Chính nhờ sự can thiệp của các ngôn sứ trong nhiều giai đoạn và dưới nhiều cách thức khác nhau, diễn tả một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt mang ý nghĩa của lịch sử cứu độ. Cũng nên biết rằng, thời kỳ các ngôn sứ nổi tiếng nhất hoạt động chính lại là những lúc Israel chẳng vẻ vang gì mấy về mặt chính trị. Nhưng cũng trong lúc ấy, đã xuất hiện nhiều ngôn sứ khẳng khái nhất để lèo lái lịch sử dân tộc sao cho đi đúng đường lối của Thiên Chúa.
1. Vai trò lãnh đạo tinh thần của các ngôn sứ
Ngôn sứ hay còn được gọi là tiên tri, là những người thay mặt Thiên Chúa, nói cho dân biết ý muốn của Thiên Chúa qua những biến cố của thời đại. Các ngài cũng là sứ giả của Thiên Chúa, giúp dân sống trung thành với Thiên Chúa trong những hoàn cảnh đổi thay về mặt xã hội, chính trị. Điều đáng lưu ý là, các ngôn sứ đã nhận được những thông báo của Thiên Chúa qua giấc mộng, qua việc lắng nghe (Chúa nói với Môsê …), qua việc xem thấy. Và các ngài trình bày giáo huấn bằng lời nói và hành động.
– Bằng lời nói: Các ngài giảng dạy để trách mắng, vạch ra những lỗi lầm của dân, đe doạ những tai hoạ, khuyên dân biết làm gì để đúng ý Chúa, đôi khi còn hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Lời các ngài thường vắn gọn, đanh thép.
– Bằng hành động tượng trưng: Đó là những người chứng kiến phải sửng sốt và chú ý hơn đến lời giải thích ý nghĩa kèm theo. Ví dụ: Akhiya xé áo chòng thành 12 mảnh, cho Giêrôboam 10 mảnh để chỉ ông này sẽ làm vua 10 chi tộc. Giêrêmia đập vỡ vò bằng đất để nói rằng Giavê sẽ đập tân dân và thành Giêrusalem mà vô phương cứu chữa … Bằng chính đời sống như Hôsê, Giêrêmia, Gioan Tẩy giả…
2. Giáo lý của các ngôn sứ
Các ngôn sứ là những người loan tuyền đạo lý chính thống từ Thiên Chúa. Điều này cho thấy tính chất cao thượng của ơn gọi làm ngôn sứ chính là tinh hoa của Cựu ước làm cho Israel vượt hẳn lên trên các dân tộc khác. Các sứ giả này của Giavê không ngừng cổ võ lòng sùng đạo chân chính và thành tâm; không ngại tố cáo những lạm dụng và thối nát, bất kể những khủng bố do các vua cũng như hàng tư tế gây nên, có khi bị cả dân hiểu lầm và lãnh đạm.
Những vấn đề quan trọng thường được các ngôn sứ nói đến:
– Giavê là Chúa duy nhất, chỉ thờ phượng môt mình Ngài. Ngài dựng nên vũ trụ. Các dân ngoại cũng thuộc quyền Ngài điều khiển. Trong muôn dân, Ngài đã yêu thương tuyển chọn Israel. Vì thế, Ngài đòi hỏi họ nhiều hơn, sẽ “sửa phạt” nếu họ phạm lỗi.
– Tố cáo những bất công xã hội: các ngài nhân danh Giavê để phê phán, vạch trần những tội ác, loan báo những hình phạt. Vì các ngài quan niệm rằng, việc giữ Giao ước với Thiên Chúa không chỉ là giữ nghi lễ phụng tự, nhưng còn là vâng lời Chúa và dấn thân trong đời sống bác ái, huynh đệ.
– Loan báo Đấng Cứu Thế: hình phạt chưa phải là điều sau cùng Thiên Chúa muốn nhưng là lòng sám hối, sự cứu độ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Con của Ngài như lời Ngài đã hứa, cho dù dân tội lỗi, bội tín.
Trong tất cả những lời ngôn sứ loan báo, vừa thể hiện tính nghiêm khắc vừa mang tính trấn an. Sứ điệp ấy vừa đe doạ và trách cứ nghiêm khác vì tội lỗi của dân, nhưng cũng vừa khoan dung, an ủi với lời hứa giải thoát và tha thứ. Niềm vui cũng là nội dung của sứ điệp.
3. Các hiền nhân tại Israel
Sau thời các ngôn sứ, người ta thấy xuất hiện trong Israel những hiền nhân mà chúng ta sẽ thấy qua một vài văn phẩm sau: Gióp, Giảng viên, Châm ngôn, Diệu ca, Huấn ca, Khôn ngoan. Các văn phẩm này được gọi chung là các tác phẩm Huấn giáo. Các tác giả, qua những văn phẩm này suy tư về thân phận con người, về hạnh phúc cuộc sống thực tế như: làm sao để thành công ở đời, tại sao có đau khổ ; báo ứng thưởng phạt ở chỗ nào … Quan điểm chung nhất ở nơi các tác phẩm này là bàn về khía cạnh luân lý trong đời sống: Người ta làm lành sẽ được thưởng, làm ác bị phạt. Có thể sẽ thưởng phạt ngay tại trần thế. Chuyện ông Gióp là một ví dụ. Tuy nhiên, những quan điểm về thưởng phạt sẽ còn phải được cập nhật theo dòng thời gian. Chẳng hạn như sự phát triển niềm tin về sự sống lại (Macabe, Đaniel) và linh hồn bất tử (sách Khôn ngoan).