Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng đoàn kết, thống nhất Phật giáo Việt Nam của đông đảo Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam để thực hiện sự nghiệp truyền bá và duy trì giáo lý Phật giáo, đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đến nay, GHPGVN đã trải qua 9 kỳ Đại hội. Đó là:
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I (nhiệm kỳ 1981 – 1987) chính là Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 11/1981. Đây được coi là thời kỳ xây dựng nền móng cho GHPGVN. Về hệ thống tổ chức GHPGVN có 2 cấp: cấp TW và cấp tỉnh dưới sự lãnh đạo của 2 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh (HĐCM) và Hội đồng Trị sự (HĐTS); giúp việc cho TW Giáo hội có 2 Văn phòng: Văn phòng I (đặt tại Hà Nội) và Văn phòng II (đặt tại thành phố Hồ Chí Minh) và 6 ban hoạt động (Ban Tăng sự; Ban Giáo dục Tăng Ni; Ban Hướng dẫn nam nữ Cư sĩ Phật tử; Ban Hoằng pháp; Ban Nghi lễ; Ban Văn hóa), thành lập được 28 Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II (nhiệm kỳ 1987 – 1992) tổ chức vào tháng 10/1987. Đây là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động theo chương trình nội dung 6 điểm của Giáo hội trong thời kỳ đổi mới của xã hội và đất nước, số lượng Ban Trị sự được thành lập lên tới 33 đơn vị và bổ sung thêm 2 ban ngành hoạt động (Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội; Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) thành 8 ban chuyên môn.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 1992 – 1997) tổ chức vào tháng 11/1992. Đây là giai đoạn tiếp tục phát triển và hoàn chỉnh các mặt hoạt động của Giáo hội. Giáo hội đã có 10 ban, viện hoạt động và được duy trì cho tới ngày nay (thành lập thêm Ban Phật giáo Quốc tế và tách Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội thành 2 ban: Ban Kinh tế Tài chính và Ban Từ thiện xã hội) và 41 Ban Trị sự Phật giáo.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1997 – 2002) tổ chức vào tháng 11/1997. Giáo hội đã thành lập được 45 đơn vị tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước với 10 ban, viện hoạt động.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (nhiệm kỳ 2002 – 2007) tổ chức vào tháng 12/2002. Đây là nhiệm kỳ GHPGVN củng cố các ban, viện. Kết thúc nhiệm kỳ, GHPGVN đã có 54 Ban Trị sự (Ban Đại diện) Phật giáo.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2007 – 2012) tổ chức vào tháng 12/2007. Đại hội được coi là một bước thay đổi lớn trong quá trình phát triển của GHPGVN, nổi bật là cải tiến về vấn đề nhân sự tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Phật giáo ở các cấp, đặc biệt quan tâm đến sự kế thừa trong Giáo hội, ưu tiên trọng dụng đội ngũ Tăng Ni trẻ có trình độ và uy tín, năng lực. Đại hội cũng đã thông qua bản Hiến chương sửa đổi có quy định về Đạo kỳ, Đạo ca và hệ thống tổ chức được nâng lên 3 cấp thay vì 2 cấp như trước đây: cấp TW – cấp tỉnh – cấp huyện; tăng số lượng thành viên tham gia HĐCM, HĐTS và Ban Trị sự Phật giáo.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012-2017)
Đại hội diễn ra từ ngày 21-24/11/2012 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, có hơn 900 đại biểu tham dự.
Đại hội suy tôn Hoà thượng Thích Phổ Tuệ vào ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; 89 thành viên Hội đồng Chứng minh, 24 vị Ban Thường trực.
Giáo hội thành lập 13 ban ngành thuộc Hội đồng Trị sự; 63 tỉnh thành hội Phật giáo cả nước và tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần thứ 2, năm 2014, tại Việt Nam.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2022)
Đại hội diễn ra từ ngày 21-22/11/2017, tại Hà Nội, gồm 1.250 đại biểu tham dự.
Đại hội đã suy tôn Hoà thượng Thích Phổ Tuệ vào ngôi vị Pháp chủ; 96 thành viên Hội đồng Chứng minh và 27 vị Ban Thường trực.
Chủ tịch Hội đồng Trị sự là Hoà thượng Thích Thiện Nhơn.
Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần thứ 3, năm 2019, tại chùa Tam Chúc, Hà Nam.
– Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022-2027)
Đại hội được tổ chức tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội từ ngày 28-29/11/2022, dự kiến có 1091 đại biểu tham dự.
Đại hội đã tiến hành suy cử Hội đồng Trị sự gồm 235 Ủy viên chính thức, 45 Ủy viên dự khuyết, trong đó có 65 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Nhất tâm suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN khoá IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Trên cơ sở hệ thống giáo lý, giáo luật, giáo lễ của Đạo Phật và các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động tôn giáo, GHPGVN đã trải qua 9 kỳ Đại hội với 4 lần sửa đổi Hiến chương (tại Đại hội lần thứ II, III, IV và VI) và đã có những điều chỉnh kịp thời trong từng giai đoạn nhất định cho phù hợp với yêu cầu và thực tế khách quan để củng cố tổ chức và đáp ứng được yêu cầu đề ra.