quận Ba Đình, Hà Nội thờ ai?

Dưới bức đại tự “Thượng đẳng tối linh” là bức y môn sơn son thếp vàng, chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Bệ thờ đặt ngay chính giữa, phía trên là bức đại tự “Thánh cung vạn tuế”, phía dưới là câu đối ca ngợi sự nghiệp vị thành hoàng làng:

Tối tú, tối linh, thánh đức nguy nguy phù quốc thái

Nãi văn nãi võ thần công đãi đãi dân khang

Dịch nghĩa:

Tuyệt đẹp, tuyệt thiêng, đức thánh nguy nga phù nước vững

Vừa văn, vừa võ, công thần vời vợi giúp dân yên

Hậu cung đặt tượng Hoàng Ngọc Trung cao 1,3m, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo long bào bố tử, tay cầm bút. Hội đình hàng năm mở vào ngày 13 tháng Ba âm lịch. Lễ hội xưa có tục lệ dân 13 trại rước kiệu về đình Vĩnh Phúc (đình Hàng Tổng) để tế lễ, rồi lại rước về đình Cống Vị. Ngày nay, lễ hội đã không còn việc rước kiệu này. Tuy nhiên, hội vẫn còn giữ được truyền thống giao lưu với hội làng Lệ Mật, nơi quê gốc của vị thành hoàng.

Hiện nay, đình Cống Vị là nơi tổ chức hội diễn cũng như là địa điểm mở các lớp dạy ca trù của câu lạc bộ ca trù Thăng Long.

Đình Cống Vị đã được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử – Văn hóa vào năm 1999.

Updated: 12/08/2022 — 9:39 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *