Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương gồm 18 vị được tạc bằng gỗ với các hình dáng khác nhau. Mỗi pho tượng là một phong cách, cá tính riêng.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Về số lượng Tổ Tây Thiên gắn với Tiểu thừa có 28 và tổ Đông Đô Độ gắn Đại thừa có 6, trong đó Bồ Đề Đạt Ma vừa là Tổ Tây Thiên cuối cùng vừa là Tổ Đông Độ đầu tiên, nên tất cả là 33 vị, nhưng chùa Tây Phương chỉ chọn ra 18 vị để tạc tượng bằng gỗ. Nhìn chung, các tượng đều được tạc theo một phong cách, cùng mặc áo cà sa như nhau, song nếp áo mỗi vị theo dáng ngồi, thế đứng mà tạo nếp và đường lượn khác nhau nhằm đề cao tâm đạo và trí tuệ.

Tượng có pho đứng, pho ngồi, có vươn lên, có dàn trải để gây được nhịp điệu. Dưới bàn tay của những nghệ nhân tài ba, tượng nào cũng sống động và thanh thoát. Theo tiểu sử từng vị Tổ, mỗi vị có một cá tính riêng, một cuộc sống riêng tư rất đời thường, có vui, có buồn, có đam mê, có vướng mắc, có hoan hỉ… do đó tượng các vị Tổ đều là sự điển hình hóa, tổng hòa những nét cá biệt theo cùng một hướng để nêu bật cả cái thực và cái thần của tượng.

Tượng Tổ thứ nhất (Ma Ha Ca Diếp tôn giả) và thứ hai (A Nan Đà tôn giả)

Tượng Tổ thứ nhất và thứ hai được bài trí trên Phật điện, cùng hàng với tượng Tuyết Sơn. 16 pho tượng Tổ còn lại được bài trí tại hai gian bên tả và hai gian bên hữu tòa sau cùng của chùa chính, gồm:

Tượng Tổ thứ 3: Thương Na Hòa Tu tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương

Thương Na Hòa Tu tôn giả

Các tài liệu từ trước đến nay đều vẽ ngài ngồi bên bàn đá hỏi chuyện Ưu Ba Cúc Đa với dáng tư lự của nhà hiền triết. Tượng Thương Na Hòa Tu ở chùa Tây Phương bám theo hình vẽ mẫu, ngồi chân thõng chân co nửa vời, một tay để trên đùi một tay thu trong bọc, mặc áo nhiều nếp để hở ngực gầy giơ cả xương sườn, đôi mắt sụp, miệng mím lại ít nói nhưng khuôn mặt luôn trăn trở biểu hiện một nội tâm dằn vặt. Tượng đơn mà như phía trước có ai đó để ngài quan sát và suy ngẫm.

Tượng Tổ thứ 4: Ưu Ba Cúc Đa tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-1

Ưu Ba Cúc Đa tôn giả

Trong các sách cổ, Tổ Ưu Ba Cúc Đa được vẽ đang chăm chú ngồi đọc sách, sách trên tay, sách dưới đất, có khi còn thêm mấy thẻ tre. Tượng ở chùa Tây Phương vẫn theo dáng ngồi trong hình vẽ nhưng nhấp nhổm trên gót chân trái quỳ gấp lại, còn chân phải gấp chống làm điểm tựa cho bàn tay cầm thẻ tre đánh dấu thành tích thuyết pháp. Tượng đầu to, trán cao, hói quá đỉnh biểu hiện sự thông minh, mắt tròn sáng mở to nhìn xa chăm chú, phối hợp với cái miệng há mở như đang thuyết giảng với sự cuốn hút đến thôi miên các đối tượng nghe. Mặt tượng với đôi lông mày to đậm, râu quai nón, tai dài, cánh mũi nở gây ấn tượng đậm ở người xem, các mảng khối trên thân mình cứ căng tròn biểu đạt sự sung mãn cả trí lực và trí tuệ. Là tượng đơn nhưng sự sống động của Tổ khiến chúng ta cảm nhận như có cả một quần thể phía trước.

Tượng Tổ thứ 5: Đề Đa Ca tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-2

Đề Đa Ca tôn giả

Trong các thư tịch xưa, có sách vẽ ngài đứng chắp tay thi lễ các đại tiên trên trời, có sách vẽ ngài ngồi ngước nhìn không trung. Tượng Đề Đa Ca ở chùa Tây Phương  trong thế ngồi thiền đang thi lễ, tất cả thể hiện trong khối đóng kín, đường viền rõ ràng, mảng khối óng ả, các nếp áo song hành, tất cả biểu thị sự sáng láng, song khuôn mặt lại đăm chiêu như chờ sự giải mộng, thu cuộc sống vào nội tâm.

Tượng Tổ thứ 6: Di Giá Ca tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-3

Di Giá Ca tôn giả

Trong các thư tịch cổ đều vẽ cảnh Di Giá Ca tiếp chuyện Bà Tu Mật, đứng hoặc ngồi, chắp hai tay lễ. Tượng Di Giá Ca ở chùa Tây Phương ở một tình huống khác. Ngài đứng chững chạc, một tay thu trong bọc, một tay bấm độn, khuôn mặt ngơ ngác muốn tìm hiểu điều gì đấy. Và như thế, người xem cảm nhận trước mặt ngài như có cảnh lạ hay ai đó đang đối thoại, dáng tượng tĩnh song nội tâm lại động rộn.

Tượng Tổ thứ 7: Bà Tu Mật tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-4

Bà Tu Mật tôn giả

Trong các thư tịch cổ đều thống nhất vẽ Bà Tu Mật đứng nghiêm, ngửa mặt nhìn trời, hai tay chắp lại đưa lên ngang mặt, phía trước là một bàn đá với đỉnh trầm. Tượng Bà Tu Mật ở chùa Tây Phương được tạc theo đúng hình mẫu trong các thư tịch cổ, tư thế đứng nghiêm, mặt hơi ngửa, miệng há vừa, chắp tay đưa lên biểu hiện động tác chào và cầu chúc theo lối nhà Phật với lời

“A Di Đà…Phật”. Tư thế nghiêm túc, ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc có dây buộc, áo chảy rất sóng, cổ tay đeo vòng móc vào ống tay áo để khi chào không bị tụt, là Tổ duy nhất có răng vàng. Miêng đang há vừa phải và kéo dài để chuẩn bị khép với từ “Phật”. Rõ ràng trước tượng Bà Tu Mật, chúng ta cảm thấy có ai đó mà Tổ gặp và cầu chúc cho họ những lời tốt đẹp. Ở đây, ngoại hình chẳng những chuẩn mực còn giúp nội tâm trong sáng.

Tượng Tổ thứ 8: Phật Đà Nan Đề tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-5

Phật Đà Nan Đề tôn giả

Trong các thư tịch cổ đều thống nhất vẽ Tổ thứ 8 – Phật Đà Nan Đề người béo tốt, ngồi bệt tựa gốc cây, chân phải xếp bằng, chân trái chống nghiêng, tay trái để trên đùi, tay phải đang ngoày tai. Tổ mặc áo phanh ra hở cả ngực và bụng, quần dài tết gấu lại như đăng ten, cổ tay đeo vòng. Tượng Tổ thứ 8 ở chùa Tây Phương bày ở góc ngoài, phía bên phải tòa chùa trong, được bám sát hình trong sách “Thiền Uyển Kế Đăng Lục” tạo một khối căng tròn, óng ả, mặt hỉ hả, đôi mắt hỏm hỉnh, miệng cười dễ dãi, khuôn mặt sáng sủa, tất cả toán lên sự thông minh, mềm mỏng, dễ gần. Đây là pho tượng đặc biệt sống động, dù cái que bị mất vẫn luôn gợi động tác ngoáy tai, ngoài sự kích thích còn biểu hiện sự giao tiếp và ứng xử văn hóa uyên bác.

Tượng Tổ thứ 9: Phục Đà Mật Đa tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-6

Phục Đà Mật Đa tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 9 – Phục Đà Mật Đa ngồi tựa mỏm đá, tay phải chống cây tích trượng, đăm đăm nhìn xuống đất, bên cạnh là bàn thờ đá có đỉnh trầm đang đốt. Tượng Phục Đà Mật Đa ở chùa Tây Phương được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách xưa, cây tích trượng bị mất nhưng tư thế tay không thay đổi, chỉ thêm cuốn sách bên tay trái mà ánh mắt đang hướng tới. Miệng há mở phối hợp với ánh mắt đang khám phá ở trang sách những điều thú vị, gương mặt vừa hồ hởi lại vừa như ngơ ngác trước những mới lạ mà ở tuổi 50 mới được biết. Áo mặc hở nửa ngực, nhiểu nếp nhăn không cùng hướng cũng đều chứng tỏ nhân vật có nội tâm phức tạp.

Tượng Tổ thứ 10: Hiệp tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-7

Hiệp tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 10 – Hiệp tôn giả đứng tựa gốc cây nhìn xuống Phú Na Dạ Xà chắp tay thi lễ. Ở chùa Tây Phương, tượng Hiệp tôn giả được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách, nhưng nhấn mạnh da thịt phốp pháp mịn bóng của tuổi đời còn sung sức, mắt tròn sáng như nhìn xoáy tâm can các đối tượng, miệng mín xít ít nói, người giàu nghị lực. Làm đối trọng và cũng để tôn nhân vật là cây khô nhiều hốc. Khối tượng đứng chững chạc, các mảng căng mịn, cái thực điển hình là càng làm toát ra cái thần của nhân vật.

Tượng Tổ thứ 12: Mã Minh tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-8

Mã Minh tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 12 – Mã Minh tôn giả đang ngồi chống tay phải trên phiến đá, mặc áo trật vai xuống tận cánh tay để hở cả ngực và bụng, đầu hói quá đỉnh, râu quai nón, tai đeo vòng to, mặt hơi ngửa điềm tĩnh nhìn lên con rồng vùng vẫy trong mây và giơ móng vuốt ra đe dọa. Ở chùa Tây Phương, tượng Tổ Mã Minh tôn giả đặt ở cuối dãy hồi trái tòa chùa trong, tạc theo mẫu vẽ trong sách xưa, song có sáng tạo về chi tiết

Gắn con rồng với Tổ thành một khối, đưa nó xuống thấp ngang bệ ngồi và phú cho dáng vẻ hiền hòa để hợp tâm lý người Việt vốn coi rồng là con vật linh thiêng báo điềm lành. Tổ ngồi bình thản thả thõng chân phải và hơi co chân trái nhưng đều chạm đất, thân hơi ngả về phía sau và chống thẳng tay phải tạo thế vững vàng không mỏi, tay cái gấp vuông đưa ngang trước bụng và chỉ về con rồng. Đầu tượng tròn, cạo trọc càng nổi các khối căng đầy sức sống, tai dài chạm vai, mắt nhìn thẳng vào đối tượng cùng với miệng há biểu hiện đang tranh luận, mắt rất tươi, trên thân hình da dẻ căng óng khỏe mạnh. Tổ đầy vẻ tự tin, thông minh, điềm tĩnh, chan hòa với mọi người.

Tượng Tổ thứ 13: Ca Tỳ Ma La tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-9

Ca Tỳ Ma La tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 13 – Ca Tỳ Ma La tôn giả đang đi ở khu vực núi, bị con mãng xà quấn quanh người. Ở chùa Tây Phương, tượng Ca Tỳ Ma La được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách, nhưng ngài không tranh biện, đứng thẳng như từ đất moc lên bất chấp gió thổi các tà áo bay kéo đi, cũng bất chấp những mãng xà đe dọa, khuôn mặt bình thản và tự tin, đôi mắt sáng nhìn xa. Toàn thân Ca Tỳ Ma La tôn giả được tạc bởi các khối căng tròn, óng mượt, những gấp nếp của áo cũng buông xuôi và ngả bay cùng chiều với khối, hình tĩnh mà lại động, từ trong hình tượng vươn lên là cả một sự nung nấu, sôi động.

Tượng Tổ thứ 14: Long Thụ tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-10

Long Thụ tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 14 – Long Thụ tôn giả đang ngồi quán tưởng trên bông hoa sen, trên đầu nghĩ đến vầng trăng tròn sáng, dưới nước có rồng đội kinh. Ở chùa Tây Phương, tượng Long Thụ tôn giả được tạc ngồi trên đài sen cao 30cm , tất cả tạo thành một  khối chóp vững nhưng đáy lại là đường cong của tòa sen do đó sinh động, chao đảo. Vạt áo tượng rủ xuống hai bên tòa sen để tượng và bệ (toà sen) gắn bó thành một khối hoàn chỉnh. Tượng nhắm mắt, ngồi thiền quán tưởng, hình thức trang nghiêm tĩnh lặng, khoác áo cà sa để hở bộ ngực gầy, biểu hiện dáng vẻ nhà hiền triết tập trung suy tư, coi nhẹ đời thường. Tượng có đường viền rõ ràng, bố cục đăng đối hai nửa phải, trái, song ngắm nhìn kỹ lại thấy cứ nhạt nhòa để chỉ còn là hình chập chờn trong vầng sáng yếu. Bên cạnh tượng Long Thụ còn thêm hình con rồng đội một hộp kinh nhắc lại chuyện Đại Long cho kinh Hoa Nghiêm.

Tượng Tổ thứ 16: La Hầu La Đa tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-11

La Hầu La Đa tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 16 – La Hầu La Đa tôn giả đang ngồi tự nhiên trên phiến đá, hai ta tỳ cây gậy tích trượng để nhô người về đằng trước, bên cạnh có con hươu. Ở chùa Tây Phương, tượng La Hầu La Đa tôn giả được tạc theo mẫu trong các sách xưa, chỉ thay chi tiết tay phải để lên đùi. Là con vị trưởng giả, La Hầu La Đa y phục chỉnh tề, đầu chít khăn, vẻ mặt đăm chiêu, mắt nhìn xa xăm, miệng mím lại dù môi mỏng khéo nói, chiếc gậy giờ đây cầm hờ một tay biểu thị quyền uy chứ không phải làm điểm tỳ, các móng tay dài ăn chơi, áo nhiều nếp vặn vẹo cũng biểu thị nội tâm dằn vặt. Con hươu bên cạnh như gợi vườn lộc uyển về sự thuyết pháp của Tổ. Đây là một pho tượng rất thành công về ngoại hình gắn với một nội tâm phức tạp.

Tượng Tổ thứ 17: Tăng Già Nan Đề tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-12

Tăng Già Nan Đề tôn giả

Bám sát hành trạng của Tổ để tìm hành động điển hình, trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 17 – Tăng Già Nan Đề tôn giả đang ngồi nhập tịch bên sườn núi, sát mép sông.

Ở chùa Tây Phương, tượng Tăng Già Nan Đề tôn giả được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách xưa, toàn thân thu về một khối bó gọn trong tấm áo choàng từ cổ xuống đất với những nếp gấp chảy xuôi, phía trước chỉ để hở khối chân phải gấp nằm và chân trái gấp đứng, đầu tì lên hai bàn tay úp đè nhau trên đầu gối. Đầu tượng tròn, đỉnh đầu nhô lên như nhục kháo, tai rất dài đeo khuyên, mắt khép hờ, cánh mũi nở, miệng mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ. Cách ngồi nhập định của Tăng Già Nan Đề như ngồi chơi, không gò theo công thức tọa thiền. Bệ tượng gợi sóng nước, lại có một mặt thú như gợi thiên nhiên hoang sơ nơi Tổ nhập định. Khối tượng thu gọn, đường viền rõ ràng, các mảng lớn chảy xuôi gắn với mảng ngang hẹp càng làm cho toàn thể chững chạc. Đây là tác phẩm có bố cục rất gọn chặt.

Tượng Tổ thứ 18: Già Da Xá Đa tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-13

Già Da Xá Đa tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 18 – Già Da Xá Đa tôn giả đang đi theo chiều gió cuốn, tay trái cầm gương soi phía sau, tay phải gấp, vít cây gậy đeo cuốn kinh. Ở chùa Tây Phương, tượng Già Da Xá Đa tôn giả được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách xưa, ống tay áo và vạt áo thổi bay theo chiều gió mạnh về phía trước, song người vẫn đứng thẳng, chân như nhún và tay đong đưa. Mắt tượng hấp háy và miệng há như đang hỏi han, cánh mũi rộng, gò má đầy, tai dài, người đẫy chắc. Khối tượng cứ như nhấp nhô tiến dần về phía trước, cái thực và cái thần quyện vào nhau rất sống động.

Tượng Tổ thứ 19: Cưu Ma La Đa tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-14

Cưu Ma La Đa tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 19 – Cưu Ma La Đa tôn giả béo đẫy, ngồi ngả người thoải mái, tay phải cầm gậy tích trượng, tay trải để trên đùi. Ở chùa Tây Phương, tượng Cưu Ma La Đa tôn giả được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách xưa, song ở đây là người hồ hởi, lãng mạn, rất yêu đời, tay phải cầm đóa hoa thay cho cầm gậy. Khối tượng gồm toàn những mảng căng tròn, bóng láng, mặc áo phanh hở cả ngực và bụng để như phối hợp với mặt đều cười rung lên. Hình dáng tượng rất thực lại toát ra cái thần tươi vui, phát huy cao độ ngôn ngữ mảng khối.

Tượng Tổ thứ 20: Xà Dạ Đa tôn giả

Tượng tổ kế đăng ở chùa Tây Phương-15

Xà Dạ Đa tôn giả

Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 20 – Xà Dạ Đa tôn giả khoác áo cà sa hở nửa lưng, ngồi hơi cúi, dướn dài cổ về trước, tay phải cầm cái que dài gãi lưng. Ở chùa Tây Phương, tượng Xà Dạ Đa được tạc theo hình mẫu vè trong sách song đặc tả các bộ phận cơ thể để nhấn mạnh cái ngứa đang hành hạ một cơ thể gầy yếu nhưng nội lực mạnh mẽ, biểu hiện ở đầu to, tròn, vầng trán thông minh. Mắt tượng nheo nheo cùng với miệng chúm lại, phối hợp với các nếp nhăn trên trán, đuôi mắt và khóe miệng vừa thể hiện tuổi cao, vừa biểu thị sự suy tư sâu sắc. Tượng có khuôn mặt dài và xương xương, cổ dướn với những hốc, ngực phơi đủ bộ xương sườn, bụng mướp với nhiều nếp da nhăn nheo đều cho thấy sự chính xác về giải phẫu cơ thể, sự dằn vặt về tâm lý và sự sâu sắc về trí tuệ. Đây là tác phẩm thành công về cuộc sống người lao động.

Đa số tượng Tổ Kế Đăng ở chùa Tây Phương đều được sơn thếp các tông màu chủ đạo là đỏ – đen và nâu – đỏ. Người xưa đã khéo léo lồng kết giữa điêu khắc với hội họa sơn mài để góp phần hình thành nên những pho tượng đầy sức sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *