Theo đạo Thiên Chúa thì Cây Thánh giá vừa là biểu tượng của đau khổ và thất bại nhưng cũng là biểu tượng của chiến thắng và sự cứu rỗi.
Thánh giá là gì?
Thánh giá là một trong những biểu tượng tôn giáo được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Bạn có thể bắt gặp biểu tượng này ở mọi nơi. Không chỉ trong các nhà thờ và thánh đường, mà còn trong nhà riêng, trong phim, trong các tranh ảnh, sách báo hay những video âm nhạc. Thánh giá cũng được sử dụng trong các món đồ trang sức như bông tai, chiếc vòng cổ…
Thánh Giá được xem như là hình ảnh tiêu biểu nhất liên hệ đến cuộc đóng đinh của Chúa Giêsu, là biểu tượng đặc trưng của các giáo hội Kitô giáo. Hình tượng Thánh giá thường gồm hai thanh thẳng đan chéo vuông góc nhau với hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đó. Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình, cây gỗ treo ông lên chỉ được gọi là cây thập giá. Đây là một công cụ của sự trừng phạt và là một biểu tượng của sự kinh dị, thường dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của Đế quốc La Mã.
Theo một ghi chép, khi Chúa Jesus rao giảng chân lý, các giáo trưởng đạo Do Thái cho rằng ông là kẻ chống lại tôn giáo truyền thống của họ, chính quyền La Mã thì cho ông là kẻ tuyên truyền tư tưởng chống lại La Mã. Nhân đó, Judas – một trong 12 tông đồ của Chúa Jesus đã bán Chúa để lấy 12 đồng bạc trắng. Chúa Jesus sau đó đã bị đưa đến trước Đại giáo trưởng Do Thái rồi sau đó là đến tòa án La Mã do Ponce Pilate làm đại diện. Tòa án La Mã sau đó đã tuyên xử tử Chúa Jesus bằng cách đóng đinh trên thập tự giá ở núi Calvaire, gần Jerusalem. Sau khi chôn được 3 ngày, Chúa Jesus sống lại và tiếp tục thuyết giáo. 40 ngày sau, Chúa bay lên trời. Sau đó các tông đồ của Chúa tỏa đi truyền giáo khắp đế quốc La Mã.
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây thập tự giá trở thành một báu vật của các tín đồ theo đạo Thiên Chúa và được gọi là Thánh giá bởi vì cây thập giá ấy đã có được diễm phúc làm nơi cho Chúa Jesus yên nghỉ. Thánh giá được xem như biểu tượng của tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa, là công cứu chuộc nhân loại của Chúa Jesus. Đối với những người có niềm tin vào Chúa Jesus, cây Thánh giá là biểu tượng của niềm tin. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây thánh giá.
Theo các sử gia đạo Thiên Chúa như Socrates Scholasticus (sinh năm 380), người đã tìm ra cây thập giá dùng để đóng đinh Chúa Jesus chính là Hoàng hậu Đông La Mã Helena, mẹ của vua Constantinus I – Hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Thiên Chúa. Scholasticus viết rằng, Hoàng hậu Helena trong một chuyến đi đến vùng đất thánh đã cho phá hủy đền thờ thần Vệ Nữ và khai quật khu mộ Jesus. Tại đó, người ta đã tìm được 3 chiếc thập giá. Giám mục Macarius sau đó đã đặt 3 chiếc thập giá trước một phụ nữ bệnh nặng đang hấp hối. Kỳ lạ thay, khi bà này chạm tay vào chiếc thập giá thứ ba, bà ngay lập tức được chữa lành bệnh. Đây được cho là phép lạ chứng minh chiếc thập giá đó chính là cây thập giá đã được dùng để đóng đinh Jesus.
Scholasticus cũng ghi rằng, người ta cũng đã tìm thấy những chiếc đinh được dùng để đóng Jesus lên thập giá trong buổi hành hình. Những chiếc đinh đã được Hoàng hậu Helena gửi về kinh đô Constantinopolis. Chúng đã được cài vào mũ miện của Hoàng đế và cương ngựa của ông ta.
Ý nghĩa của Thánh giá
Theo Bách khoa toàn thư của người Do Thái, Thánh giá được sử dụng ít nhất là từ thế kỷ II. Khi đó, việc đánh dấu một Thánh giá trên trán và ngực đã được coi như một lá bùa chống lại quyền lực của ma quỷ. Lúc đầu, họ còn sợ hãi khi trưng bày nó công khai. Tuy nhiên, sau khi Hoàng đế của Đế quốc La Mã Constantine ban hành đạo luật Milan vào năm 313, 3 thế kỷ cấm đạo Thiên Chúa của Đế quốc La Mã đã chính thức kết thúc.
Việc đóng đinh như một hình phạt đã bị bãi bỏ và cây thánh giá kể từ thời điểm đó được sử dụng như một biểu tượng của những người theo đạo Thiên Chúa. Đến cuối thế kỷ thứ IV, khi Hoàng đế Theodosius công nhận Thiên Chúa giáo là quốc đạo thì Thánh giá bắt đầu được công nhận rộng rãi là biểu tượng của đạo này. Đến thế kỷ VII, Thánh giá đã được chính thức thông qua bởi các nhà thờ Thiên chúa giáo.
Hiện nay, có nhiều loại Thánh giá dược sử dụng như Thánh giá Hy Lạp (có hình như dấu +), Thánh giá Latin (có thanh đứng dài và thanh ngang ngắn hơn), Thánh iá chữ T (giống chữ T)… Trong đó, Thánh giá Latin được công nhận rộng rãi nhất và được sử dụng trong nhiều thế kỷ như là một biểu tượng của đạo Thiên Chúa.
Với những tín đồ của đạo Thiên Chúa, cây Thánh giá tượng trưng cho sự hy sinh của Chúa Giêsu để cứu chuộc thế giới đồng thời cũng là lời nhắc nhở các tín đồ về việc Đức Chúa trời đã hy sinh con trai duy nhất của mình cho nhân loại. Cây Thánh giá mang ý nghĩa chỉ cả sự đau khổ và chiến thắng. Trong đó, chi tiết về việc bị đóng đinh thập giá của Chúa Jesus là biểu tượng của đau khổ. Cây Thánh giá cũng là một biểu tượng cho chiến thắng và vinh quang của Chúa Jesus trước cái ác và cái chết bởi người ta tin rằng qua cái chết và sự phục sinh của mình, ông đã chinh phục cái chết.
Trong nhà thờ cổ, Thánh giá đã được sử dụng như một biểu tượng chiến thắng trong cuộc chiến của nhân loại chống lại tội lỗi. Với cây Thánh giá, Chúa Giêsu đã biến dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành dụng cụ diễn tả tình yêu thương bao dung, tha thứ; biến dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi án chết đời đời; biến dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang.
Nhìn vào Thánh giá, các tín đồ thấy cái đau khổ bên ngoài và tình yêu Thiên Chúa bên trong, sự chết của con người và sự sống lại của Thiên Chúa, bóng tối tội lỗi của trần gian và ánh bình minh cứu độ, sự ích kỷ của cá nhân và sự hy sinh của Thiên Chúa, sự kiêu căng của cá nhân và sự khiêm tốn của Thiên Chúa, sự bất lực của mình và sức mạnh vô song của Thiên Chúa, sự thù hận của con người và sự tha thứ của Thiên Chúa, sự hèn hạ của ta và sự cao cả của Thiên Chúa.
Mặt khác của cây Thánh Giá chính là biểu tượng của tình yêu thương, sự hy sinh cao cả nhất của Thiên Chúa dành cho con người. Vì Chúa Giêsu, Ðấng cứu thế đã
dùng thập giá mang lại ơn cứu độ, ánh sáng cho linh hồn con người. Ngài đã biến đổi đau khổ sự chết thành niềm hy vọng sự sống. Do đó, những người theo đạo Thiên Chúa dùng Thánh giá, vẽ Thánh giá, đeo Thánh giá để biểu dương công ơn cứu chuộc và minh chứng tình yêu của Chúa cho mọi người biết.
Do những ý nghĩa trên, các dấu Thánh giá đã trở thành một thành phần thiết yếu của đời sống của các tín đồ theo đạo Thiên Chúa kể từ thời các tông đồ, được sử dụng trong tất cả các dịch vụ Giáo hội và những lời cầu nguyện. Những người theo đạo Thiên Chúa tin rằng, việc ra dấu Thánh giá sẽ bảo vệ họ khỏi tai nạn, bất hạnh và có được sự che chở của Đức Chúa Trời cho họ. Đó là lý do các tín đồ Thiên Chúa giáo Chính thống tôn thờ Thánh giá rất nhiều, chúc lành cho bản thân với các dấu Thánh giá, đeo Thánh giá trên ngực của mình và tô điểm cho ngôi nhà và nhà thờ của họ với cây Thánh giá.
Niềm tin rằng cây thánh giá có thể xua đuổi ma quỷ và bảo vệ người đeo nó đã đi qua một chặng đường dài. Từ những thế kỷ đầu của đạo Thiên Chúa, người theo đạo đã có tục dùng tay làm dấu Thánh giá trên mình. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy biểu tượng Thánh giá trên các cơ sở từ thiện, bệnh viện, nhà thờ, hội chữ thập đỏ, trong nhà các tín đồ theo đạo Thiên Chúa, trong các nghĩa trang… Từ nhà riêng đến nhà thờ, vị trí trang trọng nhất luôn dành cho Cây Thánh giá.